ASOSAI 14: Tuyên bố Hà Nội đề xuất nhiều giải pháp giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu

Trong nước - Ngày đăng : 10:46, 23/09/2018

(TN&MT) - Sáng 22/9 vừa qua, tại Phiên họp toàn thể lần thứ hai Đại hội Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (ASOSAI 14), các đại biểu đã thông qua “Tuyên bố Hà Nội” - một trong những sáng kiến của Kiểm toán nhà nước Việt Nam - SAI chủ nhà của Đại hội ASOSAI 14.  

Theo nội dung của Tuyên bố Hà Nội, đây văn kiện chính thức quan trọng của Đại hội ASOSAI 14 nhằm truyền tải thông điệp quan trọng nhất của Đại hội ASOSAI 14 và Hội nghị chuyên đề 7 và phản ánh những ý tưởng và đề xuất của ASOSAI đối với cộng đồng khu vực và thế giới trong lĩnh vực kiểm toán công. Tuyên bố Hà Nội khẳng định sự quan tâm, những nỗ lực và đóng góp thiết thực của cộng đồng ASOSAI đối với công cuộc theo đuổi những mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu trên cơ sở kết quả thảo luận về chủ đề “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.
 

phien hop toan the lan thu hai asosai 14
Toàn cảnh Phiên họp toàn thể lần thứ hai, Đại hội ASOSAI 14 ​​​​​​

Tuyên bố Hà Nội cũng đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và giải quyết thách thức về môi trường toàn cầu cụ thể. Báo TN&MT xin trích đăng như sau:
 

- Nhận thức về những cơ hội mới và những thách thức đang nổi lên trong quá trình toàn cầu hóa và những biến đổi của khí hậu, chúng tôi tôn trọng những nguyên tắc chung trong việc INTOSAI có thể đóng góp vào chương trình nghị sự phát triển của Liên Hợp Quốc đến năm 2030 về vấn đề phát triển bền vững, trong đó chú trọng quản trị tốt và tăng cường chống tham nhũng thông qua một số phương pháp tiếp cận các mục tiêu phát triển bền vững như sau:
 

(i) Đánh giá tính sẵn sàng của hệ thống quốc gia trong việc báo cáo tiến độ đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, theo đó kiểm toán việc thực hiện và độ tin cậy của dữ liệu do hệ thống cung cấp
 

(ii) Thực hiện kiểm toán hoạt động đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của các chương trình trọng yếu của chính phủ có đóng góp theo từng khía cạnh của từng mục tiêu phát triển bền vững
 

(iii) Đánh giá và hỗ trợ việc thực hiện mục tiêu phát triển số 16 của Chương trình Nghị sự phát triển bền vững của Liên hiệp quốc liên quan đến tính minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình của cơ quan kiểm toán
 

(iv) Mô hình hoạt động đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, bao gồm việc kiểm toán và lập báo cáo.
 

ban dieu hanh phien hop lan thu 2
Ban Điều hành Phiên họp toàn thể lần thứ hai

- Chúng tôi gặp nhau vào thời điểm tình hình khu vực và thế giới đang chứng kiến những tác động khó lường và phức tạp của biến đổi khí hậu, với sự nổi lên của ô nhiễm môi trường, sự nóng dần lên của Trái Đất và mực nước biển đang dâng cao và các nguyên nhân khác đe dọa trực tiếp đến cuộc sống của con người. Vấn đề môi trường luôn là mối quan tâm hàng đầu và đặt ra nhiều thách thức đối với toàn cầu. Chủ đề Hội nghị về kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững đã giúp cho các SAI thành viên có cái nhìn sâu sắc về vấn đề mang tính thời sự và tìm ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện kiểm toán đạt được thành công các mục tiêu phát triển bền vững về môi trường tại từng quốc gia, khu vực và trên thế giới. 
 

- Chúng tôi khẳng định lại mong muốn hướng tới sự tăng trưởng kinh tế hài hòa với phát triển bền vững thông qua một số biện pháp:
 

(i) Tăng cường chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, phổ biến các chuẩn mực và tài liệu hướng dẫn về lĩnh vực kiểm toán môi trường giữa các SAI thành viên;
 

(ii) Tổ chức các khóa đạo tạo chuyên sâu về kiểm toán môi trường;
 

(iii) Khuyến khích việc thực hiện các cuộc kiểm toán chung phối hợp giữa các quốc gia theo chức năng nhiệm vụ của SAI và cam kết xây dựng các cơ chế, quy trình để hỗ trợ cho hoạt động này;
 

(iv) Vận động các quốc gia thành viên xây dựng những quy định pháp lý, văn bản pháp luật về quản lý môi trường từ đó tạo ra các hành lang pháp lý để các cơ quan kiểm toán tối cao đóng vai trò trong việc giám sát việc triển khai các quy định này;
 

(v) Xây dựng báo cáo khu vực về lĩnh vực kiểm toán môi trường;
 

(vi) Ở tầm chiến lược, ban hành các quy định về kiểm toán môi trường để tạo cơ sở pháp lý về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của SAI để các SAI tiến hành kiểm toán môi trường một cách thông thoáng và hiệu quả theo chức năng nhiệm vụ của SAI;
 

(vii) Tăng cường quan hệ hợp tác với các tổ chức bên ngoài như Nhóm công tác về Kiểm toán môi trường của Tổ chức quốc tế các Cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI WGEA), các cơ quan của Liên hợp quốc (UN) như Chương trình môi trường của Liên hợp quốc (UNEP -United Nations Environment Program); Ủy ban của liên hợp quốc về phát triển bền vững (UNCSD) …
 

Đại hội ASOSAI 14 đã kết thúc tốt đẹp vào chiều ngày 22/9 vừa qua tại Hà Nội với những văn kiện quan trọng đã được thông qua.