Thủ tướng chủ trì Hội nghị ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông, lâm trường
Trong nước - Ngày đăng : 09:19, 09/12/2018
Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại Doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương, lãnh đạo 26 tỉnh có liên quan và 2 huyện điển hình: Ea Súp (Đắk Lắk) và Mường Nhé (Điện Biên).
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh Hội nghị với sự tham dự của hơn 500 đại biểu có ý nghĩa rất quan trọng nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc để sắp xếp, ổn định cuộc sống cho người dân di cư tự do. Đồng thời có các giải pháp căn cơ để giải quyết các vấn đề trong quản lý, sử dụng đất nông lâm trường có hiệu quả. Theo Phó Thủ tướng Thường trực, Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến vấn đề người dân di cư tự do, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian qua, các cấp và các ngành, đặc biệt là các địa phương đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để sắp xếp, ổn định đời sống của người dân di cư tự do.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết: Đến nay đã hỗ trợ ổn định cuộc sống cho người dân di cư tự do cho hơn 42 nghìn hộ, số hộ dân di cư từ do giảm từ 2.696 nghìn hộ năm xuống còn trên 318 hộ năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn trên 24 nghìn hộ dân di cư tự do chưa được sắp xếp, ổn định đời sống tại nơi ở mới, trong đó chủ yếu là khu vưc Tây Nguyên với trên 22 nghìn hộ.
Một bộ phận người dân di cư tự do còn gặp nhiều khó khăn, thiếu đất ở, đất sản xuất hoặc được cấp đất nhưng chất lượng đất xấu, thiếu nước và điện sinh hoạt, thu nhập thấp, nơi ở tạm bợ, không ổn định, tỷ lệ đói nghèo cao, chưa được tiếp nhận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế cũng như chưa được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước. Một số địa phương để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự, chặt phá rừng, tình hình khiếu kiện liên quan đến xâm chiếm, tranh chấp đất đai, trong đó có một phần là đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường, Ban quản lý rừng quản lý phức tạp, chưa được giải quyết kịp thời.
Việc để xảy ra tình trạng nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Một số cơ chế, chính sách chậm được ban hành, việc sửa đổi, bổ sung chưa kịp thời, chưa theo kịp với thực tế, nhiều hộ dân tộc thiểu số sản xuất canh tác tiềm ẩn nguy cơ rừng và đất tiếp tục bị tàn phá, nguồn lực đầu tư thực hiện các chính sách hỗ trợ giúp đỡ đồng bào di cư tự do, bố trí kinh phí cho công tác quản lý, sử dụng đất còn hạn hẹp. Giai đoạn 2013 - 2017, chúng ta mới bố trí được trên 5 nghìn tỷ đồng, mới đạt trên 20% tổng nhu cầu cho các dự án sắp xếp, bố trí dân di cư tự do. Đặc biệt, hiệu lực và hiệu quả thực thi chính sách pháp luật còn hạn chế, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương chưa được thực hiện đầy đủ, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình nhấn mạnh.
Đến nay, tình trạng người dân di cư tự do từ nơi này đến nơi khác tiềm ẩn những hệ luỵ lớn về mặt kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là về tài nguyên và môi trường đối với các địa phương. Với tinh thần đó, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đề nghị các bộ, ngành, địa phương trực tiếp quản lý, sử dụng đất ở Tây Nguyên phát biểu ý kiến, tập trung thảo luận kỹ, phân tích, đánh giá để làm rõ thực trạng tình hình, kết quả đạt được, nhất là những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm rút ra. Trên cơ sở đó, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể, các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết cơ bản vấn đề dân di cư tự do.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh tại Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình đề nghị tập trung vào các vấn đề cụ thể sau: Đánh giá thực trạng tình hình dân di cư tự do, tìm nguyên nhân, tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện, công tác bố trí, sắp xếp, ổn định dân di cư tự do; mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm hạn chế, tiến tới chấm dứt tình trạng dân di cư tự do trái pháp luật, ổn định đời sống sản xuất.
Cùng với đó, đề ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp đột phá như giải pháp về bố trí chỗ ở, đất sản xuất để sớm ổn định đời sống người dân; nhóm giải pháp về an sinh xã hội như đăng ký hộ tịch, hộ khẩu cho người dân; giải pháp về nguồn lực về tài chính với sự kêu gọi của các thành phần kinh tế tham gia, giải quyết tình trạng khiếu kiện tạo ra điểm nóng.
