Đắk Lắk phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra

Trong nước - Ngày đăng : 18:59, 28/12/2018

Năm 2019, tỉnh Đắk Lắk tạo chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra 9%.

 

 

Đắk Lắk là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh, có diện tích lớn và cộng đồng các dân tộc giàu bản sắc văn hóa, Đắk Lắk có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về nông nghiệp, công nghiệp chế biến, năng lượng, thương mại, du lịch.
 

0812 ttg khai mac
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: Việt Hùng


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu thời gian tới, Đắk Lắk cần động viên mạnh mẽ tinh thần, ý chí cách mạng kiên cường của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc, để thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược là phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững biên cương của tổ quốc; cần xây dựng chiến lược phát triển đúng đắn, trong đó chiến lược phát triển ngành giao thông vận tải cần quan tâm đặc biệt, chủ động đáp ứng nhu cầu phát triển của Tỉnh và vùng Tây Nguyên.
 

Cùng với đó, tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Chính phủ ngay từ những ngày đầu, tháng đầu; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong năm 2019 và tạo đà cho những năm tiếp theo; phấn đấu tốc độ tăng trưởng cao hơn mục tiêu đề ra 9%; GDP bình quân đầu người năm 2020 phải bằng bình quân cả nước; huy động mọi nguồn đầu tư, đặc biệt là vốn ngoài nhà nước; phấn đấu tăng thu ngân sách, chống thất thu, với mục tiêu trước năm 2025 tỉnh tự cân đối được ngân sách.
 

Phấn đấu sản xuất nông lâm nghiệp tăng bình quân trên 5%/năm
 

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Đắk Lắk cần tập trung phát triển một số lĩnh vực kinh tế - xã hội then chốt. Cụ thể, cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, công nghệ cao; phấn đấu giá trị sản xuất ngành nông lâm nghiệp tăng bình quân trên 5%/năm. Tăng cường thu hút đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn; thực hiện ứng dụng khoa học công nghệ cao gắn với đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường chế biến sâu để nâng cao giá trị gia tăng, xây dựng và quảng bá thương hiệu cho các sản phẩm quan trọng của Tỉnh; phát triển sản xuất kinh doanh cà phê - một báu vật thiên nhiên dành cho Đắk Lắk - theo chuỗi giá trị, để cà phê Buôn Ma Thuột trở thành ngành hàng có hàm lượng giá trị gia tăng cao, một sản phẩm có sức mạnh mang tầm thế giới. 
 

Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, tập trung xử lý đất rừng bị lấn chiếm trái phép; có giải pháp để xóa bỏ tình trạng đất đai nông lâm trường cho thuê theo kiểu "phát canh thu tô", thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó có hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo chính sách nhà nước đã ban hành; đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
 

Giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trên 10%
 

Tỉnh cần phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp hàng năm tăng trên 10%; chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dệt may, chế biến gỗ; nghiên cứu để Đắk Lắk trở thành một trung tâm sản xuất và chế biến đồ gỗ xuất khẩu từ gỗ rừng trồng; đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư vào khu, cụm công nghiệp với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ để tăng tỷ lệ lấp đầy.
 

Đồng thời, huy động các nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng; quản lý chặt chẽ và sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đúng quy định; đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng đi liền với tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch; phấn đấu tốc độ tăng trưởng khách du lịch trên 15%/năm; doanh thu du lịch tăng trên 10%/năm. 


Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội
 

Thủ tướng yêu cầu tỉnh tăng cường phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội; gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa phong phú, đa dạng của con người và vùng đất Tây Nguyên, tạo sức hút phát triển du lịch, dịch vụ. Văn hóa và du lịch cần là định hướng chủ đạo cho phát triển Đắk Lắk; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm. Huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư các chương trình, dự án thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo; phối hợp với Ủy ban Dân tộc và các bộ, ngành liên quan tổng kết thực hiện chính sách dân tộc thời gian qua, đề xuất xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2025; xây dựng các mô hình mới phát triển kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội. 
 

Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh và kiến nghị của doanh nghiệp, người dân, nhất là ở cấp cơ sở; xây dựng và phát triển Buôn Ma Thuột thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên với đầy đủ các chức năng (đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, thương mại, du lịch, giải trí, trung tâm giáo dục, đào tạo, trung tâm y tế); tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, trong đó đặc biệt quan tâm đến quản lý về quy hoạch, đất đai, tài nguyên, môi trường... Kiểm soát chặt chẽ hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản.
 

Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Các cấp ủy đảng, chính quyền Tỉnh phải đề cao trách nhiệm công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, hướng đến một chính quyền liêm chính, hành động, phục vụ doanh nghiệp và người dân; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán để phòng ngừa, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, lãng phí; giải quyết, xử lý đúng pháp luật và dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo, nhất là khiếu nại tố cáo đông người, không để trở thành điểm nóng. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tăng cường trấn áp tội phạm, trong đó phải kiên quyết loại bỏ khỏi đời sống xã hội hoạt động “tín dụng đen”...