Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử họp phiên đầu tiên

Trong nước - Ngày đăng : 11:35, 20/09/2018

Sáng 20/9, tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đặt vấn đề, phải chăng rào cản đầu tiên...

 

Sáng 20/9, tại phiên họp đầu tiên của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban đặt vấn đề, phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính là từ những người làm việc tại cơ quan hành chính, thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải minh bạch, công khai công việc…
 

Cùng dự phiên họp có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Chủ tịch Ủy ban và lãnh đạo bộ, ngành, tập đoàn là thành viên của Ủy ban.

Ra mat cac thanh vien cua uy ban quoc gia ve Chinh phu dien tu
Ra mắt Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử


Mở đầu phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Ủy viên thường trực kiêm Tổng thư ký Ủy ban đã công bố Quyết định thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử.
 

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam đã có từ lâu nhưng việc triển khai còn nhiều tồn tại, bất cập, còn chậm.
 

Theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, Việt Nam xếp hạng 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về Chính phủ  điện tử và đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN, sau Singapore, Malaysia, Brunei, Thái Lan và Philippines. Xếp hạng này còn thấp so với mong muốn và điều đó càng thúc đẩy quyết tâm mạnh mẽ hơn trong xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ và cho rằng, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử là một trong những nỗ lực trong việc thúc đẩy quá trình này.

Bên cạnh đó, việc Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, Phó Thủ tướng làm Phó Chủ tịch và nhiều ủy viên là "tư lệnh" ngành, lĩnh vực, lãnh đạo tập đoàn viễn thông, công nghệ thông tin lớn cũng thể hiện quyết tâm chính trị cao trong xây dựng Chính phủ điện tử. Chính phủ đã thấy được vấn đề để cải cách, đổi mới, phù hợp với tiến trình của đất nước, theo đường lối của Đảng, Nhà nước, để Chính phủ có thể phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với xu hướng mới, nâng cao năng suất lao động, tính minh bạch, hiện đại, đồng thời giảm nhũng nhiễu, phiền hà, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện tốt hơn, Thủ tướng chia sẻ.

 

Thủ tướng đề nghị, cần đánh giá mặt được, chưa được, nguyên nhân, nhất là nhiệm vụ, giải pháp từ nay đến 2025.
 

Theo đó, Thủ tướng đề nghị nêu cụ thể những rào cản, vướng mắc cần tập trung thảo luận, tháo gỡ trong triển khai Chính phủ điện tử là gì? “Phải chăng rào cản đầu tiên hiện nay chính là từ những người làm việc tại cơ quan hành chính, thiếu quyết tâm của người đứng đầu, hay do ngại sử dụng công nghệ thông tin, sự né tránh của cán bộ, công chức để không phải minh bạch, công khai công việc… hay thiếu về thể chế, chính sách hay tồn tại những quy định bất hợp lý, gây khó khăn trong việc triển khai…”.


 

Thu tuong chu tri phien hop dau tien UBQG ve CP dien tu


 

Thủ tướng cũng đề nghị các ủy viên tập trung thảo luận về vấn đề cơ sở dữ liệu dùng chung, đề xuất các chỉ tiêu cần đạt được, “xem các chỉ tiêu đó đã phù hợp chưa, có cần điều chỉnh hay đặt ra thêm các chỉ tiêu cụ thể để xác định, đánh giá được thực chất nhiệm vụ, công việc về Chính phủ điện tử của các bộ, ngành, địa phương không, các chỉ tiêu này có thể kiểm đếm chính xác được không?”. Cần khung kiến trúc Chính phủ điện tử như thế nào, cần những yếu tố nền tảng nào? Khung mới về Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông công bố từ năm 2015 còn hợp lý không? Những yếu tố nền tảng giao cho các bộ, ngành, địa phương xây dựng từ dự thảo Nghị quyết do Văn phòng Chính phủ dự thảo đã đầy đủ chưa? Việc chia sẻ dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương có phù hợp hay không?
 

Mặc dù vấn đề quan trọng “không phải là thiếu tiền mà cái chính là thiếu cách làm phù hợp” ,Thủ tướng đề nghị thảo luận về vấn đề bảo đảm các nguồn lực, ưu tiên nguồn lực tài chính, thu hút nguồn lực cho phát triển Chính phủ điện tử.
 

Các ủy viên cần tập trung thảo luận về cơ chế bảo đảm thực thi, một điểm yếu trong nhiều năm qua chưa được khắc phục. Các Bộ trưởng, thành viên Chính phủ phải vào cuộc, đổi mới cách làm, tạo đột phá trong triển khai xây dựng Chính phủ điện tử; học hỏi mô hình hiệu quả của các nước tiên tiến, xây dựng bộ chỉ số đo lường đánh giá hiệu quả triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, có cơ chế kiểm tra, đôn đốc, thực thi…
 

Thủ tướng đề nghị thảo luận về kế hoạch hành động của Ủy ban từ nay đến cuối năm 2018.
 

Tại phiên họp,  Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã trình bày tóm tắt báo cáo về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến năm 2025.