Quốc hội thảo luận tại Hội trường về phân bổ ngân sách, đầu tư công trung hạn

Trong nước - Ngày đăng : 10:27, 29/10/2018

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 6, ngày 29/10, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về kết quả thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước quốc gia 3 năm 2019 - 2021;

Đồng thời Quốc hội cũng thảo luận, đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020; Phân bổ nguồn kinh phí còn lại và chi thường xuyên chưa sử dụng hết năm 2017... Dự kiến trong quá trình thảo luận, thành viên Chính phủ sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

2710 pho chu tich qh phung quoc hien ket luan phien hop 27
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên họp. Ảnh: Quốc Khánh


Phát biểu mở đầu phiên họp, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết, đã có 32 đại biểu đăng ký tham luận. Phát biểu tại Hội trường hầu hết các đại biểu đã bày tỏ sự đồng tình với các báo cáo của Chính phủ về tài chính, ngân sách, đầu tư công, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đồng thời đánh giá cao nỗ lực điều hành của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương về tài chính ngân sách, đầu tư công trong thời gian qua. Các đại biểu phân tích kỹ những hạn chế và từ đó làm bài học trong quản lý vốn ngân sách nhà nước trong thời gian qua.

Là người đầu tiên phát biểu, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn ĐBQH tỉnh Long An) bày tỏ sự quan tâm, lo ngại trước thực trạng ô nhiễm môi trường do tác động tích lũy trong thời gian dài cần tiếp tục phải giải quyết thực hiện đầu tư công cho 2 chương trình mục tiêu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Về các giải pháp, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Chính phủ chỉ đạo bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn chỉnh chương trình tổng thể thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ. Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Tuấn Anh, trong thời gian qua chúng ta huy động được nhiều nguồn ODA cho ứng phó với biến đổi khí hậu. Nhưng nguồn lực huy động chủ yếu được chung vào ngân sách để triển khai với các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động khác.

Bên hành lang
Bộ trưởng Trần Hồng Hà bên hành lang Quốc hội sáng 29/10. Ảnh: Việt Hùng



Bên cạnh đó, do ngân sách nhà nước còn khó khăn, đại biểu đề nghị Chính phủ sớm chỉ đạo xây dựng hệ thống tiêu chí phân loại về các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu và dần hình thành mục chi riêng hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu trong mục lục ngân sách sự nghiệp.  Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm bố trí vốn đầu tư phát triển hợp lý hơn cho các hoạt động xây dựng cơ sở xử lý chất thải để xử lý ô nhiễm môi trường”, ĐB Nguyễn Tuấn Anh nêu rõ.

"Vừa qua, nhà nước đã quyết định tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Tôi đề nghị cần thiết xem xét tăng cường vốn đầu tư phát triển cho bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu trong tổng chi ngân sách nhà nước để đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường đặc biệt là cho 2 chương trình nói trên. Có như vậy, mới đạt được mục tiêu của Quố hội, Chính phủ đã đề ra" - Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh nói. 

Là người thứ hai phát biểu sáng 29/10, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Nông) đã đề cập đến vấn đề bố trí vốn đầu tư công trung hạn cho 2 chương trình mục tiêu quốc gia liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Đại biểu Nguyễn Trường Giang đề nghị Chính phủ ưu tiên các dự án đường ven biển; cân đối bố trí vốn các công trình từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; phân bổ vốn dự phòng chung giai đoạn 2016 - 2020 cần tính đến dự phòng để xử lý những vấn đề cấp bách phát sinh trong công tác bảo vệ môi trường; Việc bố trí các nguồn vốn ODA cần đúng với công tác ứng phó biến đối khí hậu...

Còn theo đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng), việc bố trí vốn cho lĩnh vực Y tế đang có xu hướng giảm, nhất là trong việc bố trí cho y tế dự phòng, bảo hiểm y tế, phát triển y tế cơ sở khu vực khó khăn... chưa bảo đảm yêu cầu đề ra. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng chi ngân sách cho y tế.

Bà Ngô Thị Kim Yến cũng đã góp ý về việc triển khai cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công lập. Bà cho rằng cần tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, có Nghị định quy định cụ thể để bảo đảm hoạt động cho các cơ sở tự chủ; đồng thời cần đẩy mạnh phát triển bác sĩ gia đình, nâng cao chất lượng giường bệnh.

Phiên thảo luận đang diễn ra, Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.