Việt Nam đang tích cực, kiên trì đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế

Trong nước - Ngày đăng : 11:55, 04/12/2018

(TN&MT) – Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định như vậy tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc diễn đàn

Diễn đàn do Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, phối hợp với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam và Đại sứ Quán Úc tại Việt Nam tổ chức vào sáng 4/12 tại Hà Nội. Diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, Đổi mới, Thiết thực và Hiệu quả”.

Hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế nổi bật

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế nhấn mạnh, Việt Nam đã có một năm sôi động với các hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế nổi bật.

"Việt Nam tiếp tục đẩy nhanh việc hoàn thành đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại mới. Ngày 8/3, Việt Nam và 10 nước đối tác đã ký kết Hiệp định Đối tác Tiến bộ và Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngày 12/11 vừa qua, Quốc hội Việt Nam đã biểu quyết thông qua việc phê chuẩn Hiệp định này (với 96,7% đại biểu tán thành). Sự kiện này đã thể hiện nỗ lực và quyết tâm lớn của Việt Nam trong việc thúc đẩy tiến trình hội nhập trong nước và tham gia tích cực vào tiến trình hội nhập của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết.

Cũng theo Phó Thủ tướng, ngày 25/6, Việt Nam và EU đã tuyên bố kết thúc quá trình rà soát pháp lý Hiệp định Thương mại tự do giữa hai bên và thống nhất toàn bộ các nội dung của Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU được tách ra từ Hiệp định EVFTA trước đây...

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã hoàn thành đàm phán Hiệp định Thương mại mới với Cu–ba. Đàm phán FTA giữa Việt Nam và các nước đối tác:  Israel, Khối EFTA trong năm 2018 đã có thêm những tiến triển mới.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh: "Với những nỗ lực trên, công tác hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thời gian qua đã đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Theo đó, Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2018 ước đạt 475 tỷ USD, trong đó xuất khẩu đạt 239 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2017. Hàng hóa Việt Nam đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới.

Đặc biệt, xuất khẩu sang thị trường các nước có FTA với Việt Nam đều có tốc độ tăng cao so với năm 2017.  Tỷ lệ tận dụng ưu đãi từ các thị trường đã ký kết Hiệp định thương mại tự do FTA đạt khoảng 40%, tăng mạnh so với con số khoảng 35% các năm trước, qua đó đã cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng chú trọng tới việc khai thác các cơ hội từ hội nhập và thực thi các FTA.

Kinh tế toàn cầu có dấu hiệu thay đổi, theo hướng phức tạp, khó dự đoán

Bên cạnh những kết quả tích cực nói trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ ra một số tồn tại trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, một số địa phương lúng túng trong việc triển khai công tác hội nhập kinh tế quốc tế. Vẫn tồn tại khoảng cách khá xa về năng lực và thiếu sự gắn kết, hỗ trợ giữa khu vực FDI và khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Công tác thông tin truyền thông về hội nhập, năng lực giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế còn hạn chế; chưa tận dụng được hết các cơ hội do các hiệp định FTA mang lại.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng nêu rõ những diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới hiện nay. “Trong vòng một năm trở lại đây, kinh tế toàn cầu có một số dấu hiệu thay đổi, theo hướng phức tạp và khó dự đoán hơn. Diễn biến tình hình kinh tế thế giới gần đây cho thấy chủ nghĩa bảo hộ thương mại đang ngày càng có chiều hướng gia tăng, đe dọa nghiêm trọng tới tiến trình tự do hóa thương mại và hội nhập kinh tế toàn cầu” - Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tiến sĩ Deepak Mishra, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới
Tiến sĩ Deepak Mishra, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới phát biểu

Về khuynh hướng thương mại toàn cầu, Tiến sĩ Deepak Mishra, Giám đốc Kinh tế Vĩ mô, Thương mại và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới nhận định: “Hội nhập kinh tế quốc tế trong những thập kỷ gần đây có tác động tích cực rõ ràng đến tăng trưởng kinh tế và giảm nghèo.  Tuy nhiên những thành quả của hội nhập thương mại có thể đã không được chia sẻ một cách đồng đều trên toàn cầu, một số chi phí tái phân bổ lại nguồn lực trong hội nhập thương mại dẫn đến thất nghiệp và bất bình đẳng thu nhập gia tăng ở một số ngành bị điều chỉnh có thể đã không được quan tâm đầy đủ ở một số quốc gia. Đây là một yếu tố góp phần vào việc hình thành ý kiến tiêu cực đối với lợi ích thương mại, gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, dẫn đến sự bất ổn chính sách. Trong tình hình đó Việt Nam nên kiên định hội nhập vào hệ thống thương mại toàn cầu”. 

