Giải pháp nào liên kết, phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên?
Trong nước - Ngày đăng : 10:53, 17/02/2019
Tồn tại nhiều hạn chế
Như đã biết, miền Trung - Tây Nguyên là cửa ngõ ra biển của hành lang kinh tế Đông - Tây, lại có lãnh thổ trải dài trên tuyến du lịch xuyên Việt, xuyên Á; vì thế khu vực này có vị trí đặc biệt quan trọng trong bản đồ du lịch Việt Nam.
Nơi đây có tiềm năng du lịch biển, đảo - được xem là thế mạnh với chuỗi các bãi biển mang đẳng cấp quốc tế, nhiều vịnh đẹp thế giới và nhiều đảo, bán đảo hấp dẫn trải dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; tài nguyên du lịch núi rừng với nhiều điểm du lịch sinh thái đồi núi, thác hồ nổi tiếng tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên. Ngoài ra, toàn khu vực còn có 9 vườn quốc gia, nhiều khu bảo tồn thiên nhiên hoang sơ, nguyên vẹn. Đáng chú ý, đây còn là nơi tập trung 14 di sản văn hóa thế giới; là địa bàn cư trú của 47 dân tộc anh em…
Dù vậy, sự phát triển của du lịch miền Trung - Tây Nguyên vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với vị thế và tiềm năng to lớn của khu vực. Nó được xem như một “viên ngọc thô” chưa được mài dũa…
Có thể kể đến những tồn tại như lượt khách du lịch tương đối lớn nhưng phân bổ không đồng đều, tổng doanh thu từ du lịch còn thấp, chưa thu hút thị trường khách du lịch cao cấp, hệ thống hạ tầng du lịch còn hạn chế, cơ sở vật kỹ thuật còn thiếu. Đặc biệt, tính liên kết trong phát triển du lịch còn hạn chế, nhất là liên kết xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù và trong hoạt động xúc tiến, quảng bá…
Tại “Hội nghị phát triển du lịch miền Trung - Tây Nguyên” vừa diễn ra ngày 16/2 tại TP. Huế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã chỉ rõ, nhìn một cách tổng thể, du lịch miền Trung - Tây Nguyên vẫn đang còn rất mất cân đối, thiếu bản sắc, đặc biệt là bản sắc chung của du lịch Việt Nam mang tính toàn cầu. Ngoài ra, nguồn tài nguyên du lịch cũng đang bị phân mảnh trong quản lý, sự xung đột về lợi ích của các lĩnh vực kinh tế như công nghiệp - du lịch,…cũng dẫn đến việc các tài nguyên du lịch dần bị mất đi.
Thủ tướng nhắc lại tình trạng “chặt chém” du khách, vấn nạn taxi dù, chèo kéo bán hàng rong, mất vệ sinh, thiếu an ninh, lừa đảo khách…
“Ở miền Trung, tiềm năng lớn như vậy nhưng phải triệt tiêu những từ khóa như “chặt chém”. Tôi kiểm tra thấy có hơn 3,7 triệu kết quả về tin bài về “chặt chém” khách. Nhà hàng ở Nha Trang bán đĩa trứng xào cà chua 500.000 đồng có phải là hiện tượng xấu không? Rồi xích lô đi lòng vòng lúc đầu đưa giá 20.000 đồng sau lấy 200.000 đồng. Cái này không phải phổ biến, nhưng xuất hiện ở những trung tâm. Tôi xin nói, cái này rất là tai hại đối với một đất nước, với dân tộc với con người mà chúng ta phải lên án. Chủ tịch, Bí thư các tỉnh phải chỉ đạo, các cơ quan pháp luật ở đâu, chúng ta phải xử lý nghiêm những trường hợp như vậy, phải đưa điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh những trường hợp này để giữ văn hóa truyền thống của người Việt…”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Hiến kế nhiều giải pháp
Tại hội nghị, lãnh đạo các Bộ, ngành, đại diện cơ quan ngoại giao nước ngoài, nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước, các chuyên gia… đã có những đề xuất, góp ý thảo luận quan trọng để tìm cách liên kết, phát triển du lịch khu vực Miền Trung - Tây Nguyên.
Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đề nghị các địa phương khu vực miền Trung - Tây Nguyên cần hoàn thiện cơ chế chính sách trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng kế hoạch, thực hiện các nghị quyết trung ương về chiến lược phát triển du lịch; xây dựng để thực hiện đề án cơ cấu lại ngành; bảo đảm môi trường du lịch, tập trung phát triển sản phẩm du lịch đa dạng, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao quảng bá.
