Đoàn công tác Bộ TN&MT làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về chương trình xây dựng nông thôn mới

Trong nước - Ngày đăng : 10:05, 17/10/2018

(TN&MT) - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Võ Tuấn Nhân đánh giá cao những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế; đồng thời yêu cầu phải có nhiều đổi mới hơn nữa, nhất là gắn phát triển nông thôn mới với bảo vệ môi trường...
Đoàn công tác Bộ TN&MT làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới
Đoàn công tác Bộ TN&MT làm việc với tỉnh Thừa Thiên Huế về Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới

Ngày 16/10, ông Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ TN&MT cùng đoàn công tác của bộ và đại diện một số bộ, ngành liên quan đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về tình hình triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới 2018.

Báo cáo với Đoàn công tác của Bộ TN&MT, ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, về tổng quan tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Số xã đạt chuẩn tăng gấp 1,5 lần; từ 20 xã năm 2015 lên 30 xã năm 2017; dự kiến cuối năm 2018 có thêm 10-11 xã đạt chuẩn nâng thành 40-41 xã, bằng 89% mục tiêu tiến độ. Tiêu chí bình quân/xã của toàn tỉnh đạt 15,26 tiêu chí (cao hơn 1 tiêu chí so với bình quân chung của cả nước). Không có xã dưới 8 tiêu chí. Đến nay toàn tỉnh có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới đã hoàn thành 19/19 tiêu chí (đạt 28,8%), 31 xã đạt từ 15-18 tiêu chí (đạt 29,8%), 40 xã đạt từ 10-14 tiêu chí (đạt 38,5%).
 

thutruong 3
Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân chỉ đạo tại buổi làm việc

Về bảo vệ môi trường, nhiều địa phương đã sáng tạo cách làm mới trong tuyên truyền vận động xây dựng nông thôn mới, nổi bật là sáng kiến “Ngày nông thôn mới” ở huyện A Lưới vào ngày 20 của tháng cuối các quý khi vận động cán bộ và nhân dân ra quân làm vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh, hàng rào xanh...  Đến cuối 2017, toàn tình có 75% xã phường có thu gom và vận chuyển chất thải rắn, trong đó ở nông thôn có 65% chất thải rắn được thu gom. Đến tháng 9/2018 có 60/104 xã nông thôn mới đạt tiêu chí môi trường, tăng 5 xã so với 2017.

Năm 2018, với nguồn vốn phân bổ từ Trung ương (gần 124 tỷ đồng), tỉnh Thừa Thiên Huế đã tập trung nguồn vốn và lồng ghép với các nguồn vốn khác trên 118 tỷ đồng để triển khai 43 công trình hạ tầng nông thôn. Việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn cũng có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp trên địa bàn như Công ty xi măng Đồng Lâm đã hỗ trợ 1.387 tấn xi măng để bê tông hóa trên 12 km đường giao thông nông thôn, nâng cấp 7 công trình kênh mương thủy lợi nội đồng. Trong 2 năm (2016-2018),  tỉnh cũng đã phân bổ trên 23 tỷ đồng từ nguồn Trung ương để triển khai 296 mô hình phát triển sản xuất...

“Ngày nông thôn mới” ở huyện A Lưới góp phần vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh… là điểm sáng tại Thừa Thiên Huế
“Ngày nông thôn mới” ở huyện A Lưới góp phần vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, trồng cây xanh… là điểm sáng tại Thừa Thiên Huế

Theo ông Phương, nhìn chung đến nay bộ mặt nông thôn của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có nhiều khởi sắc, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống của nhân dân. Tổ chức sản xuất, phát triển kinh tế, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và có bước phát triển. Nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được triển khai và bước đầu được nhân rộng, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo cho người dân; hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường, an ninh trật tự địa bàn nông thôn được đảm bảo. Đặc biệt trong bối cảnh chung nhiều địa phương trong cả nước chạy theo thành tích, gây nợ đọng lớn trong xây dựng nông thôn mới thì Thừa Thiên Huế là một trong những địa phương không có nợ XDCB trong xây dựng nông thôn mới.

“Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế như rà soát, quy hoạch, đề án phát triển sản xuất ở một số địa phương còn khó khăn. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp còn chậm. Công tác xóa đói giảm nghèo có chuyển biến nhưng chưa bền vũng. Bộ máy giúp việc còn thiếu và yếu. Nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương và tỉnh còn hạn chế. Đặc biệt là do ảnh hưởng của sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung trong đó có Thừa Thiên Huế cũng đã tác động đến tiến độ thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới của tỉnh nói chung và các xã ven biển nói riêng...”- ông Phương thừa nhận.

Mục tiêu đến năm 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế phấn đấu đạt 61/104 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 2 huyện (Quảng Điền và Nam Đông) đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Để đạt mục tiêu này, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ lồng ghép các nguồn vốn đầu tư từ phân bổ của Trung ương và nguồn ngân sách địa phương tập trung cho các tiêu chí còn thiếu hụt ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao gắn với đề án “Mỗi xã một sản phẩm” để nâng cao thu nhập cho người dân và đẩy nhanh tỷ lệ giảm nghèo bền vững. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực xây dựng nông thôn mới từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho các tiêu chí an sinh xã hội...

Kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã biểu dương, đánh giá cao quá trình triển khai và những kết quả đạt được trong thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh Thừa Thiên Huế, từ cơ chế chính sách đến tổ chức thực hiện. Thứ trưởng cho rằng Thừa Thiên Huế có nhiều thế mạnh về kinh tế, xã hội, môi trường... không thua gì nơi khác để xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra một vấn đề đáng lưu tâm là tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn ở nhiều địa phương tại Huế vẫn còn nghiêm trọng, chưa có giải pháp xử lý kịp thời, nhất là vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, xử lý nước thải ở các cơ sở sản xuất, làng nghề...

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện xây dựng nông thôn mới, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp; không chỉ tập trung vào đầu tư hạ tầng mà cần có sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; phát huy vai trò của người dân trong cộng đồng dân cư; tháo gỡ những khó khăn một cách kịp thời; phát triển nông thôn mới gắn với du lịch và bảo vệ môi trường; tuyên truyền cho người dân và cán bộ các cấp nâng cao nhận thức...

“Bộ sẽ tiếp thu những ý kiến, đề xuất của tỉnh để tổng hợp và báo cáo lên Trung ương. Mong rằng thời gian đến bộ mặt nông thôn mới của Thừa Thiên Huế sẽ khởi sắc hơn, vượt các chỉ tiêu đề ra, đảm bảo chất lượng và sẽ là một tỉnh có nhiều xã nông thôn kiểu mẫu gắn với nét đặc thù văn hóa riêng của vùng đất Cố đô...”- Thứ trưởng Nhân nói.

Cũng trong chiều ngày 16/10, đoàn công tác của Bộ TN&MT đã cùng lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đi tham quan, tìm hiểu một số địa phương thực hiện tốt công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.