Phòng, chống tác hại của rượu, bia: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”

Trong nước - Ngày đăng : 12:15, 09/11/2018

(TN&MT) - Sáng 9/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật và nhấn mạnh sự cần thiết thể chế hóa quan điểm chỉ đạo nhất quán của Đảng về “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, trực tiếp thể chế hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; kịp thời, chủ động ứng phó với thực trạng sử dụng rượu, bia đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh, ở mức có hại đáng báo động, trong bối cảnh thị trường đồ uống, đặc biệt là rượu, bia được dự báo tăng trưởng mạnh theo lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu khi Việt Nam tham gia sâu hơn vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

quốc hội sáng 9 11
Toàn cảnh phiên họp sánh 9/11. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, về cơ bản, hồ sơ dự án Luật đáp ứng yêu cầu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và nội dung dự án Luật bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Tuy vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động chính sách về các phương diện xã hội, tài chính, nhân lực và thủ tục hành chính phát sinh trong dự thảo Luật; đánh giá sơ bộ kết quả thi hành Nghị định số 105/2017/NĐ-CP ngày 14/9/2017 của Chính phủ về kinh doanh rượu và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến rượu, bia; đồng thời cần tiếp tục rà soát, đánh giá chi tiết hơn tính thống nhất của dự thảo Luật với một số luật có liên quan cũng như sự tương thích với cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại quốc tế (WTO) và các điều ước quốc tế khác.

Về chính sách trong phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban đồng tình với chính sách “tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình để giảm mức tiêu thụ rượu, bia” tại khoản 2 Điều 3 nhưng đề nghị cần quy định cụ thể, minh bạch nguyên tắc của lộ trình tăng thuế ngay trong Luật. Đồng thời, đề nghị bổ sung chính sách “ưu tiên thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với thanh niên, người chưa thành niên” và các quy định cụ thể hướng trực tiếp đến giới trẻ để ứng phó xu hướng trẻ hóa người sử dụng rượu bia, giảm thiểu những nguy cơ gây ra gánh nặng bệnh tật và hệ lụy xã hội do rượu, bia.

Đối với các hành vi bị nghiêm cấm, Ủy ban đề nghị thể hiện điều cấm tại khoản 4 Điều 5 theo hướng cấm “ép buộc người khác sử dụng rượu, bia; cho người dưới 18 tuổi sử dụng rượu, bia”, “sử dụng người dưới 18 tuổi trong hoạt động sản xuất và buôn bán rượu bia” để đảm bảo tính toàn diện và bao quát hơn. Có ý kiến đề nghị bổ sung hành vi cấm “tài trợ bằng các sản phẩm rượu, bia” vào Điều 5 dự thảo Luật. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ thu hút các điều, khoản có nội dung tương tự như hành vi bị nghiêm cấm trong dự thảo Luật.

Về kiểm soát việc quảng cáo rượu, bia, Ủy ban nhất trí với quy định kiểm soát chặt chẽ việc quảng cáo như dự thảo Luật để hạn chế khả năng tiếp cận và tính sẵn có của rượu, bia, đồng thời, đánh giá cao việc Chính phủ đã quy định linh hoạt mức độ kiểm soát quảng cáo khác nhau đối với những sản phẩm rượu, bia có nồng độ cồn khác nhau. Có ý kiến cho rằng, hầu hết các sản phẩm bia trên thị trường có độ cồn phổ biến từ 4 - 5 độ, do vậy, Chính phủ cần cân nhắc khi chỉ quy định không được quảng cáo bia trong các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh và phương tiện quảng cáo ngoài trời với sản phẩm bia từ 5,5 độ đến dưới 15 độ cồn để không tạo ra khoảng trống pháp lý đối với kiểm soát quảng cáo bia.

Ủy ban cũng cơ bản nhất trí quy định về yêu cầu chung đối với quảng cáo rượu, bia để phòng ngừa giới trẻ tiếp xúc sớm với rượu, bia tại Điều 11 dự thảo Luật. Tuy vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm quốc tế để quy định phù hợp nhằm đảm bảo mọi hoạt động quảng cáo không được khuyến khích giới trẻ sử dụng rượu, bia dưới mọi hình thức; nghiên cứu bổ sung quy định về không thực hiện hoạt động quảng cáo rượu, bia trước, trong và sau các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho trẻ em, học sinh, sinh viên tại Điểm b Khoản 1 Điều 11 bởi giới trẻ thường vẫn đến và lưu lại địa điểm tổ chức sự kiện trong thời gian trước và sau các chương trình này.

Để giảm tác hại của rượu, bia, Ủy ban cho rằng, Chính phủ cần tiếp tục rà soát các quy định tại Điều 22 dự thảo Luật về phòng, ngừa tai nạn giao thông liên quan đến sử dụng rượu, bia để tránh trùng lắp với quy định của các luật khác có liên quan và phát huy đầy đủ trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong phòng, chống tác hại rượu, bia, xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Bên cạnh đó, tại các Điều 23 và 24, đề nghị Chính phủ xác định rõ nguồn kinh phí cần hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản, y tế cơ sở tham gia hoạt động phòng, chống tác hại rượu, bia và giải pháp, cơ chế để khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia trợ giúp, chăm sóc trẻ em, phụ nữ bị ảnh hưởng bởi tác hại của rượu, bia.

Về kinh phí phục vụ hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, Ủy ban thấy rằng, nếu quy định kinh phí cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia do ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành thì thực trạng kinh phí dành cho công tác này cơ bản sẽ không có gì thay đổi. Do vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu để quy định trong Luật nguồn kinh phí rõ ràng, mang tính định lượng, thể hiện tính minh bạch, công khai, sự quan tâm, quyết tâm của Nhà nước đối với công tác này. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm báo cáo để Quốc hội, Hội đồng nhân dân thực hiện giám sát. Ủy ban cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu để bổ sung quy định nhằm khuyến khích, huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức trong nước và quốc tế, doanh nghiệp và người dân đối với các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Chiều nay 9/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2019; thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Trong kỳ họp lần thứ 70 của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã cam kết đặt mục tiêu giảm 20 - 25% tỷ lệ tử vong trước 70 tuổi do các bệnh không lây nhiễm (NCDs) thông qua dự phòng và điều trị, nâng cao sức khỏe tinh thần và thể chất đến năm 2030; Mục tiêu giảm 10% tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại vào năm 2030).

Tuy vậy, việc đạt được các mục tiêu trên rất khó khăn nếu không có một hành làng pháp lý đủ mạnh để can thiệp nhằm phòng, chống tác hại của rượu, bia. Bởi hiện tại, mức độ tiêu thụ rượu, bia tại Việt Nam đang ở mức báo động với mức tiêu thụ rượu, bia bình quân đầu người (trên 15 tuổi cả hai giới) quy đổi theo cồn nguyên chất là 8,3 lít năm 2016.

Đặc biệt là tỷ lệ uống rượu, bia ở mức nguy hại đang ở mức cao, cụ thể: 44,2% nam giới và 1.2% nữ giới sử dụng rượu, bia ở mức có hại (tức là trong 30 ngày qua có ít nhất 1 lần uống từ 60g cồn trở lên). Do đó, sử dụng rượu, bia đang là trở ngại lớn trong việc đạt được 13 trong tổng số 17 mục tiêu và 52 chỉ tiêu phát triển bền vững.