Hà Nội: Góp ý vào Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị

Trong nước - Ngày đăng : 16:05, 08/10/2018

Tham dự Dự hội thảo có các Phó trưởng các ban Đảng Trung ương; Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và một số tổ chức chính trị - xã hội; Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương trực thuộc thành phố Hà Nội...
(TN&MT) - Sáng 8/10, tại Hà Nội, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến của các ban Đảng, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và các Bộ, ban, ngành Trung ương vào dự thảo Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội. Đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Trọng Thừa, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cùng chủ trì Hội thảo.
s
Quang cảnh Hội thảo
 

Phát biểu khai mạc, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho biết, với mục tiêu xây dựng một mô hình quản lý chính quyền đô thị TP Hà Nội - đô thị đặc biệt theo hướng đô thị thông minh, phù hợp với xu hướng phát triển, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị (quận, thị xã, phường) của TP và tiếp tục đổi mới, củng cố chính quyền nông thôn (huyện, xã, thị trấn); thực hiện nghiêm túc Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7/11/2017 của Bộ Chính trị nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của chính quyền các cấp, phục vụ tốt các nhu cầu chính đáng của Nhân dân, đảm bảo thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân.

Tại Hội thảo ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội đã trình bày một số vấn đề cần xin ý kiến cụ thể: Thứ nhất, về quản lý mô hình chính quyền theo hướng đẩy mạnh phân cấp (giữa Chính phủ, Bộ ngành Trung ương với chính quyền TP. Hà Nôi; giữa Thành phố với quận huyện, thị xã). Thứ hai, về thí điểm mô hình tổ chức bộ máy chính quyền đô thị theo hướng thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế.

Trong đó, có 2 phương án thí điểm: Phương án 1 xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận huyện thị xã); một cấp hành chính (xã, thị trấn). Phương án 2 xây dụng thí điểm mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp (quận huyện, thị xã) và một cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn).

Nội dung được xin ý kiến nữa là, về định hướng xây dựng thành phố thông minh; tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong điều kiện thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội, trong đó nổi bật nhất là về các vấn đề phân cấp giữa Bộ, ngành với thành phố và 2 phương án thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên cho rằng, việc xây dựng Đề án thí điểm là rất cấp thiết, đẩy nhanh sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Thứ trưởng Trần Quý Kiên cũng hoàn toàn nhất trí với đề xuất đẩy mạnh phân cấp, tăng quyền cho chính quyền thành phố trong lĩnh vực môi trường và đất đai của Thành ủy Hà Nội. Cụ thể là ủy quyền cho thành phố thực hiện thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với một số dự án tại Nghị định 18 ngày 14/2/2015 của Chính phủ; cho phép áp dụng cơ chế về thẩm định, phê duyệt quy hoạch đất cấp huyện đối với các địa phương thí điểm chính quyền đô thị theo hướng không thông qua HĐND cấp huyện trước khi trình UBND thành phố phê duyệt.

Phát biểu kết luận hội thảo, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội đánh giá cao và tiếp thu đầy đủ toàn bộ các ý kiến phát biểu trực tiếp và bằng văn bản của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Đề án trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo Bí thư Hoàng Trung Hải cũng cho biết, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện Đề án, trong đó thể hiện rõ mục tiêu xây dựng chính quyền đô thị như các đại biểu góp ý. Đó là chính quyền đô thị Hà Nội tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; công khai, minh bạch; có đủ thẩm quyền, tự chủ, tự chịu trách nhiệm; giải quyết tốt hơn những yêu cầu của người dân; bảo đảm được an toàn và môi trường bình yên cho người dân; đáp ứng yêu cầu phát triển; là chính quyền điện tử, thông minh; chính quyền xanh; phát huy được tiềm năng của địa phương, của người dân cũng như của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, phạm vi thí điểm là toàn thành phố; coi cả Hà Nội là một thực thể chính quyền đô thị chứ không có chính quyền đô thị ở nội thành bên cạnh một chính quyền nông thôn TP Hà Nội.