Hội nghị ASOSAI 14: Đề xuất nhiều giải pháp kiểm toán môi trường, đảm bảo phát triển bền vững
Trong nước - Ngày đăng : 16:01, 20/09/2018
Sáng 20/9, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia (TP. Hà Nội), Hội nghị chuyên đề 7 nằm trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14) đã được tổ chức. Đây là một trong những nội dung nghị sự quan trọng, thể hiện sự cam kết, nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI trong công cuộc theo đuổi mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc nói chung và giải quyết những thách thức về môi trường toàn cầu nói riêng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng kiểm toàn Nhà nước Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) nhiệm kỳ 2018 - 2021 một lần nữa nhấn mạnh việc Việt Nam sẽ “không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng tới người dân”. Theo tân Chủ tịch ASOSAI Hồ Đức Phớc, môi trường đã và đang là một trong những vấn đề cấp bách của nhiều quốc gia. Suy thoái môi trường sinh thái toàn cầu tác động đến biến đổi khí hậu, dẫn đến những thảm họa thiên tai khủng khiếp, khó lường, đặc biệt đối với các nước đang phát triển. Vì thế việc chung sức bảo vệ môi trường phục vụ cho phát triển bền vững là nhiệm vụ chung của nhiều quốc gia.
Phát biểu tại buổi khai mạc, đồng chí Hồ Đức Phớc bày tỏ mong muốn: “Thông qua Hội nghị này, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam cũng mong muốn các cơ quan kiểm toán nhà nước có thế mạnh và kinh nghiệm về kiểm toán môi trường có thể chia sẻ những bài học thực tiễn đã đạt được để học hỏi, vận dụng, triển khai một cách đồng bộ tại các SAI trong cộng đồng ASOSAI. Từ đó, đẩy mạnh sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan kiểm toán nhà nước trong việc tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán chung về môi trường mà các cơ quan kiểm toán nhà nước cùng quan tâm”.
Cũng tại hội thảo, ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tóm tắt Báo cáo Quốc gia “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”. Trong đó, ông Nguyễn Quang Thành nhắc lại Chương trình Nghị sự về sự phát triển bền vững đến năm 2030 được thông qua tại kỳ họp thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh việc phát triển bền vững trở thành chiến lược phát triển của thế giới.
Cũng theo ông Nguyễn Quang Thành, trong 24 năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán liên quan tới môi trường như: Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội; kiểm toán môi trường nước lưu vực sông Mekon ... Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn vướng nhiều khó khăn như: hệ thống pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường còn bất cập, thiếu tính khả thi; ý thức bảo vệ môi trường của doanh nghiệp còn kém ...
Từ thực tế nêu trên,Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp kiểm toán môi trường như: Tăng cường công tác tuyên truyền; lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của của các bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành... Với tình hình trong nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành cho biết: “Cần xây dựng kế hoạch chiến lược về kiểm toán môi trường chú trọng đến các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng các cuộc kiểm toán môi trường để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm”.
Với cộng đồng quốc tế, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đề nghị thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI, sớm xây dựng Cổng thông tin điện tử ASOSAI đóng vai trò là một diễn đàn trực tuyến để các SAI thành viên. Bên cạnh đó, cần tăng cường hợp tác, chia sẻ kiến thức chuyên môn, năng lực tổ chức, năng lực ứng phó với môi trường bên ngoài giữa các SAI thành viên.