Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường: Phấn đấu đến năm 2020 giảm tình trạng dân di cư tự do
Trong nước - Ngày đăng : 13:23, 09/12/2018
Tình trạng dân di cư tự do đã giảm mạnh trong thời gian gần đây
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, tình hình dân di cư tự do từ lâu đã gây nên những hệ lụy không nhỏ trong phát triển kinh tế, an ninh trật tự, xã hội và bảo vệ tài nguyên, môi trường ở cả các địa phương có người di cư đi và đến. Di dân tự do gây ra nạn chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép làm nương rẫy, làm cho diện tích rừng ngày một thu hẹp, tài nguyên rừng ngày một cạn kiệt, ảnh hưởng tới môi trường sinh thái và nguồn nước.
Đồng thời phát sinh nhiều vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có việc mua bán, sang nhượng, tranh chấp đất đai giữa người dân di cư tự do với đồng bào sinh sống tại chỗ và giữa người dân di cư tự do với các công ty nông, lâm nghiệp; Di dân tự do làm xáo trộn đời sống của người dân sở tại, phá vỡ quy hoạch, kế hoạch; tạo điều kiện cho một số phần tử xấu lợi dụng dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo, kích động đồng bào gây rối trật tự, chống phá chế độ, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. “Tình trạng này càng để lâu càng phức tạp và hệ lụy tiềm ẩn càng lớn. Vì thế cần một giải pháp căn cơ, quyết liệt nhằm hạn chế, tiến tới đến chấm dứt tình trạng dân di cư tự do” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Về kết quả thực hiện công tác bố trí, ổn định dân di cư tự do giai đoạn 2013-2017, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Tổng số hộ dân di cư tự do đã được bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo qui hoạch là 17.510 hộ. Năm 2016, 2017, các cấp chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu đã tuyên truyền, vận động được 358 hộ quay trở về nơi ở cũ. Tuy nhiên, đến nay số hộ chưa được bố trí ổn định cần tiếp tục thực hiện trong giai đoạn tới là 24.501 hộ (trong đó: 19.565 hộ đã được quy hoạch vào các dự án; 4.936 hộ đang sống phân tán chưa được qui hoạch).
Các tỉnh đã lập, phê duyệt được 65 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, trong đó: 11 dự án đã hoàn thành; 39 dự án đang thực hiện dở dang và 15 dự án chưa thực hiện. Tổng nhu cầu vốn thực hiện 65 dự án là 3.951 tỷ đồng. Tính đến hết năm 2017, tổng vốn đã thực hiện đầu tư là 1.808 tỷ đồng (đạt 45,8% tổng mức đầu tư được duyệt). Ngoài ra, hàng năm ngân sách Trung ương cân đối, bố trí nguồn vốn sự nghiệp kinh tế để hỗ trợ trực tiếp cho các hộ dân phải di chuyển theo quy hoạch, với tổng kinh phí trung bình khoảng 120 tỷ đồng/năm.
Có thể nói, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đã ban hành về công tác bố trí ổn định dân cư có tác động tích cực đến việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, an sinh xã hội đã góp phần ổn định dân cư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước; Các Bộ, ngành Trung ương đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương xây dựng quy hoạch, lập dự án bố trí dân cư; kiểm tra, rà soát đánh giá việc tổ chức thực hiện các dự án; xử lý các điểm nóng về trật tự an toàn xã hội, ổn định tình hình nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do.
Bên cạnh đó, các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo và tổ chức thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do nên tình trạng dân di cư tự do đã giảm mạnh trong thời gian gần đây (số hộ di cư tự do năm 2005 là 2.690 hộ; năm 2016 là 528 hộ và năm 2017 giảm còn 318 hộ), góp phần từng bước ổn định đời sống, sản xuất của người dân. Nhiều dự án bố trí dân cư đã xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu đồng bộ, như: giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi nhỏ, hệ thống cấp điện sinh hoạt, trường học, trạm y tế… Người dân vùng dự án đã được hưởng các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập, chính sách về an sinh xã hội như: giảm nghèo, đào tạo nghề, phát triển văn hóa, giáo dục...
Đảm bảo đến năm 2025 chấm dứt tình trạng dân di cư tự do
Bộ NN&PTNT cũng nêu rõ những hạn chế vướng mắc như: Một số địa phương xây dựng quy hoạch bố trí dân cư chưa phù hợp với thực tế, số dự án đã thực hiện hoàn thành rất ít (11/65 dự án), nhiều dự án thực hiện dở dang dở dang kéo dài (39/65 dự án). Đến nay, còn 24.500 hộ dân di cư tự do đang sống phân tán, rải rác tại nhiều địa phương và các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chưa được di dời và bố trí, sắp xếp vào các điểm dân cư theo quy hoạch.
