Siêu bão Mang khut gây nguy hiểm cho cả vùng biển và đất liền
Trong nước - Ngày đăng : 17:42, 14/09/2018
Theo ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Quốc gia, siêu bão MangKhut với cường độ cấp 17 đang hoạt động ở vùng biển phía Đông Philippin và bắt đầu ảnh hưởng đến đảo Ludong. Dự báo, bão sẽ đi vào Đông Bắc biển Đông trong sáng ngày mai (15/9) với sức gió cấp 14-15, giật cấp 17; có khả năng rất cao ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta vào thưa hai, ngày 17/9.
Vùng bị ảnh hưởng trực tiếp là 27 tỉnh/thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ đến Thanh Hoá . Cường độ của bão rất mạnh (cấp 11-12, giật cấp 14) và gây mưa lớn cho Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Bão gây sóng lớn cao 14m ở khu vực Bắc Biển Đông, cao 5m ở quần đào Hoàng Sa, giữa biển Đông. Ngoài ra, tổ hợp nước biển dâng và sóng ở khu vực ven bờ cao từ 4-5m.
Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT (Bộ NN&PTNT) nhận định, Khu vực bão đổ bộ là trung tâm kinh tế, xã hội của vùng với số lượng dân tập trung đông. Các hoạt động trên biển, đảo, đới bờ và đất liền với số lượng rất lớn, đặc biệt là du lịch ven biển và trên các đảo, nuôi trồng thuỷ sản.
Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực dân cư và hệ thống công trình giao thông, cơ sở hạ tầng đã bị ảnh hưởng của lũ quét, sạt lở đất trong các đợt mưa lũ, vẫn đang trong quá trình khắc phục bước đầu. Bên cạnh đó, các tỉnh cũng có nhiều hoạt động khai thác khoáng sản.
Hiện nay, các hồ chứa thuỷ điện trên lưu vực sông Hồng và hầu hết hồ chứa khác ở Bắc Bộ đến Nghệ An đã đầy nước, hồ thủy điện Hoà Bình đang mở 1 cửa xả đáy. Ngoài ra, 2 khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đều có 6 hồ chứa đang xả tràn.
Vùng chịu ảnh hưởng của bão có gần 2.700 km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, các tuyến đê này tồn tại 230 trọng điểm, vị trí xung yếu; chưa kể hơn 2.400 km đê cấp dưới cấp III. Các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hoá có 418km đê biển chỉ chống được bão cấp 10 và triều trung bình.
Theo báo cáo từ các địa phương, có tổng số 58 công trình đang thi công, trong đó có 4 công trình trên các tuyến đê biển, đê cửa sông. Các địa phương đã có phương án đảm bảo an toàn.
Theo ủy ban quốc gia về Tìm kiếm cứu nạn, khi bão số 5 áp sát vùng biển nước ta, Bộ Tư lênh Bộ đội biện phòng đã chỉ đạo các đơn vị kêu gọi tàu thuyền ở vùng nguy hiểm vào nơi tránh trú. Tính toán sơ bộ sơ bộ có khoảng 44.850 phương tiện vào bờ an toàn. Dù bão số 5 đã tan thành áp thấp nhiệt đới nhưng siêu bão mangkhut đang tiến đến. Bởi vậy, Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương cần tiếp tục sắp xếp bố trí khu neo đậu cho tàu thuyền và không cho tàu thuyền ra khơi trong vài ngày tới. Ngoài ra, các tỉnh biên giới cần rà soát và bảo đảm an toàn cho các điểm cắm mốc giới trước nguy cơ trượt lở đất đá.
Trước diễn biến phức tạp của siêu bão Mangkhut, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương khẩn xây dựng ngay các phương án ứng phó, đảm bảo lực lượng, trang thiết bị, phương tiện, vật tư ứng phó kịp thời khi bão vào. Yêu cầu phải chủ động theo dõi diễn biến bão và ứng phó kịp thời các tình huống nguy hiểm.
Ban chỉ đạo Trung ương về PCTT, Trung tâm Dự báo KTTV, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng, Bộ Giao thông cần tập trung theo dõi, thường xuyên cập nhật thông tin tình hình bão, công bố vùng nguy hiểm khi bão vào; rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, nhất là các phương tiện xa bờ vào nơi tránh trú an toàn.
Những phương tiện đã vào bờ phải ngăn không cho ra khơi, không để ngư dân mạo hiểm trước nguy cơ bão lớn hiện nay. Các địa phương cần lưu ý chặt chẽ vấn đề này, đồng thời, chủ động sơ tán người dân vùng ven biển, nhất là các lồng bè. Đảm bảo an toàn cho khách du lịch.
Trên đất liền, ưu tiên đảm bảo an toàn chằng chống nhà cửa của người dân, rà soát các công trình mất an toàn khi bão đổ bộ, các công trình trường học, bệnh viện, công sở, các khu sản xuất như khu kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở dịch vụ; chú ý giữ an toàn hạ tầng cơ bản về giao thông, điện, thông tin liên lạc… Bảo vệ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương, giảm tối đa thiệt hại cây trồng, vật nuôi. Vùng núi sẽ có mưa lớn do bão, cần rà soát các khu vực có nguy cơ lũ ống lũ quét, trượt lở đất đá để sơ tán dân.
Về an toàn hồ đập, Phó thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì cùng các Bộ, ngành liên quan kiểm tra, gia cố các công trình hồ đập có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các hồ vừa và nhỏ, đập đất. Bộ Công Thương tập trung chỉ đạo đảm bảo vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện và hệ thống lưới điện.
Ban chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương chủ động có phương án bảo vệ các tuyến đê sông, đê biển và ứng phó với các sự cố có thể xảy ra. Các cơ quan thông tấn, báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. Bộ Ngoại giao nhanh chóng liên hệ với các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, các Bộ, ngành địa phương nhanh chóng cử các đoàn công tác kiểm tra tình hình chuẩn bị ứng phó bão. Đích thân Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì các đoàn kiểm tra cấp Trung ương trong những ngày tới - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.