Qua thanh tra, kiểm tra đã thu hồi hàng chục ngàn hecta đất sử dụng không hiệu quả

Trong nước - Ngày đăng : 20:59, 30/10/2018

(TN&MT) - Chiều 30/10, trả lời đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương), Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Trong năm 2016, 2017 ngành TN&MT đã thực hiện hơn 1000 cuộc thanh tra tập trung các dự án khu vực quản lý đất đai lỏng lẻo.

Trả lời câu hỏi chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết giải pháp nào để kịp thời lập lại kỷ cương trong quản lý và sử dụng đất đai” của Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Thời gian qua, đặc biệt là đầu nhiệm kỳ, tình hình về lãng phí đất đai, có câu nói như "đất công biến thành đất ông", tình hình đất đai nông lâm trường quản lý rất lỏng lẻo, để lấn chiếm trái phép... vấn đề này rất gay gắt đầu nhiệm kỳ.

Bộ trưởng trả lời chiều 30
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà trả lời chất vấn đại biểu quốc hội trong phiên chất vấn tại Hội trường chiều 30/10. Ảnh: Quốc Khánh


Để khắc phục những tình trạng đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị định 01, tập trung những vấn đề hiện nay đang vướng mắc. Chỉ thị 01 đầu năm 2018 để chỉ đạo các cơ quan Trung ương và địa phương tiến hành nhiều biện pháp đồng bộ, trong đó tiến hành kiểm tra, thanh tra, tập trung vào các khu vực đang có vi phạm, tạo ra bức xúc dư luận, là nguyên nhân gây khiếu kiện tố cáo đông người.

Thông tin đến các vị đại biểu Quốc hội, người đứng đầu ngành Tài nguyên và Môi trường cả nước đưa ra con số: Trong 2 năm 2016 - 2017 ngành tài nguyên và môi trường tiến hành trên 1.000 cuộc thanh tra tập trung các dự án khu vực quản lý đất đai lỏng lẻo. Đặc biệt tập trung thực hiện nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, nghị định của Chính phủ liên quan đến quản lý đất đai nông lâm trường.

“Đây là vấn đề trong 2 năm vừa qua ban hành các chính sách pháp luật, chỉ thị để tăng cường vai trò trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Như vậy có trên 3.000 đối tượng được toàn ngành tiến hành kiểm tra, thanh tra. Qua thanh tra, kiểm tra này đã thu hồi gần chục ngàn hecta đất sử dụng trái phép hoặc không hiệu quả. Hiện nay chỉ tính trên 5 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Quảng Ninh... đã thanh tra nhiều để xử lý, 5 tỉnh, thành phố đã chấm dứt trên 516 dự án không hiệu quả, thu về trên 3.000 hecta đất” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay.

Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm của đại biểu Quốc hội về việc chúng ta cần tiếp tục quyết liệt thêm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chia sẻ: Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Cán sự Đảng Chính phủ cùng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cơ chế chính sách pháp luật quản lý đất đai.

Thông qua sơ kết 5 năm toàn diện cơ chế chính sách nói chung, chúng ta thấy những mặt tồn tại, những mặt yếu kém và Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 36 với 12 nhiệm vụ cụ thể.

Bộ trưởng cho rằng đây chính là những vấn đề tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách mà sắp tới chúng ta cần phải tiếp tục nghiên cứu các cơ sở lý luận thực tiễn để hoàn thiện Luật đất đai phù hợp với tình hình hiện nay.

Đồng thời, đây cũng chính là nhằm tăng cường các giải pháp cụ thể như nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch, công tác quản lý, đề cao vai trò trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và của các cơ quan sử dụng đất. “Tôi không nhắc lại nhưng trong 12 nội dung này có thể thấy rằng Bộ Chính trị đã đưa ra một kết luận hết sức toàn diện cho những giải pháp sắp tới chúng ta thực hiện” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng đã tranh luận tiếp. Đại biểu không phủ nhận sự cố gắng của Bộ Tài nguyên và Môi trường và cá nhân Bộ trưởng trong việc chúng ta khắc phục những tồn tại yếu kém trong quản lý đất đai. Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nêu nhiều kiến nghị và mong muốn Bộ Tài nguyên và Môi trường có nhiều giải pháp hơn nữa để quản lý tốt tài nguyên đất đai.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Bộ trưởng sẽ báo cáo thêm đại biểu bằng văn bản xung quanh vấn đề này. Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong Nghị quyết về kinh tế - xã hội của Quốc hội kỳ này cũng sẽ có một ý để quản lý chặt chẽ về đất đai, nhất là phải đấu thầu công khai, minh bạch tất cả những quỹ đất do Nhà nước quản lý để tránh thất thoát.

Theo chương trình kỳ họp, ngày mai 31/10, Quốc hội tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.