Cấp “sổ đỏ”: Cuối năm 2018 Hà Nội đạt 100%, các địa phương khác chắc chắn sẽ làm được
Trong nước - Ngày đăng : 19:23, 31/10/2018
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, vấn đề này, nhiệm kỳ trước chúng ta đã quyết liệt và đã thực hiện được 94,6 % kế hoạch cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN). Đến nhiệm kỳ này, chúng ta đặt mục tiêu phải cấp GCN quyền sử dụng đất đạt 100 % kế hoạch. Theo Bộ trưởng, đây là chủ trương rất đúng và quyết liệt, bởi cấp GCN để quản lý tốt hơn góp phần đưa nguồn lực đất đai vào thị trường BĐS hiệu quả .
Tuy vậy, theo Bộ trưởng, đối với phần còn lại là gần 6% kế hoạch, trên thực tế, chúng ta còn vướng nhiều vấn đề. Đó là các vấn đề như: lịch sử, nguồn gốc sử dụng mua bán, trao tay, tranh chấp, vướng về quy hoạch.... Chính phủ rất quan tâm, ngay từ năm 2017, ban hành Nghị định 01/2017/NĐ-CP, trong đó, đã cụ thể hóa các trường trước đây luật pháp chưa cập nhật hết. Đến năm 2018, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 01 tập trung đề cao trách nhiệm các cấp các ngành và đặc biệt tiến hành thanh tra trách nhiệm của các cơ quan thực hiện cấp GCN. Bởi trên thực tế, có nhiều đối tượng, nhiều nơi nhũng nhiễu, cán bộ có trường hợp này, trường hợp khác… gây ra sự chậm trễ đối với công tác cấp GCN.
“Với những biện pháp cụ thể làm rõ các đối tượng, công bố công khai các đối tượng, phân nhóm các đối tượng, tập trung thanh tra kiểm tra, đặc biệt là đề cao trách nhiệm chính trị của chính quyền các địa phương. Hiện nay, trong vòng 2 năm, chúng ta đã thực hiện được thêm 3,7 triệu GCN đạt trên 97,2%, còn lại chưa đầy 2%” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Theo Bộ trưởng, Hà Nội công bố cuối năm 2018, sẽ đảm bảo cấp 100% theo kế hoạch. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Tôi cho rằng Hà Nội làm được, các địa phương khác cũng làm được”. Bộ trưởng cho rằng, vấn đề là phải xác định rõ vai trò trách nhiệm của các cấp và phải vào cuộc, xác định rõ công tác cấp GCN là việc tăng cường quản lý Nhà nước và chính là đưa nguồn lực đất đai vào trong đầu tư.
Và đối với 2% còn lại, Bộ trưởng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cần có sự phối hợp để giải quyết chúng vướng mắc liên quan đến Nghị định 61, liên quan đến quan đến Luật Nhà ở, liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường… đó là việc chúng ta chưa liên thông thủ tục để phân định rõ công việc nào thì ngành nào xử lý. Bộ trưởng cho rằng, có vấn đề nào chưa cập nhật được thì các bộ cần phối hợp xử lý.
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp thực hiện để với những trường hợp chính sách mà hiện nay họ không thể đáp ứng được nghĩa vụ tài chính đối với đất đai thì chúng ta có thể cho họ nợ. Đến khi nào miếng đất đó có giao dịch bất động sản thì chúng ta sẽ thu sau.
“Tôi cho rằng, Hà Nội đã đi đầu và làm được. Tôi cũng mong rằng 62 tỉnh, thành phố nữa chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu 100% với trách nhiệm chính trị cũng như trách nhiệm tăng cường quản lý và đưa nguồn lực này vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định.
Cũng trong buổi chiều 31/10, trả lời đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) về vấn đề giải quyết tro xỉ của 20 nhà máy nhiệt điện, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Ngay từ đầu năm 2018, Chính phủ đã có quyết định để chỉ đạo để xử lý các vấn đề liên quan đến nhà máy nhiệt điệt và đặc biệt trong đó là vấn vấn đề xử lý tro xỉ nhà máy nhiệt điện, đặc biệt, nhấn mạnh tới việc tái chế, tái sử dụng sử dụng chất thải của nhà máy. “Đối với các nhà máy khi nhập nguồn than, chúng ta hoàn toàn có thể biết và khẳng định được sau khi đã sử dụng, phần tro xỉ sẽ có những chất độc hại như thế nào. Điều này chúng ta hoàn toàn kiểm soát được. Quan trọng hơn là phụ thuộc vào công nghệ của lò đốt. Nếu các công nghệ lò đốt triệt để, siêu tới hạn, thành phần vật liệu này có thể khẳng định, trở thành vật liệu tái chế, tái sử dụng, đặc biệt, sẽ trở thành các vật liệu trong san lấp, vật liệu xây dựng” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã phân công Bộ Xây dựng xây dựng Quy chuẩn kỹ thuật đối với việc sử dụng các loại tro xỉ của nhà máy nhiệt điện. Đến nay, Bộ Xây dựng đã ban hành xong. Đây là cơ sở dựa trên tính chất phụ thuộc vào công nghệ đốt, tính chất độ bền vật liệu và các yêu cầu bảo vệ môi trường để đưa ra xử lý với các loại tro xỉ này. “Đối với môi trường, Bộ TN&MT đã ban hành và yêu cầu các nhà máy nhiệt điện phải công bố các quy chuẩn cụ thể đối của các loại tro xỉ. Với những quy chuẩn rõ ràng hiện nay, nếu vật liệu không ảnh hưởng tới môi trường, đặc biệt là sau khi tái sử dụng như trộn lẫn xi măng… làm vật liệu san lấp rất tốt, đặc biệt với khu vực ĐBSCL” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định. |