Khai mạc Hội thảo khoa học quốc tế Biển Đông lần thứ 10
Trong nước - Ngày đăng : 16:33, 08/11/2018
Tham dự Hội thảo có hơn 200 đại biểu là các chuyên gia, học giả từ các bên liên quan trực tiếp đến hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ, các nước ASEAN; các quan chức, học giả quốc tế quan tâm đến Biển Đông; các vị đại sứ, đại diện ngoại giao tại Việt Nam...
Hội thảo là diễn đàn học thuật nhằm phân tích, đánh giá sâu sắc những diễn biến mới, nhận diện các động lực đằng sau những căng thẳng hay hòa dịu, đồng thời góp phần tìm kiếm các giải pháp giúp quản lý và giải quyết xung đột hiệu quả trên Biển Đông.
Năm 2018 đánh dấu một thập kỷ trưởng thành của chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông - “Hợp tác vì hoà bình và phát triển khu vực”. 32 tham luận được trình bày tại 8 phiên thảo luận sẽ tập trung vào các vấn đề: Biển Đông: Trung tâm của Khu vực Ấn Độ Dương - Châu Á - Thái Bình Dương; Biển Đông tiêu điểm 10 năm nhìn lại; Lập trường và yêu sách của các bên, tiếp nối và điều chỉnh; Các nước lớn can dự hay không can dự; Xây dựng lực lượng trên Biển Đông; Xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và giải quyết tranh chấp; Các nhân tố mới có thể tạo bất ổn trên Biển Đông.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Vũ Tùng - Giám đốc Học viện Ngoại giao đánh giá Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông, sau 10 năm tổ chức, đã có được khung chương trình nghị sự ổn định, giúp hình thành một mạng lưới học giả quốc tế nghiên cứu về Biển Đông, góp phần nâng cao nhận thức của giới hoạch định chính sách và công chúng về vấn đề Biển Đông; xét từ góc độ học thuật, vấn đề Biển Đông đã trở thành một chủ đề nghiên cứu với nội dung đa dạng, đa ngành và đa chiều, thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của giới học giả.
“Chúng ta tự hào rằng, công việc nghiên cứu về Biển Đông trở thành lĩnh vực học thuật tương đối nổi trội với những thông tin đa chiều. Qua các nghiên cứu, hội thảo… nhận thức của của xã hội đã tăng lên và càng ngày, càng có nhiều người quan tâm đến vấn đề Biển Đông. Biển Đông trở thành một chủ đề chính của việc hoạch định chính sách của các nước, quá trình hoạch định chính sách trở nên đa dạng hơn, trở nên nhiều góc độ hơn. Trong những ngày đầu tổ chức hội thảo, có những chủ đề chúng ta còn e dè, tuy nhiên, sau một thời gian, các bên đã tăng lòng tin với nhau, thảo luận rất thoải mái”- PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam phát biểu.
Tại Hội thảo, PGS. TS Nguyễn Vũ Tùng kêu gọi các chuyên gia, học giả tiếp tục phát huy tinh thần “thẳng thắn, khách quan, khoa học, cầu thị”, tích cực đưa ra những kiến nghị xác đáng giúp chính phủ các nước liên quan cùng phối hợp hành động vì môi trường hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực.
Phát biểu dẫn đề tại phiên khai mạc Hội Thảo, Thẩm phán Kriangsak Kittichairasee - Toà án Luật biển quốc tế ITLOS đánh giá cao ý nghĩa của Hội thảo quốc tế về Biển Đông, cho rằng trong 10 năm qua, chuỗi Hội thảo quốc tế về Biển Đông đã trở thành một diễn đàn thiết thực để các chuyên gia, học giả trao đổi, tìm kiếm các cách thức quản lý và giải quyết xung đột ở Biển Đông; cho rằng hợp tác vì hoà bình, ổn định và phát triển tại khu vực Biển Đông cần dựa trên bốn thành tố: ngăn ngừa xung đột, quản lý khủng hoảng, giải quyết tranh chấp và các cơ chế giám sát; khẳng định giải pháp cơ bản để giải quyết tranh chấp là các bên tìm kiếm các sáng kiến hợp tác cụ thể, thực chất, đồng thời kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình.
Ngày sau phiên khai mạc, Hội thảo bước vào phiên đầu tiên tập trung đánh giá vai trò trung tâm của Biển Đông trong khu vục.
Hội thảo diễn ra đến ngày 10/11.