Về quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường tại Tây Nguyên, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Cần làm rõ hiện trạng việc quản lý này, nhất là những hạn chế, bất cập như tranh chấp, xâm chiếm, khiếu nại, khiếu kiện, phá rừng, vi phạm pháp luật, tình hình thiếu đất hoặc không có đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số và người dân di cư tự do; định hướng, giải pháp để quản lý, sử dụng đất, chú trọng giải quyết đất ở, đất sản xuất cho người dân thiếu đất, giải quyết dứt điểm các tranh chấp, lấn chiếm và không để xảy ra khiếu nại, khiếu kiện, vi phạm pháp luật.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe, thảo luận về các báo cáo: “Thực trạng và giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước” do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trình bày; “Tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên” do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trình bày; Báo cáo tham luận “Tình hình kết quả công tác đảm bảo an ninh trật tự và quản lý cư trú đối với người dân di cư tự do tại Tây Nguyên” do Thứ trưởng Bộ Công an Trần Văn Sơn trình bày…
Hội nghị cũng nghe lãnh đạo các địa phương có dân di cư tự do, lãnh đạo các tỉnh có đất đai có nguồn gốc nông lâm trường và đại diện các Tập đoàn, các Tổng công ty, Ban Quản lý rừng phòng hộ… báo cáo tham luận về quản lý sử dụng đất nông lâm trường, xử lý tranh chấp khiếu nại liên quan đến đất đai trên địa bàn Tây Nguyên…
Những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành về công tác bố trí ổn định dân cư có tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, an sinh xã hội đã góp phần ổn định dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước.
Về kết quả trong các giải pháp ổn định dân di cư tự do, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các Bộ, ngành Trung ương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương xây dựng quy hoạch, lập dự án bố trí dân cư; kiểm tra, rà soát đánh giá việc tổ chức thực hiện các dự án; xử lý các điểm nóng về trật tự an toàn xã hội, ổn định tình hình nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do.
Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do nên tình trạng dân di cư tự do đã giảm mạnh trong thời gian gần đây (số hộ di cư tự do năm 2005 là 2.690 hộ; năm 2016 là 528 hộ và năm 2017 giảm còn 318 hộ), góp phần từng bước ổn định đời sống, sản xuất của người dân.
Nhiều dự án bố trí dân cư đã xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đồng bộ, như: giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi nhỏ, hệ thống cấp điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế… Người dân vùng dự án đã được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, chính sách về an sinh xã hội như: giảm nghèo, đào tạo nghề, phát triển văn hóa, giáo dục...
Về huy động nguồn vốn thực hiện theo Bộ NN&PTNT, nhiều địa phương đã chủ động lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình dự án khác trên địa bàn (Chương trình MTQG Giảm nghèo, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới,...), vốn đối ứng ngân sách địa phương vào các dự án bố trí dân cư để có thêm nguồn lực thực hiện, cơ bản đạt được mục tiêu của dự án.
Một số điểm nóng về truyền đạo trái pháp luật, tranh chấp đất đai, kích động, lôi kéo người dân di cư tự do dẫn đến mất trật tự an toàn xã hội, làm gia tăng tình trạng di dân tự do đã được tập trung giải quyết, từng bước ổn định tình hình và cuộc sống của người dân…
Về mục tiêu trong giai đoạn 2019 – 2020, Bộ NN&PTNT đề xuất: Hoàn thành việc nhập hộ khẩu, hộ tịch cho các hộ đã được bố trí vào các điểm dân cư theo quy hoạch để quản lý nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của người dân; Thực hiện việc cấp đất ở và hỗ trợ nhà ở cho các hộ dân phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và khả năng hỗ trợ của ngân sách.
Đồng thời bố trí đất sản xuất, đào tạo chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho người dân để tập trung thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập nhằm cải thiện đời sống cho người dân; giảm tỷ lệ hộ nghèo thuộc các hộ di cư tự do, nhất là vùng Tây Bắc, Tây Nguyên; Hoàn thành dứt điểm 32 dự án đang thực hiện dở dang để bố trí, sắp xếp các hộ dân vào các điểm dân cư theo quy hoạch; rà soát, hoàn thiện, bổ sung dự án để bố trí hết số dân di cư còn lại đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; và hoàn thiện các thủ tục hành chính để ổn định địa bàn quản lý…
Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc thông tin về Hội nghị này trong các bản tin tiếp theo.
Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg về “Chủ trương, giải pháp giải quyết tình trạng dân di cư tự do”. Kể từ đó đến nay (giai đoạn 2005-2017), tổng số hộ dân di cư tự do trên địa bàn cả nước kiểm đếm được là khoảng 66.738 hộ. Trong đó: vùng Tây Bắc 5.811 hộ, vùng Tây Nguyên 58.846 hộ và vùng Tây Nam Bộ 2.081 hộ. Đến hết năm 2017, tổng số hộ dân di cư tự do được hỗ trợ bố trí, sắp xếp theo quy hoạch và người dân tự ổn định là 42.237/66.738 hộ đạt 63,3%. Như vậy, tính đến nay, vẫn còn khoảng 24.500 hộ dân di cư tự do chưa được bố trí, sắp xếp ổn định theo các dự án, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tây Nguyên… |