Ổn định dân di cư tự do và quản lý, sử dụng đất nông lâm trường: Các địa phương mong gì?
Trong nước - Ngày đăng : 21:47, 09/12/2018
Ông Trần Văn Sơn - Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên: “Đề nghị Chính phủ cho chủ trương đối với dân di cư tụ do sau năm 2011 chưa được cấp đất ở, đất sản xuất”
Về sắp xếp dân di cư tự do, Điện Biên được chia làm hai giai đoạn trước 2005 và 2005 đến nay. Trước 2005, số dân di cư tự do đến Điện Biên đã được bố trí, sắp xếp ổn định 100%. Được cấp các giấy tờ tuỳ thân như: hộ khẩu, CMND và được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước.
Giai đoạn 2005 trở lại đây tỉnh Điện Biên có 3.956 hộ di cư đến địa bàn, đa số họ là hộ nghèo, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn. Để đảm bảo cho người dân di cư tự do tại huyện Mường Nhé và huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Năm 2011, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Điện Biên đã tập trung các nguồn lực trong tỉnh và sự hỗ trợ từ Trung ương đã xây dựng khá hoàn thiện các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như điện, đường, trường, trạm để dân di cư tự do sớm ổn định cuộc sống. Từ đó, cuộc sống của người dân dần ổn định, an ninh trật tự được ổn định. Hiện nay còn 321 hộ không nằm trong diện sắp xếp do di cư đến sau năm 2011, theo quy định thì số này phải quay trở lại nơi ở cũ, đi từ đâu thì quay trở lại đó.
Về tiếp nhận dân di cư tự do đến, thực hiện chỉ thị 39 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện một số giải pháp ổn định dân di cư tự do, Điện Biên đã đưa 240 hộ trở về nơi ở cũ và tiếp nhận 82 hộ trở về từ nước bạn Lào và các tỉnh khác. Các hộ đã được bố trí đất ở đất sản xuất, cấp các giấy tờ tuỳ thân và được hưởng đầy đủ các chính sách của Nhà nước.
Về triển khai hai đề án Thủ tướng giao, đến nay, cơ bản Điện Biên đã sớm sắp xếp ổn định tại chỗ được 109 bản cho số hộ dân không phải di chuyển và đã được cấp đất ở và đất sản xuất để người dân ổn định đời sống. Đồng thời di chuyển đến các điểm bản mới 980 hộ, tại 31 điểm bản tái định cư mới, về tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị đã được kiện toàn, được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ đời sống người dân tại nơi ở mới. Bên cạnh đó, Điện Biên cũng đã bố trí ổn định cho 501 hộ, trong đó có 408 hộ khu vực giáp biên giới có nguy cơ sạt lở cao.
Để thực hiện hiệu quả việc ổn định dân cư, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Điện Biên đã tập trung vào 3 mục tiêu xử lý nghiêm các trường hợp phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm của chính quyền cơ sở nhằm ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và tập trung chỉ đạo hướng dẫn người dân tập trung vào sản xuất trên diện tích đất được cấp. Đến nay, tình trạng dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã dường như không còn diễn ra.
Điện Biên đề nghị Chính phủ cho chủ trương đối với dân di cư tự do sau năm 2011 chưa được cấp đất ở, đất sản xuất thì cần sớm được thực hiện như những trường hợp đã di cư trước đây để người dân sớm ổn định đời sống. Việc để người dân quay trở lại nơi ở cũ là không khả thi vì trước khi đi họ đã bán hết nhà cửa, ruộng, vườn khi quay lại cũng không còn nơi ở. Do đó đã có nhiều trường hợp đưa họ trở lại nơi ở cũ thì hôm sau họ đã quay trở lại. Nếu được Chính phủ đồng ý, chúng tôi tin rằng trong hai năm 2019, 2020 Điện Biên sẽ hoàn thành việc ổn định cho người dân di cư tự do chưa được sắp xếp ổn định.
