An Giang đề nghị Bộ TN&MT hỗ trợ các vấn đề cấp bách trong lĩnh vực TNMT trên địa bàn

Trong nước - Ngày đăng : 08:26, 16/11/2018

(TN&MT) - Chiều 15/11, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân dẫn đầu đoàn công tác Tỉnh An Giang làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác quản lý tài nguyên môi trường trên địa bàn tỉnh. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đồng chủ trì buổi làm việc.
BT2
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu


Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Văn Giàu, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam, Đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang; ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc của tỉnh An Giang và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy An Giang - bà Võ Thị Ánh Xuân cho biết, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường luôn là vấn đề quan trọng đóng góp nguồn lực cho tăng trưởng và giải quyết ổn định các vấn đề xã hội. Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang rất quan tâm lĩnh vực này và luôn có những chỉ đạo kịp thời để khai thác tốt nguồn tài nguyên nhưng phải đảm bảo yếu tố bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Tất cả các chương trình, kế hoạch, các chỉ đạo của Trung ương trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường đều được tỉnh quan tâm chỉ đạo, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện. Tỉnh cũng tập trung xây dựng, ban hành các thể chế theo thẩm quyền để điều chỉnh các mối quan hệ, giải quyết tốt các nhu cầu của xã hội.

BT3
Bí thư Tỉnh ủy An Giang - bà Võ Thị Ánh Xuân phát biểu

 

Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Trần Đặng Đức cho biết, trong thời gian qua với sự hỗ trợ của Lãnh đạo Bộ, các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giúp công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường của địa phương có sự chuyển biến tích cực.

Bên cạnh đó, để giúp đỡ địa phương An Giang nói chung, ngành tài nguyên và môi trường tỉnh An Giang nói riêng tiếp tục phát triển trong thời gian tới, An Giang đã kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường một số nội dung như: Kiến nghị Bộ TN&MT tham mưu Chính phủ bổ sung thêm các quy định nhà nước hỗ trợ tỉnh các cơ chế chính sách về quản lý, phát triển, tích tụ đất đai; Công tác đo đạc lập bản đồ địa chính, đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; Kiến nghị Bộ hỗ trợ vốn thực hiện các chương trình, dự án về Biến đổi khí hậu nhằm phục vụ tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; Hỗ trợ kinh phí sự nghiệp môi trường thực hiện các dự án xử lý môi trường ô nhiễm nghiêm trọng tại 06 bãi rác trên địa bàn tỉnh. Dự án đầu tư xây dựng "Nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế bệnh viện huyện Tri Tôn và Tịnh Biên"; Dự án điều tra, đánh giá, phân loại và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải...

BT4
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang Trần Đặng Đức phát biểu


Sau khi nghe báo cáo của tỉnh do Giám đốc Sở TN&MT trình bày và những kiến nghị bổ sung của Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Vương Bình Thạnh; Thứ trưởng Trần Quý Kiên, Thứ trưởng Lê Công Thành cùng lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT đã giải đáp, hướng dẫn một cách cụ thể để An Giang có thể áp dụng giải quyết công việc liên quan đến công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở địa phương.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị, trong vấn đề quản lý đất đai đề nghị tỉnh nên có cơ chế đặc thù cho và tách bạch trong các nội dung sử dụng và chuyển đổi sử dụng đất. Đối với vấn đề di dân khỏi vùng sạt lở, đây là vấn đề cấp bách để di dời khoảng 20.000 hộ dân đang nằm trong các vùng có nguy cơ sạt lở cao, tuy nhiên với một số lượng lớn như vậy sẽ kéo theo nhiều khó khăn, Bộ trưởng đề nghị tỉnh phải lập đề án trình lên Chính phủ để Chính phủ xem xét hỗ trợ. Bên cạnh đó phải tính toán đến việc bảo vệ và sử dụng lại quỹ đất cũ, có thể tạo cơ chế chính sách cho doanh nghiệp có khả năng gia cố bảo vệ quỹ đất đó để phát triển có giá trị về thương mại.

