Nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán việc quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản và môi trường
Trong nước - Ngày đăng : 13:26, 06/12/2018
Tham dự Hội thảo có Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc; Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cùng dự có đại diện cho các cơ Bộ ngành Trung ương và địa phương, các Trường Đại học, , các Tập đoàn kinh tế và các doanh nghiệp Nhà nước, các tổ chức, hiệp hội nghề nghiệp…
Mục tiêu của Hội thảo nhằm tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng kiểm toán đồng thời hoàn thiện việc quản lý, khai thác và kinh doanh tài nguyên khoáng sản theo hướng kinh tế, hiệu quả, hiệu lực, chống thất thoát lãng phí. Trên cơ sở đó giúp Chính phủ, chính quyền địa phương nâng cao hiệu quả quản lý; Quốc hội, HĐND các cấp giám sát tốt việc quản lý, sử dụng đất đai, nguyên khoáng sản quý giá của đất nước cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường nhằm phát triển bền vững.
Đồng thời, nhằm phân tích, đánh giá, trao đổi quan điểm và làm rõ bức tranh, nhận diện hạn chế trong công tác quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên và hiện trạng vấn đề môi trường ở Việt Nam, đặc biệt là những bất cập về chính sách, về việc quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên cũng như kiểm soát ô nhiễm môi trường và vai trò của Kiểm toán nhà nước.
Phát biểu tại Hội thảo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, đất đai, tài nguyên khoáng sản là những nguồn lực vô cùng quý giá của quốc gia, nếu khai thác, quản lý và sử dụng nguồn lực này hiệu quả sẽ góp phần quan trọng cho sự phát triển mạnh mẽ và bền vững của đất nước. Thời gian qua, việc phát huy sử dụng nguồn lực đất đai, tài nguyên khoáng sản và việc bảo vệ môi trường đã góp phần quan trọng làm tăng trưởng nhanh về kinh tế, góp phần tăng thu ngân sách, giảm bội chi ngân sách nhà nước, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng hoạt động quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường đã có một số tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, lãng phí, thất thoát nguồn lực đất nước, gây bức xúc xã hội.
Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, thời gian qua, Kiểm toán nhà nước Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện một số cuộc kiểm toán chuyên đề về đất đai, tài nguyên khoáng sản và kiểm toán môi trường. Trên cơ sở những phát hiện kiểm toán, ngoài kiến nghị xử lý tài chính, truy nộp ngân sách nhiều ngàn tỷ đồng, kiến nghị về quản lý, tuân thủ quy định pháp luật, KTNN đã có kiến nghị thay đổi, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản, môi trường trong phạm vi toàn quốc.
Song, công tác kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản chưa được thường xuyên, số lượng ít, việc kiểm toán mới dừng lại ở việc chú trọng kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ với NSNN mà chưa đánh giá toàn diện, đánh giá tính kinh tế, tính hiệu quả và hiệu lực đối với hoạt động quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường, đánh giá kiến nghị sâu về thay đổi cơ chế, chính sách của Nhà nước.
Tại Hội thảo các đại biểu đã tập trung vào một số vấn đề như: xác định rõ vai trò của KTNN đối với việc góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường. Đồng thời, đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trong những năm gần đây, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân từ góc nhìn pháp luật, chính sách và quản lý tổ chức thực hiện; tác động qua lại và những vấn đề đặt ra trong việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và kiểm soát ô nhiễm môi trường thông qua kết quả kiểm toán. Phân tích hiệu quả trong quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản tại Việt Nam.
Bên cạnh đó đánh giá công tác kiểm toán việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và môi trường của Kiểm toán nhà nước thời gian qua, nhận diện được những mặt đã làm được, những hạn chế cần khắc phục, và chỉ ra nguyên nhân của những hạn chế và tồn tại. Đề xuất các giải pháp đổi mới mục tiêu, nội dung, phương pháp kiểm toán đất đai, tài nguyên và môi trường đảm bảo hoạt động kiểm toán đạt hiệu quả tốt nhất, tránh thất thoát tiền và tài sản nhà nước.
Ngoài ra, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường từ góc độ hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách và từ góc độ quản lý điều hành và tổ chức thực hiện.