Ông Phạm Ngọc Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk: “Cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dân di cư”
Đắk Lắk là trung tâm khu vực Tây Nguyên, có diện tích tự nhiên đứng thứ 4 cả nước với hơn 13000km2. Đắk Lắk có vị trí chiến lược đặc biện quan trọng về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên. Trong mười năm trở lại đây dân di cư tự do ngoài tỉnh đến Đắk Lắk chủ yếu là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh miền núi phía Bắc. Tổng số hộ dân di cư tự do trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk cần phải sắp xếp là 70.997, đã sắp xếp ổn định 2.986 hộ còn lại là chưa xếp sắp ổn định 4.111 hộ. Số hộ này chủ yếu sống trong rừng và trên đất rừng đời sống rất khó khăn, và ảnh hưởng nhiều đến công tác quản lý bảo vệ rừng, và đảm bảo trật tự xã hội tại địa phương.
Thực hiện chương trình bố trí dân cư theo quyết định 1776, ngày 21/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ, Đắk Lắk đã xây dựng 7 dự án sắp xếp khu dân cư ổn định dân di cư tự do và đang triển khai 13 án. Tuy nhiên đến nay chưa có dự án nào hoàn thành do nguồn vốn đầu tư còn hạn chế 17 dự án có tổng mức đầu tư là 867 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương bố trí 618 tỷ đồng, hiện nay đã bố trí 421 tỷ đồng số vốn còn thiếu cần được tiếp tục đầu tư cho 17 dự án là 196 tỷ đồng. Bên cạnh thiếu vốn thì thách thức lớn cho tỉnh Đắk Lắk là người dân di cư tiếp tục đến các vùng đã quy hoạch dẫn đến quá tải, dự án bị phá vỡ, xáo trộn, tác động không nhỏ đến công tác đảm bảo an sinh xã hội và xoá đói giảm nghèo tại địa phương.
Về quản lý đất có nguồn ngốc từ các nông lâm trường, theo rà soát Đắk Lắk có tổng diện tích 758.124ha, chiếm 58,2% diện tích tự nhiên. Do 56 công ty nông lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và Vườn quốc gia quản lý. Sau sắp xếp Đắk Lắk hiện còn 48 công ty, nông, lâm trường, Ban quản lý rừng và Vườn quốc gia. Việc sử dụng rừng, đất rừng tự nhiên và rừng sản xuất còn nhiều tồn tại như: bị xâm chiếm, xâm canh, phá rừng với diện tích lớn. Việc sử dụng đất rừng kém hiệu quả do thiếu nguồn lực và do vướng mắc cơ chế của nhà nước như: Chưa có đủ kinh phí để xác định ranh giới cắm mốc đất đai có nguồn ngốc từ các nông lâm trường. Định mức hỗ trợ cho giao khoán quản lý bảo vệ rừng rất thấp, chưa có sự bình đẵng giữa chủ rừng là doanh nghiệp nhà nước và ngoài nhà nước, chưa có chế tài xử lý nghiêm khắc các chủ rừng để mất rừng, đất rừng bị xâm canh, xâm chiếm trái phép.
Các tỉnh có dân di cư vào Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung cần có giải pháp quyết liệt để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng dân di cư. Những vùng còn quá khó khăn, nếu dân có nguyện vọng di cư thì tỉnh phải có kế hoạch báo cáo Chính phủ để có kế hoạch di dân theo quy định của nhà nước, đồng thời phối hợp với Đắk Lắk và tỉnh khác có dân đến thực hiện tốt chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp, bố trí dân di cư. Đắk Lắk đề nghị Chính phủ bố trí vốn để thực hiện 13 dự án đang chuyển tiếp như hoàn thành mục tiêu dự án và thẩm định cân đối vốn cho 4 dự án với tổng kinh phí khoảng 200 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2020.
Về xử lý đất có nguồn ngốc từ nông lâm trường như: Kinh phí nhận khoán bảo vệ rừng thấp ảnh hưởng đến công tác quản lý bảo vệ rừng, đề nghị xem xét nâng mức bảo vệ rừng tăng lên gấp đôi hiện nay. Cần bổ sung các quy định của pháp luật làm rõ trách nhiệm của chủ rừng để xảy ra mất rừng thì phải có hình thức xử lý cụ thể, thích đáng để ngắn trách nhiệm của chủ rừng với việc bảo vệ rừng được giao.