Ngoài ra, đối với các nguồn đất mà tỉnh đang có ý định quy hoạch để phát triển nguồn năng lượng mặt trời, Bộ trưởng lưu ý tỉnh cần phải tính toán đến việc kết hợp sử dụng nguồn đất đa mục tiêu chứ không thể hoàn toàn sử dụng quỹ đất chỉ để phát triển ngành điện mặt trời.

Đối với những kiến nghị trong lĩnh vực xử lý rác thải và ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng cho biết phải gắn trách nhiệm của những cơ sở gây ô nhiễm. Đối với rác thải y tế thì nước thải phải được xử lý tại chỗ, còn chất thải phải các bệnh viện phải có hợp tác với các đơn vị thu gom, chuyên trách và đủ năng lực xử lý. Đối với vấn đề xử lý những khu vực ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, Bộ trưởng cho biết chỉ những nơi ô nhiễm nằm trong danh mục của Thủ tướng phê duyệt thì mới được ngân sách hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ đề nghị tỉnh nên hợp tác với những đơn vị có năng lực xử lý rác thải và việc này nên làm công khai, Bộ sẽ hỗ trợ những thủ tục pháp lý cũng như giới thiệu những công nghệ tiên tiến hiện đại và khuyến cáo khong nên đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác bởi những tồn tại bất cập tại các tỉnh khác đang là vấn đề chưa giải quyết được.

BT1
Toàn cảnh buổi làm việc


Một vấn đề cũng khiến tỉnh đang gặp nhiều vướng mắc là xử lý xử phạt hành chính khi vấn nạn khai thác cát trái phép khoáng sản (cát sỏi lòng sông) đã bị các đối tượng vi phạm liên tục có những phương án đối phó, lách luật. Bộ trưởng cho biết Bộ đã phối hợp các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định quản lý tài nguyên cát, sỏi lòng sông và sớm đi vào thực thi sẽ giúp cho An Giang quản lý tốt nguồn tài nguyên khoáng sản. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng lưu ý tỉnh càn phải tính toán hợp lý việc cấp phép khai thác nạo vét lòng sông, phải tổ chức đấu giá công khai minh bạch, và trong thời gian tới phải tìm nguồn vật liệu mới để thay thế cát sỏi trong sử dụng vào việc san lấp, xây dựng.

Đối với vấn đề sạt lở lòng sông và ảnh hưởng của biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, Bộ sẽ đề nghị Ngân hàng Thế giới và các đối tác phát triển sẽ rà soát lại các dự án, ưu tiên các dự án đầu tư có tính cấp bách để các đối tác hỗ trợ có thể triển khai được ngay và phải đạt được sự hiệu quả nhanh chóng. Đồng thời đề xuất với tỉnh tập trung vào các nhiệm vụ là xây dựng các công trình thủy lợi phòng chống khô hạn, điều hòa nguồn nước; xây dựng hệ thống kè chống sạt lở ven biển và ven sông; chuyển đổi nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư xâu dựng các hồ chứa đa mục tiêu tọa nước ngọt, chống ngạp ứng quy mô nhỏ cho các địa bàn xung yếu vùng đồng bằng sông Cửu Long...

Cuối buổi làm việc Bí thư Tỉnh ủy Võ Thị Ánh Xuân trân trọng cảm ơn những đóng góp của Lãnh đạo Bộ cũng như các đơn vị đầu mối của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tỉnh An Giang sẽ tiếp thu những đề xuất, khuyến cáo và tính toán lại công việc của địa phương để từ đó có những đều xuất, kiến nghị lên Bộ, Chính phủ để từ đó hoàn thiện những chính sách giải quyết các vấn đề của An Giang nói riêng và của vùng nói chung. Những vấn đề nào nằm ngoài khả năng của địa phương thì An Giang mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường có những tham mưu cho Chính phủ để xây dựng và đồng hành phát triển.