Tiến sĩ Vũ Minh Khương, ĐH Lý Quang Diệu, Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới có xu hướng gia tăng
Tiến sĩ Vũ Minh Khương, ĐH Lý Quang Diệu, Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại trên thế giới có xu hướng gia tăng

Đồng ý với nhận định về sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ bắt nguồn từ việc thiếu công bằng trong việc chia sẻ lợi ích có được từ toàn cầu hóa giữa các nước và trong từng nước, Tiến sĩ Vũ Minh Khương, ĐH Lý Quang Diệu, Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng bổ sung: “Sự quay trở lại của chủ ngĩa bảo hộ còn do các thiết chế quản trị thương mại toàn cầu được thiết lập từ sau Thế chiến thứ Hai xuất hiện nhưng lỗ hổng không còn đáp ứng được thực tiễn toàn cầu hóa và cần được điều chỉnh và hoàn thiện.”

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chỉ ra những hiện tượng và xu thế mới trong kinh tế và thương mại quốc tế dưới góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chỉ ra những hiện tượng và xu thế mới trong kinh tế và thương mại quốc tế dưới góc nhìn của cơ quan quản lý Nhà nước

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định: "Trong những năm qua, hệ thống thương mại đa phương và một số liên kết kinh tế khu vực đang đối mặt với không ít khó khăn. Chương trình nghị sự phát triển Đô-ha không có thêm chuyển biến đáng kể. Các diễn đàn đa phương hoặc nhiều bên như WTO, Liên hợp quốc, APEC, G20, G7, v.v. gặp khó khăn trong việc tìm tiếng nói chung. Vai trò của các thể chế đa phương và luật lệ, quy định thương mại quốc tế phổ cập (đặc biệt là WTO) có phần suy giảm. Tuyên bố chung Hội nghị G7 vào tháng 7/2018 lần đầu tiên đề cập tới việc “hiện đại hóa WTO” theo hướng công bằng hơn. Các tổ chức, diễn đàn hợp tác thương mại (như ASEM, ASEAN, v.v.) tiếp tục tuyên bố ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, song hành động và cam kết mới để cải cách, hay củng cố vai trò WTO còn hạn chế. WTO cũng chưa xử lý được những vấn đề quan trọng liên quan đến thương mại như an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, hay mất cân đối thương mại toàn cầu". 

"Trong bối cảnh đó, chủ nghĩa bảo hộ ngày càng nổi lên rõ nét hơn. Các biện pháp hạn chế thâm hụt thương mại được các nước sử dụng nhiều hơn. Riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương đã có hàng chục nghìn biện pháp có tác động hạn chế thương mại từ năm 2008 trở lại đây. Xung đột thương mại, cạnh tranh chiến lược, và cọ sát kinh tế giữa các nền kinh tế chủ chốt có xu hướng gia tăng" - Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết.

Quang cảnh Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018
Quang cảnh Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, những sự kiện, diễn biến trên đang có ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế, chính trị thế giới và động thái chính sách của các nước, trong đó có Việt Nam. Do đó, đòi hỏi Chính phủ Việt Nam cần phải sớm có những phân tích, dự báo và động thái chính sách để giảm thiểu những tác động tiêu cực và chủ động có những giải pháp phù hợp trong giai đoạn hiện nay.

Trên cơ sở đó, Diễn đàn hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam 2018 là dịp quan trọng để hội tụ các ý kiến của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế, các cán bộ làm công tác chính sách ở cấp Trung ương và địa phương, đại diện các Hiệp hội, ngành hàng và doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế .., cùng chia sẻ các quan điểm, góc nhìn về thực tiễn hội nhập , từ đó đưa ra những khuyến nghị chính sách và giải pháp hữu ích để ứng phó với những tác động từ tình hình thế giới và khu vực.