Bên cạnh đó, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và UBND tỉnh Đắk Lắk để giải quyết các tranh chấp đất có liên quan đến đất có nguồn ngốc từ các nông lâm trường. Đối với diện tích đất từ các nông lâm trường chuyển về cho địa phương quản lý cần có kinh phí đo đạc xác định thông tin dữ liệu đất đai để phục vụ cho kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đảm bảo hiệu quả. Riêng đất lâm nghiệp, đất rừng nghèo kiệt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có cơ chế phù hợp để việc khoanh nuôi bảo vệ phục hồi cảnh quan rừng đạt hiệu quả cao.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông: “Sớm hoàn thành phương án sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi từ các nông lâm trường về cho địa phương quản lý”
Về dân di cư tự do, Đắk Nông đã có 38.191 hộ, số hộ đã ổn định đời sống gần 27.000 hộ, còn lại trên 12.000 hộ chưa được sắp xếp. Trong đó, có 7.121 hộ nằm trong 16 dự án đã được UBND tỉnh Đắk Nông quy hoạch đang được triển khai thực hiện. Còn lại sống rải rác trên đất lâm nghiệp, trong rừng. Việc di cư tự do là theo ý chí chủ quan của người di cư. Trong khi các địa phương có dân đi và dân đến chưa có sự phối hợp đã làm phá vỡ quy hoạch cả nơi đến và nơi đi. Nhất là nơi đến gặp rất nhiều khó khăn về quản lý dân cư, quản lý đất đai đặc biệt là bảo vệ rừng. Việc đầu tư các hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội hội về giáo dục, y tế, giao thông, trường học là rất lớn. Tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, mua bán trái phép diễn ra phức tạp. Để sắp xếp dân di cư tự do, cùng với kinh phí của Trung ương, tỉnh Đắk Nông sẽ lồng ghép các chương trình để nhanh chóng sắp xếp ổn định dân di cư tự do đến năm 2020.
Đắk Nông kiến nghị Trung ương tiếp tục hỗ trợ tỉnh kinh phí để thực hiện các dự án sắp xếp ổn định khu dân cư còn dang dở. Đồng thời cho phép chuyển một số diện tích đất rừng nghèo kiệt sang đất nông nghiệp, và đất chuyên dùng khác để thực hiện các dự án ổn định khu dân cư.
Về quản lý bảo vệ đất có nguồn gốc từ các nông lâm trường, Đắk Nông đã nghiêm túc thực hiện việc sắp xếp, doanh nghiệp theo quy định. Đắk Nông cũng đã thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét các chính sách điều chỉnh đảm bảo mức hỗ trợ đáp ứng đủ kinh phí để quản lý bảo vệ rừng đạt hiệu quả. Và bình đẳng trong các chủ rừng Nhà nước và ngoài nhà nước.
Để đảm bảo quản lý đất đai trong thời gian đến, Đắk Nông sẽ rà soát lại việc thực hiện quy hoạch đất đai, quy hoạch rừng đồng thời xử lý những yếu kém trong thực hiện các quy định về giao đất, cho thuê đất cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai. Hoàn thành phương án sử dụng đất đối với diện tích đất thu hồi từ các nông lâm trường về cho địa phương quản lý. Đồng thời triển khai có hiệu quả phương án giao rừng, cho thuê rừng trong những năm tiếp theo.
Các công ty nông lâm nghiệp sau khi được thuê đất theo quy định của pháp luật thì tình trạng nợ tiền thuê đất rất lớn do việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai chưa chặt chẽ. Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh kiến nghị: Cần xây dựng các cơ chế chính sách về đất đai phù hợp với thực tế để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại các công ty nông nghiệp, lâm nghiệp nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo tài chính xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai để việc quản lý đạt hiệu quả. Và thực hiện đo đạc cấp quyền sử dụng đất cho người dân và doanh nghiệp để việc sử dụng đất đạt hiệu quả, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại địa phương.