Diễn đàn Hà Nội 2018: Hướng tới mục tiêu phát triển bền vững

Trong nước - Ngày đăng : 17:54, 09/11/2018

(TN&MT) - Chiều 9/11, Diễn đàn Hà Nội 2018 với chủ đề “Hướng đến Phát triển bền vững – Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh” do Đại học Quốc gia Hà Nội phối hợp với Quỹ Giáo dục Cao học Hàn Quốc (KFAS), Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức đã chính thức khai mạc tại Hà Nội.
TT Thanh1
Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn tham dự hội nghị.

Diễn đàn có sự tham dự của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn; Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP; Ông Stephen P. Groff, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)... cùng nhiều lãnh đạo quan trọng khác của Việt Nam và quốc tế.

Diễn đàn Hà Nội là một sáng kiến của ĐHQGHN, ra đời với mục đích đóng góp vào nỗ lực toàn cầu trong việc thực thi các nội dung về mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) thông qua nghiên cứu khoa học, công nghệ và trao đổi học thuật quốc tế.

Với nội dung: "Hướng đến phát triển bền vững - Ứng phó Biến đổi khí hậu để đảm bảo Bền vững và An ninh", Diễn đàn Hà Nội 2018 khuyến khích những nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực, kết hợp khoa học - công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó biến đổi khí hậu, đặc biệt tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

TT Thanh2
Từ trái qua phải: Bà Helen Clark, nguyên Thủ tướng New Zealand, nguyên Tổng Giám đốc UNDP; Ông Stephen P. Groff, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)


Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) PGS.TS. Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: “Với vị trí một đại học lớn hàng đầu Việt Nam, ĐHQGHN có sứ mệnh đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề lớn của quốc gia và luôn đồng hành cùng các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và các Bộ/ngành, địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu Phát triển bền vững thông qua các hoạt động tư vấn chính sách, nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi cho rằng, các mục tiêu phát triển bền vững chỉ có thể đạt được khi có sự cộng hưởng sức mạnh của tất cả các bên liên quan: chính phủ, tổ chức quốc tế, đại học, doanh nghiệp... cho đến từng người dân. Sự tham gia, đóng góp và cộng hưởng của các bên liên quan sẽ giúp rút ngắn khoảng cách tới các mục tiêu phát triển bền vững và sẽ không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Cũng theo Giám đốc ĐHQGHN, chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại kỳ họp lần thứ 70 vào năm 2015 là một kế hoạch hành động vì con người, hành tinh và sự thịnh vượng. 17 mục tiêu chung phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể được thông qua nhằm đảm bảo cho quá trình hội nhập và liên kết giữa các quốc gia, vì lợi ích chung của mọi người dân, cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Kể từ khi Chương trình được thông qua, thế giới đã chứng kiến sự phát triển vươn lên ngoạn mục của nhiều quốc gia song hành với sự cải thiện đáng kể chất lượng sống của hàng tỷ người dân. Cùng với sự phát triển thần kỳ về kinh tế và khoa học công nghệ, nhân loại cũng đang phải đối diện với cuộc khủng hoảng lớn chưa từng có về biến đổi khí hậu cùng các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng phủ khắp với những hậu quả vô cùng nghiêm trọng, đe dọa an ninh và phát triển bền vững của toàn thể nhân loại.

TT Thanh3
Thứ trưởng Lê Công Thành phát biểu tại Diễn đàn


Tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành cho biết, tháng 12 năm 2015, Hội nghị các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về BĐKH lần thứ 21 (COP21) đã thông qua Thỏa thuận Paris. Đây là khuôn khổ pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất các các Bên trong ứng phó với BĐKH thông qua thực hiện các cam kết nêu trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).

Với nỗ lực của tất cả các Bên, Thỏa thuận Paris đã có hiệu lực chưa đầy một năm kể từ khi được thông qua và hiện đang được các quốc gia trên thế giới nỗ lực triển khai thực hiện. Mặc dù các nước đã đệ trình NDC vào cuối năm 2015, tuy nhiên, ngay cả khi tất cả các NDC được thực hiện đầy đủ, nhiệt độ trung bình toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Điều này đòi hỏi tất cả các Bên cần nỗ lực hơn nữa để đạt mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới ngưỡng 2 độ C vào cuối thể kỷ so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Thứ trưởng Lê Công Thành chia sẻ, Chính phủ Việt Nam sớm nhận thức được thách thức nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với phát triển bền vững đất nước và đã ban hành nhiều chiến lược, kế hoạch hành động từ cấp quốc gia, cấp ngành và địa phương nhằm tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu.

Có thể nói, đây là những nỗ lực to lớn của Việt Nam trong điều kiện một đất nước đang phát triển, vừa mới gia nhập nhóm nước có thu nhập ở mức trung bình thấp.

"Tuy nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu, cũng như thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững, ngoài những nỗ lực của Chính phủ, các địa phương, cần có sự tham gia tích cực, chủ động và hiệu quả hơn nữa của các cơ quan nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo, các chuyên gia hàng đầu, các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Bởi vì, ứng phó với biến đổi khí hậu vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước phải dựa trên tri thức, công nghệ tiên tiến, hiện đại, nguồn nhân lực chất lượng cao làm yếu tố đột phá trên cơ sở kết hợp với tri thức bản địa." - Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh.

Sau Diễn đàn này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ giao Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Ban tổ chức Diễn đàn tiếp thu các kết quả thảo luận, từ đó báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu xem xét ban hành các cơ chế chính sách phù hợp.

Thứ trưởng Lê Công Thành tin tưởng Diễn đàn Hà Nội 2018 sẽ đạt được các kết quả đề ra, có nhiều đề xuất về cơ chế chính sách, giải pháp thúc đẩy hợp tác, đối tác nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời mong muốn, Diễn đàn Hà Nội trở thành hoạt động thường xuyên, qua đó góp phần tích cực vào quá trình ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam được đánh giá là một trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đối khí hậu, với nhiều nguy cơ địa lý như lũ lụt, sạt lở đất, động đất, xói lở bờ biển và sụt lún… xảy ra ở nhiều nơi khác nhau. Dù còn không ít khó khăn, song Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ với những kết quả ấn tượng được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đặc biệt trong các lĩnh vực giảm đói nghèo, phổ cập giáo dục, chăm sóc y tế….

TT Thanh4



Được biết, Diễn đàn diễn ra từ ngày 8 – 10/11/2018. Bên cạnh phiên toàn thể, Diễn đàn Hà Nội gồm 05 tiểu ban chuyên môn bao gồm: (1) Bằng chứng về biến đối khí hậu và an ninh; (2) Tác động của con người lên biến đổi khí hậu; (3) Ứng phó với biến đổi khí hậu; (4) Chính sách và quản trị về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững; (5) Khoa học, công nghệ và giáo dục về ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, Diễn đàn còn có hai phiên phiên đối thoại chính sách về phát triển bền vững đô thị có tính chống chịu cao, ở đồng bằng sông Hồng và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu.