Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019
Trong nước - Ngày đăng : 20:50, 31/01/2019
Cùng dự họp báo có Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cùng nhiều lãnh đạo Bộ, ngành và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí.
Nhân dịp tết cổ truyền dân tộc, xuân Kỷ Hợi sắp đến, thay mặt các đồng chí lãnh đạo chủ trì Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng gửi lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, thành công đến các nhà báo và các quý vị đại biểu, chúc các nhà báo một năm mới dồi dào sức khỏe, tiếp tục “mắt sáng, lòng trong, bút sắc” trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, phục vụ nhân dân.
Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, trong ngày 31/1, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019.
Chính phủ đánh giá chúng ta đã trải qua tháng đầu tiên của năm mới 2019 với nhiều sự kiện rất sôi động, nhiều tin vui, như thành công của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam tại đấu trường Asian Cup 2019 (Việt Nam trở thành một trong 8 đội bóng đá nam mạnh nhất châu Á), cùng với những thành tựu về phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 vừa qua, với một niềm hy vọng cho một năm mới 2019 tiếp tục thành công hơn nữa trên mọi phương diện.
Cũng trong tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương đầu tiên của lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong năm mới, với thông điệp hết sức mạnh mẽ, thể hiện khát vọng và quyết tâm của Việt Nam trở thành một “Quốc gia đổi mới sáng tạo”, một nền kinh tế liên kết sâu rộng với kinh tế toàn cầu.
Cũng trong tháng 1, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/01. Ngày 18/01/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam đã tách thành công khỏi tên lửa Epsilon số 4 của Nhật Bản, đi vào quỹ đạo, bắt đầu làm việc trong không gian. Việc chế tạo và phóng thành công vệ tinh MicroDragon có ý nghĩa rất lớn, mở ra thời kỳ phát triển cho ngành vũ trụ Việt Nam.
Tại phiên họp, Chính phủ đã tập trung thảo luận một số nội dung chính, gồm Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội tháng 1 và tình hình thực hiện Nghị quyết 01; Báo cáo về tình hình chuẩn bị Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; và một số nội dung xây dựng các luật, pháp lệnh.
Về tình hình kinh tế-xã hội, như chúng ta biết, năm 2019 sẽ là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020 và kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong những ngày đầu tháng 1/2019, lãnh đạo Chính phủ đã có nhiều buổi làm việc với các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước để đôn đốc, triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cũng như triển khai Nghị quyết 01, 02 của Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu. Nhìn chung, tình hình KT-XH tháng 1 năm 2019 tiếp tục ổn định, diễn biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2019 tăng 0,1% so với tháng 12/2018. Tỷ giá, lãi suất ổn định. Trong 1 tháng qua, NHNN đã mua thêm trên 4 tỷ USD dự trữ ngoại hối.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng cao ở mức 7,9% so với cùng kỳ năm 2018. Năm nay, Tết Nguyên đán vào đầu tháng 2, nên các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết từ tháng 12/2018. Thế nên, trong tháng 1/2019, sản xuất công nghiệp khó có thể tăng tốc mạnh. 7,9% là mức tăng IIP khá cao, cho thấy sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt và đây chính là chỉ dấu cho thấy đà tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2018 đang được tiếp tục trong năm 2019.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm trước tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,4% (cùng kỳ năm trước tăng 7,7%).
Cả nước có trên 10.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 7% về số doanh nghiệp, nhưng tăng 53,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ, thể hiện quy mô doanh nghiệp ngày càng tăng; có trên 8.000 doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 84,5% so với cùng kỳ.
Vốn FDI thực hiện tăng 9,2%, vốn FDI đăng ký tăng thêm tăng 27,3%; góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tăng 114%.
Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu trong tháng 1 ước đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng trước. Con số này đã thêm một lần nữa góp phần khẳng định rằng, kinh tế 2019 đang tiếp tục khởi sắc. Kim ngạch nhập khẩu cũng tăng nhẹ 1,7%.
Được biết, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá tích cực triển vọng kinh tế Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) đã nâng dự báo, kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6,6% trong năm 2019 và 6,5% trong năm 2020, cao hơn bình quân khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Ngân hàng Standard Chartered dự báo Việt Nam sẽ tiếp tục là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á và ASEAN. Đặc biệt, vừa qua lần đầu tiên Việt Nam nằm trong danh sách 60 nền kinh tế sáng tạo nhất thế giới do hãng tin Bloomberg xếp hạng (45,92/100 điểm).
