Chiến khu Việt Bắc mãi khắc ghi lời Người
Trong nước - Ngày đăng : 10:30, 31/08/2018
Ngày 8/2/1941, ngay khi đặt chân về nước, Bác Hồ đã chọn hang Cốc Bó, thuộc bản Pác Bó, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng làm nơi sống và làm việc. Đội vũ trang Cách mạng cũng từ đây được nhen nhóm tổ chức, xây dựng lực lượng chính quy và được nhân rộng, lan tỏa dần dần về xuôi.
Để tiếp tục đưa phong trào đấu tranh Cách mạng tiến lên một bước mới, tháng 12/1944, lãnh tụ Hồ Chí Minh Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (VNTTGPQ). Thực hiện Chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám, Trần Hưng Đạo (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình), đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố Chỉ thị thành lập Đội VNTTGPQ. Đội có 34 chiến sĩ, trong đó, có 25 chiến sỹ là con em các dân tộc Cao Bằng. Đội được biên chế thành 3 tiểu đội, có chi bộ Đảng lãnh đạo.
Ngay sau khi thành lập, Đội tiến hành 2 trận đánh vào 2 đồn Phai Khắt, Nà Ngần của địch. Hai trận đánh đầu tiên giành thắng lợi tạo được tiếng vang lớn, cổ vũ phong trào Cách mạng trong khu căn cứ, mở đầu truyền thống đánh tiêu diệt, đánh chắc thắng, đánh thắng ngay từ trận đầu của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đội quân ấy dần lớn mạnh đã giúp Cách mạng giải phóng dân tộc thành công vào Cách mạng tháng Tám năm 1945.
Ngày 2/9/1945, tại vườn hoa Ba Đình lịch sử, trước hàng chục vạn đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đồng thời, trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã trở thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do độc lập ấy”.
Ngay sau ngày thành lập nước được ít lâu, biết rõ âm mưu quay trở lại xâm lược Việt Nam một lần nữa, Đảng và Bác Hồ đã chuẩn bị kế hoạch kháng chiến lâu dài. Đến đầu tháng 3/1947, các cơ quan lãnh đạo kháng chiến lần lượt chuyển lên Việt Bắc. Bác đã ở và làm việc nhiều nơi ở Việt Bắc. Sau thời gian ngắn ở Sơn Dương, Tuyên Quang tối 19/5/1947, Bác quyết định chuyển sang Định Hóa, Thái Nguyên. ATK Định Hóa là vùng có nhiều đồi cây thấp kế tiếp nhau, nằm gọn trong một thung lũng rộng gồm 4 xã: Phú Đình, Điềm Mặc, Thanh Định, Định Biên. “Chủ tịch phủ” đặt tại khu rừng Khau Tý (xã Điềm Mặc). Từ đây, có các con đường mòn tới Sơn Dương (Tuyên Quang), xuống Đại Từ, lên Chợ Đồn, sang Phú Lương và nhiều lối tắt, kín đáo, thuận tiện… cho liên lạc trong kháng chiến.
Việc chọn Định Hóa làm ATK Trung ương - chứng tỏ tầm nhìn chiến lược Hồ Chí Minh: “Cách mạng đã do Việt Bắc thành công thì kháng chiến sẽ do Việt Bắc mà thắng lợi”. Núi rừng Việt Bắc trở thành hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. Từ nơi đây Bác Hồ đã cùng Trung ương, Chính phủ lãnh đạo công cuộc kháng chiến, vượt qua bao ghềnh thác, giành hết lắng lợi này đến thắng lợi khác, kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đầy hào hùng và vẻ vang.
Mùa thu tháng 8, đi dọc các con “đường kháng chiến” xưa qua 6 tỉnh Việt Bắc (Bắc Cạn, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Tuyên Quang và Thái Nguyên), cảm giác rất đỗi vui mừng và tự hào vì sự đổi thay từng ngày, từng giờ ở các vùng quê chiến khu. Mỗi một tỉnh, thành có một tiềm năng lợi thế riêng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh đã biết phát huy nội lực, tích cực thu hút đầu tư, đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng đời sống cho nhân dân, đồng bào và làm giàu cho quê hương. Điển hình là các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… đã biết phát huy thế mạnh tiềm năng sẵn có, tạo ra những bứt phá về kinh tế thương mại, dịch vụ và du lịch.
Nổi bật nhất, là tỉnh Thái Nguyên có sức hút đầu tư lớn, phát triển công nghiệp mạnh mẽ. Thái Nguyên được coi là một trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục lớn của vùng Trung du miền núi phía Bắc. Bác Hồ từng căn dặn cán bộ Đảng viên và và nhân dân các dân trộc tỉnh Thái Nguyên trong một lần đến thăm: “Toàn thể đồng bào và cán bộ phải ra sức làm cho Thái Nguyên trở nên một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta…”. Lời căn dặn của Bác đã trở thành nguồn động viên, cổ vũ đối với nhân dân Thái Nguyên.
Trong hàng chục năm qua, Thái Nguyên đã không ngừng phát triển, đặc biệt là sau 21 năm tái lập tỉnh, tranh thủ thời cơ, phát huy lợi thế, Thái Nguyên đã đạt nhiều thành tựu trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội. Tính đến hết tháng 6, tỉnh Thái Nguyên đã thu hút 869 dự án, trong đó, có 740 dự án đầu tư trong nước, với số vốn hơn 146 nghìn tỷ đồng; 129 dự án FDI với số vốn hơn 7,2 tỷ USD. Ðây thật sự là nguồn lực quan trọng đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong ba năm 2015 - 2017 đạt bình quân 14%...
Giám đốc Sở KH&ĐT Thái Nguyên Hoàng Thái Cương cho biết: "Nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế một cách bền vững, thời gian tới chúng tôi sẽ ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển hạ tầng du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng, hạ tầng giao thông, đầu tư kinh doanh hạ tầng các KCN, CCN, các dự án sản xuất công nghiệp theo hướng công nghệ cao, hạ tầng đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm tạo sự lan tỏa, thúc đẩy các lĩnh vực khác phát triển. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018 được tổ chức đầu tháng 7 vừa qua, tỉnh đã trao Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư cho 50 dự án với tổng số vốn đầu tư 46.740 tỷ đồng".
Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc nhấn mạnh thêm: "Xác định thu hút đầu tư là giải pháp đột phá nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, những năm gần đây, chúng tôi tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư bằng chủ trương "3 đồng hành, 5 hỗ trợ". Cụ thể, đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành hoàn thiện thể chế và đồng hành thực hiện cơ chế đối thoại để giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Ðồng thời, tỉnh thực hiện cơ chế hỗ trợ khởi nghiệp; nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, nhà đầu tư; tạo môi trường thân thiện; xây dựng thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên phấn đấu xây dựng Thái Nguyên ngày càng giàu mạnh, phồn vinh như Bác Hồ đã mong muốn”.
Năm tháng qua đi, những vùng quê năm xưa Bác đến đã có nhiều đổi thay, nhưng tấm lòng, tình cảm của người dân Việt Bắc với Bác vẫn vẹn nguyên, son sắc như thuở nào. Trong những ngày mùa thu lịch sử, hướng tới kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng 8 thành công và Quốc khánh mùng 2/9, khắc ghi lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Việt Bắc vững vàng tiến bước vào giai đoạn cách mạng mới, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu trở thành vùng kinh tế phát triển hàng đầu các tỉnh miền núi Bắc Bộ, để mãi mãi xứng đáng với tình cảm thiêng liêng mà Người đã dành cho “Thủ đô Gió ngàn”.