Công tác tuyên truyền vận động người dân còn hạn chế; công tác quản lý địa bàn, quản lý dân cư ở một số địa phương chưa chặt chẽ, còn nhiều hộ dân di cư tự do chưa được nhập hộ khẩu do một số vướng mắc, như: không có giấy tờ tùy nhân, chưa có chỗ ở hợp pháp,…dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân chưa được hưởng các chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Các địa phương chưa quan tâm bố trí vốn đối ứng, lồng ghép nguồn vốn của các Chương trình, dự án khác trên địa bàn dẫn đến thiếu nguồn lực để thực hiện bố trí ổn định dân cư. Nhiều dự án thực hiện dở dang kéo dài nhiều năm, đầu tư chưa đồng bộ, dẫn đến không đạt mục tiêu, tiến độ, kế hoạch đề ra, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí, giảm hiệu quả vốn đầu tư…
Tình trạng rừng bị lấn chiếm, khai thác trái phép ngày càng diễn ra phức tạp (tại một số tỉnh Tây Nguyên nhiều khu vực theo quy hoạch là đất rừng nhưng thực tế hiện nay không còn rừng, nhiều hộ dân di cư tự do đã lấn chiếm, tự ý xây dựng công trình, nhà ở, cư trú trái pháp luật trên phần diện tích này nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả), còn tồn tại điểm nóng về tranh chấp đất đai chậm được giải quyết, gây xung đột giữa người dân di cư tự do và dân sở tại, dẫn đến tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp gây mất an ninh, trật tự, có nơi hình thành băng nhóm tội phạm bảo kê tranh chấp đất đai…
Về nhiệm vụ, giải pháp bố trí ổn định dân di cư tự do, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: mục tiêu cụ thể đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 giảm tình trạng dân di cư tự do và ưu tiên thực hiện bố trí, sắp xếp ổn định cho 24.250 hộ dân thực sự khó khăn, cấp bách. Đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do trái pháp luật và hoàn thành công tác bố trí, sắp xếp toàn bộ số hộ dân di cư tự do vào các điểm dân cư theo quy hoạch. Đến năm 2030 đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất bền vững cho các hộ dân đã di cư tự do.
Trong các nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu trong thời gian tới, tuyên truyền, phổ biến pháp luật được đặt lên hàng đầu. Theo đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm chỉnh các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác bố trí dân cư bằng nhiều hình thức tuyên truyền. Sử dụng lực lượng tuyên truyền là những cán bộ thông thạo tiếng dân tộc, các tổ chức quần chúng tại cơ sở, đặc biệt là già làng trưởng bản, người có uy tín tại thôn, bản để vận động, thuyết phục đồng bào tích cực tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập, ổn định cuộc sống bền vững lâu dài.
Cùng với đó, sẽ thực hiện các Chương trình, dự án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu trong vùng như phát triển sản xuất hàng hóa theo thế mạnh của từng địa phương, xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ cho các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ nông sản. Tổ chức lại sản xuất, phát triển trang trại, tổ hợp tác và hợp tác xã tại các tỉnh có dân di cư tự do đến; khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp liên kết với người dân để sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển hạ tầng khu vực này.
Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, tại các điểm bố trí dân cư, xây dựng các mô hình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững, thâm canh, tăng vụ, nâng cao năng xuất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tổ chức đào tạo nghề cho 5.000 lao động nông thôn thuộc các hộ dân di cư tự do và thiên tai; nâng cao trình độ sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển vùng nguyên liệu; ưu tiên đào tạo nghề với nhu cầu sản xuất của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn.
Vận dụng các cơ chế, chính sách hiện có, đặc biệt là chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách bảo hiểm nông nghiệp; chính sách bảo vệ và phát triển rừng; chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách tín dụng,... để thực hiện hỗ trợ vùng bố trí ổn định dân di cư tự do, thiên tai góp phần phát triển sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập cho các hộ dân, ổn định cuộc sống lâu dài.
Tăng cường công tác quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường; tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng sử dụng đất và điều chỉnh diện tích đất sử dụng không hiệu quả để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do. Xử lý nghiêm phần đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây Nguyên đang bị lấn chiếm. Đồng thời xây dựng phương án quản lý, sử dụng và bố trí đất sản xuất cho các hộ dân di cư tự do thiếu đất theo quy định của pháp luật. Trước mắt, đến năm 2020 bố trí đất sản xuất đã được rà soát cho các hộ dân di cư tự do và dân tộc thiểu số tại các tỉnh Tây Nguyên…
Trước mắt, tập trung xử lý dứt điểm tình trạng dân di cư tự do chưa được bố trí sắp xếp, ổn định theo quy hoạch (khoảng 24.500 hộ) đi đến chấm dứt tình trạng dân di cư tự do trong trung hạn (đến năm 2025). Địa phương nào để người dân di cư tự do thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm trước cấp trên quản lý trực tiếp. Đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp bố trí ổn định dân cư, đặc biệt là giải pháp về an sinh xã hội nhằm ổn định đời sống của người dân để từ đó chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời, huy động các nguồn lực thực hiện có hiệu quả công tác bố trí, sắp xếp dân cư, phát triển sản xuất bền vững, ổn định đời sống lâu dài cho người dân di cư tự do, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn cả nước.
Để đảm bảo đến năm 2025 chấm dứt tình trạng dân di cư tự do, Bộ NN&PTNT cũng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Đề án tổng thể ổn định dân di cư tự do, giai đoạn 2021 - 2025 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong năm 2019.
Bên cạnh đó, để tháo gỡ những vướng mắc về đất đai và vấn đề nhập hộ khẩu cho hộ dân di cư tự do, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương để các địa phương rà soát, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với các loại đất rừng nhưng thực tế không có rừng và đã được các địa phương quy hoạch dự án bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên tại Thông báo số 191/TB-VPCP ngày 22/7/2016 của Văn phòng Chính phủ, để tạo thêm quỹ đất thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho bổ sung kinh phí từ nguồn vốn dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do trong 2 năm 2019 - 2020. Đồng thời, cho chủ trương để tổng hợp các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025