Tuy nhiên, tình hình kinh tế xã hội cũng nổi lên một số vấn đề khó khăn, thách thức. Riêng trong tháng 1/2019 có rất nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, chúng ta đã có nhiều biện pháp triển khai kịp thời để khắc phục hậu quả, cũng như tiến hành tổng kiểm tra phương tiện, con người,... và đã phát hiện nhiều trường hợp sai phạm. Đây là một vấn nạn rất đau lòng, cần có biện pháp căn cơ để khắc phục, tạo chuyển biến thực sự trong thời gian tới. Phải lập lại thật nhanh chóng kỷ cương trong hoạt động giao thông, không để xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, thảm khốc như vừa qua; từng bước xây dựng văn hóa giao thông trong nhân dân.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương cần nỗ lực hơn nữa để tiếp tục bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng nhanh và bền vững. Trong bối cảnh cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, phải chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình, nghiên cứu, phân tích kỹ động thái của các nước lớn trên thế giới, tình hình trong khu vực và thương mại quốc tế, sự phát triển của khoa học công nghệ mới để chủ động xây dựng đối sách phù hợp không để bị động, bất ngờ. Tinh thần chung là phải quyết liệt hơn, sáng tạo hơn, mạnh mẽ hơn, bứt phát hơn như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, để đạt được kết quả tổng thể cao hơn năm 2018.
Một trong những nội dung quan trọng của phiên họp là công tác tổ chức đón Tết cổ truyền cho nhân dân. Trên tinh thần quan tâm đến người có công, đối tượng chính sách, không để người dân nào bị thiếu đói.
Cũng tại phiên họp, Văn phòng Chính phủ đã có báo cáo Chính phủ về xử lý vướng mắc liên quan đến nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Theo báo cáo của cơ quan liên quan, hiện có tổng số 24.184 container phế liệu đang lưu giữ tại các cảng trên cả nước (trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container; số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container). Việc chậm được thông quan các lô hàng này, mỗi ngày doanh nghiệp phải chi trả khoảng 40-50 USD/container/ngày tiền lưu kho, bãi, với 16.605 container (đang bị lưu giữ từ 30-90 ngày), gây thiệt hại cho doanh nghiệp khoảng từ 600.000-800.000 USD/ngày. Ngoài ra, theo phản ánh, nhiều doanh nghiệp phải giảm công suất, công nhân nghỉ việc, hủy hợp đồng, các hãng tàu chở phế liệu từ chối hoặc tăng 1,5 lần giá cước vì chủ tàu cho rằng hàng về Việt Nam khó khăn trong việc thông quan...
Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là năm 2019 phải bứt phá, hiệu quả hơn, cải cách hơn, thực chất hơn năm 2018, cắt bỏ tất cả những gì là rào cản, giấy phép con, tạo chi phí không cần thiết cho doanh nghiệp. Chúng ta dứt khoát bảo vệ môi trường nhưng đồng thời cũng không lấy lý do đó để tạo thêm rào cản, chi phí vô lý cho doanh nghiệp. Nếu là các lô hàng rác thải ô nhiễm, vô chủ thì phải cương quyết ngăn chặn, xử lý, nhưng nếu là lô hàng phế liệu làm nguyên liệu đủ điều kiện, bảo đảm an toàn môi trường thì phải được thông quan, không để ảnh hưởng đến sản xuất.
Trên cơ sở báo cáo của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý đưa ngay các nội dung cần tháo gỡ cho doanh nghiệp vào Nghị quyết phiên họp này. Cũng tại phiên họp, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế chính sách cần được đặc biệt chú trọng và phải coi là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2019. Cơ chế, chính sách, quy định pháp luật nào không còn phù hợp, cản trở đối với phát triển kinh tế - xã hội thì cần phải sửa đổi, bổ sung ngay, không được chậm trễ. Đấy chính là hành động thiết thực để các doanh nghiệp, người dân, để nền kinh tế có thể phát huy sáng tạo, tham gia vào cách mạng công nghiệp 4.0.
Nhân dịp này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng gửi lời cảm ơn các cơ quan thông tin, truyền thông, các phóng viên nhà báo đã đồng hành cùng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, VPCP trong suốt thời gian qua. Muốn thực hiện yêu cầu của Thủ tướng là bứt phá, tạo động lực phát triển thì vai trò của báo chí truyền thông là hết sức quan trọng. Sự tham gia của báo chí sẽ tạo sức ép dư luận hết sức cần thiết để các cơ quan nhà nước thay đổi, sửa đổi các vướng mắc, bất cập; rất mong các cơ quan báo chí sẽ làm tốt hơn, làm mạnh hơn công tác này. Cùng với đó, Chính phủ cũng mong muốn báo chí vào cuộc mạnh mẽ hơn trong việc truyền thông lan tỏa cảm hứng phát triển, cùng với phê bình cái trì trệ, lạc hậu, cản trở phát triển thì đồng thời cũng cần ủng hộ cái mới, sự sáng tạo, khát vọng vươn lên.