Thủ tướng Chính phủ thăm và làm việc tại Công ty thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao

Trong nước - Ngày đăng : 15:05, 11/02/2019

(TN&MT) – Sáng ngày 11/02/2019 (tức ngày mùng 7 tháng Giêng), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng Đoàn công tác trong đó có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, đại diện lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương và đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã đến thăm và làm việc tại Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác ông Đinh Cao Khuê – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Công ty Đồng Giao) cho biết: Hiện nay, công ty có 02 vùng sản xuất nguyên liệu chính tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Gia Lai. Tại tỉnh Ninh Bình, Công ty đang quản lý và sử dụng có hiệu quả 4.000 ha đất. Đây là vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, ứng dụng công nghệ cao, với các loại cây trồng chính là dứa Cayene, dứa Queen, dứa MD2, chuối, rau chân vịt, đậu tương rau, ngô ngọt cho năng suất, chất lượng cao.

thủ tướng 4
Thủ tướng tặng quà cho người lao động Công ty Đồng Giao. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Ngoài ra, công ty cũng liên kết trồng và tiêu thụ nông sản tại nhiều tỉnh trên cả nước, theo đúng phương châm chỉ đạo của Thủ tướng là “bất kỳ vùng đất nào cũng có sản phẩm chính, có lợi thế để sản xuất”. Hiện nay, tổng diện tích liên kết của công ty khoảng 20.000 ha, giúp giải quyết đầu ra cho nông sản, tạo công ăn việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động tham gia chuỗi liên kết sản xuất.

Bên cạnh đó, công ty cũng áp dụng khoa học công nghệ để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra những sản phẩm an toàn, năng suất, chất lượng cao. Tại tỉnh Ninh Bình, công ty có diện tích 500 ha tưới tiêu tự động theo công nghệ cảm biến độ ẩm của Israel, tại Gia Lai, công ty cũng đầu tư hệ thống tưới tiêu chủ động trên diện tích 2.000 ha.

thủ tướng 7
Thủ tướng thăm hỏi, động viên người lao động trên nông trường của Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngoài ra, công ty sở hữu 02 khu tổ hợp chế biến nông sản xuất khẩu có quy mô công suất lớn và hiện đại tại tỉnh Ninh Bình và tỉnh Gia Lai. Công ty còn liên kết sản xuất với 01 nhà máy tại tỉnh Bắc Giang.

Đặc biệt, năm 2018 Công ty Đồng Giao đã ký kết hợp đồng hợp tác chiến lược với tập đoàn lớn của Israel. Đây cũng là tập đoàn phân phối thực phẩm quy mô lớn trên thế giới, cam kết tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của công ty.

thủ tướng 3
Thủ tướng dự lễ xuất những chuyến hàng rau quả đầu tiên của Công ty Doveco sang Nhật Bản trong năm Kỷ Hợi 2019 - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nhìn nhận Đồng Giao là một mẫu hình về chuyển đổi thành công từ một nông trường thuần túy sang một công ty cổ phần, huy động nguồn lực xã hội, trong đó, đã áp dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới nhất để phát triển sản xuất, kinh doanh. Công ty không chỉ liên kết sản xuất với hộ nông dân ở tỉnh Ninh Bình mà còn với các tỉnh, thành khác trong cả nước để có nhiều loại sản phẩm.

Thủ tướng nêu rõ, nông nghiệp nước ta không chỉ là bài toán kinh tế, là sinh kế lâu dài của phần đông dân số Việt Nam mà còn là vấn đề xã hội rộng lớn, là điều kiện, quyết tâm của Việt Nam trên con đường phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vì một nước Việt Nam độc lập, tự cường, thịnh vượng và không để người dân nào bị bỏ lại phía sau.
 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Thị Thu Thủy tặng hoa và lì xì cho những vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến thăm Vịnh Hạ Long trong ngày đầu tiên năm mới 2019
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (giữa) tham dự cuộc làm việc tại Công ty Đồng Giao của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc 

“Tôi làm thử một phép tính nhẩm diện tích đất nông nghiệp của Việt Nam hiện nay khoảng 27,3 triệu ha. Làm như ở Đồng Giao, tức là trên 250 triệu đồng/ha, đây vẫn chưa phải mức năng suất cao, thì chúng ta đã có gần 300 tỷ USD về giá trị sản xuất nông nghiệp. Và nếu chúng ta phấn đấu như tôi đã nói ở Thái Bình, là 500 triệu đồng/ha thì chúng ta có giá trị sản xuất nông nghiệp khoảng 600 tỷ USD”, Thủ tướng nói. Như vậy, cùng với kinh tế số, nông nghiệp thông minh hoàn toàn có thể trở thành đòn bẩy chiến lược để đưa Việt Nam hoàn thành mục tiêu kép, đó là trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình cao trước 2035 và một xã hội công bằng, bình đẳng, giàu bản sắc văn hóa, bền vững về môi trường sống ở nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

thủ tướng 2
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Chính phủ xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn là chủ trương lớn, có tầm ảnh hưởng sâu sắc đến sự ổn định chính trị, kinh tế, là nền tảng quan trọng của xã hội, tác động sâu sắc đến niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.