Đặc biệt, Bộ trưởng Thiện lưu ý phải đề cao tính liên kết, phát huy trong từng cụm như Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế; Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh để làm điển hình nhân rộng, qua đó đẩy mạnh liên kết trong tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Các địa phương cũng cần xác định yếu tố đặc thù của mình, kết hợp đan xen, bổ trợ trong khu vực...
Theo PGS. TS Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, tiềm năng du lịch của Miền Trung và Tây Nguyên là rất rõ ràng, cái quan trọng là cần phải biết phát huy được tiềm năng đó, một thực trạng hiện nay là các tỉnh Miền Trung và Tây Nguyên đang diễn ra tình trạng “mạnh ai nấy làm”, chưa có sự liên kết chặt chẽ vùng, do đó cần phải nhận thấy được thế mạnh của nhau để hỗ trợ, cùng nhau phát triển.
“Chính phủ cần trao quyền tự chủ cần thiết cho các địa phương để các địa phương chủ động tổ chức phối kết hợp với nhau; cần có nhiều chính sách phù hợp cho phát triển du lịch như chính sách thị thực để thu hút du khách các nước trên thế giới; phải phát triển đồng bộ du lịch các vùng vì hiện nay đang có sự phát triển chênh lệnh; và chú trọng thu hút các nhà đầu tư chiến lược, điều mà hiện Đà Nẵng là một trong những tỉnh làm rất hiệu quả” - PGS. TS Trần Đình Thiên nêu ý kiến.
Trong khi đó, PGS. TS Phạm Trung Lương, Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng vùng duyên hải miền Trung là khu vực có nhiều lợi thế như ví trí địa lý cực kỳ quan trọng; nổi trội về du lịch biển đảo và là vùng đậm đặc các di sản.
PGS. TS Phạm Trung Lương cũng đã chỉ ra những yếu tố tiềm ẩn làm ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch, trong đó cho rằng, hiệu quả đối với một số thị trường chưa thực sự cao, tạo áp lực đến hạ tầng cơ sở, môi trường của khu vực. Tổng đầu tư của khối tư nhân đến khu vực này không nhiều. Sự liên kết khá điển hình cho vùng này: Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, nhưng bản chất liên kết chưa được bao nhiêu.
“Cần cơ cấu, điều chỉnh lại thị trường. Chú trọng sản phẩm đẳng cấp cao. Phải cấu trúc lại câu chuyện quảng bá, marketing. Vùng này phát triển phải gắn với bảo tồn. Nên cho phép tư nhân đầu tư khai thác các đầu mối giao thông, Trung ương chỉ hỗ trợ các dự án. Áp dụng cơ chế ưu đãi nhất 2 tổ hợp du lịch lớn Lăng Cô và Cù Lao Chàm. Cần có chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch quốc tế; chính sách bảo tồn tài nguyên…” - PGS. TS Phạm Trung Lương nêu định hướng.
Để phát triển hơn nữa ngành du lịch của vùng, ông Gavin Herholdt - Giám đốc Laguna Việt Nam cũng đưa ra một số giải pháp cần thiết đó là phải làm du lịch có trách nhiệm và đảm bảo tính bền vững; phải chú trọng giải pháp tăng thời gian lưu trú của du khách đến vùng, nắm bắt nhu cầu của khách du lịch, đặc biệt là các du khách quốc tế có xu hướng thích khám phá thiên nhiên nên cần có nhiều hoạt động thu hút như đạp xe, leo núi, đi kayak… để tạo lý do giữ khách lưu trú; cần định hướng xây dựng sân gold đảm bảo cung cầu đáp ứng quốc tế, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giới thiệu những thành tựu, nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua, nhất là các chính sách thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư trên thế giới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe, luôn thấu hiểu để tạo điều kiện phát triển du lịch, cũng như gợi mở đến các chính sách mới như cấp thị thực điện tử, nới lỏng và tạo điều kiện cấp thị thực cho du khách; quảng bá du lịch qua internet; đặc biệt là đầu tư vào hạ tầng như mở cửa bầu trời, nâng cấp sân bay, xây dựng cảng biển chuyên dụng, xây dựng tuyến đường ven biển bằng hình thức xã hội hóa… để phát triển du lịch.
“Đầu tư và du lịch 19 tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên đã đạt được nhiều thành quả, đây là sự cố gắng lớn. Tuy vậy, vẫn chưa xuất sắc và còn nhiều việc đáng làm. Tôi tin tưởng sắp tới sẽ có chuyển biến lớn để có những bước tăng trưởng mới về du lịch trong vùng”- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.