Vì thế, định hướng chiến lược của chúng ta cần được thể hiện đầy đủ, rõ ràng và tương xứng với các nội dung chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng vào năm 2021. Với cương vị Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội, Thủ tướng khẳng định, sẽ hết sức quan tâm và chỉ  đạo xây dựng nội dung về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, coi đây là lĩnh vực không thể thiếu được trong sự phát triển đất nước.

Thủ tướng cho rằng, thành quả nông nghiệp năm 2018 rất đáng tự hào, xuất khẩu nhiều nông sản đứng trong tốp 15 thế giới, nhưng chủ yếu vẫn là xuất thô, hàm lượng chế biến còn thấp. Đây là điểm yếu, cũng là cơ hội để nâng tầm giá trị nông sản Việt Nam. Nông nghiệp luôn là lợi thế cạnh tranh vô cùng lớn của Việt Nam. Vì vậy, cần phát triển nông nghiệp bền vững, khôi phục lại hệ sinh thái cho nông nghiệp Việt Nam, nguồn nước, hệ sinh dưỡng, đất đai, thổ nhưỡng, đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam gắn liền với công nghiệp chế biến sâu, công nghệ hiện đại, như Đồng Giao đã và sẽ làm trong thời gian đến.

thủ tướng 6
Thủ tướng thăm hỏi người lao động Doveco - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Ngoài những kinh nghiệm truyền thống như “nước, phân, cần, giống” thì năng suất nông nghiệp Việt Nam cần phải tập trung vào đâu?, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, có 5 xu hướng lớn về công nghệ sẽ quyết định sự phát triển năng suất nông nghiệp Việt Nam và nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam, Công ty Đồng Dao phải áp dụng mạnh mẽ, một là, công nghệ cảm biến, hai là robot tự động hóa, máy bay không người lái, thứ 3 là dữ liệu lớn (big data), điện toán đám mây, thứ 4 là công nghệ in 3D, thứ 5 là ICT, internet vạn vật.

Thủ tướng đề nghị, cần sớm nắm bắt và làm chủ các công nghệ này để chúng ta đưa vào phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, năng suất cao.

Bên cạnh đó, nông nghiệp công nghệ cao không chỉ là công nghệ trong canh tác, chế biến sản phẩm mà còn là công nghệ quản trị.

thủ tướng 5
Thủ tướng thăm dây chuyền phân loại và đóng gói chanh leo - Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Theo Thủ tướng, quy mô đầu tư vào nông nghiệp chưa bao giờ cao như những năm gần đây và chúng ta phải đi tiếp tục xu hướng này. Không có doanh nghiệp, không có HTX thì bất thành nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa có giá trị cao ở Việt Nam.

“Anh đi con trâu đi trước cái cày theo sau, HTX kiểu cũ không đổi mới, không tích tụ ruộng đất, không đổi mới quản trị trong nông nghiệp bất thành nền nông nghiệp hiện đại của một đất nước mà đại đa số là nông dân làm nông nghiệp”, Thủ tướng nói. Vì thế, Thủ tướng giao cho các cơ quan, trong đó Bộ NNPTNT, Bộ KHĐT và các bộ liên quan có các chính sách cởi trói và thúc đẩy cho nông nghiệp.

thủ tướng 1
Người lao động trên nông trường của Công ty Doveco

Cho rằng kết quả của ngành nông nghiệp thời gian qua mới chỉ là khởi đầu, Thủ tướng đề nghị Bộ NNPTNT, các cơ quan Trung ương và tất cả các tỉnh, thành trên cả nước cần tập trung lãnh đạo chuyển đổi mạnh mẽ nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng khoa học công nghệ, đa dạng sản phẩm, đi sâu vào chế biến để có sản xuất hàng hóa lớn, không chỉ bảo đảm tiêu dùng cho gần 100 triệu dân của Việt Nam mà còn có thị trường xuất khẩu lớn, đa dạng, để làm sao con số kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp không chỉ trên 40 tỷ USD như hiện nay.

Nhân dịp này, đánh giá cao việc Đồng Giao ra quân sản xuất ngay từ mùng 4 Tết, Thủ tướng mong muốn các đơn vị trong cả nước bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh, góp phần vào thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 ngay từ đầu năm./