Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trả lời phỏng vấn nhân dịp kỷ niệm 10 năm thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam

Trong nước - Ngày đăng : 10:34, 27/08/2018

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tạp chí TN&MT đã có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà....

 

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm xây dựng và phát triển của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, Tạp chí Tài nguyên và Môi trường đã có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Báo Tài nguyên và Môi trường xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phỏng vấn này.


 

hiep 1
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà


Phóng viênThưa Bộ trưởng, ngày 27/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Nhìn lại chặng đường 10 năm qua, Bộ trưởng đánh giá như thế nào về những kết quả đạt được của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam? Bộ trưởng ấn tượng nhất ở những thành tựu nào?

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Ngày 09/02/2007, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa X đã ban hành Nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 khẳng định cần phải nghiên cứu, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước tổng hợp, quản lý thống nhất về biển; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về biển một cách đầy đủ làm cơ sở cho việc xác lập chủ quyền, quyền chủ quyền trên các vùng biển, đảo. Ngay sau khi Chiến lược được ban hành, Chính phủ đã quyết định thành lập Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường để thực hiện công tác quản lý tổng hợp và thống nhất về biển và hải đảo tại Nghị định số 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ TN&MT.

 

Ngày 27/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 116/2008/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam. Tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ của Tổng cục đã được điều chỉnh, bổ sung năm 2014 theo Quyết định số 43/2014/QĐ-TTg và mới đây nhất là năm 2018 theo Quyết định số 06/2018/QĐ-TTg. Theo đó, Tổng cục thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo (QLTH TN,BVMT B&HĐ); Tổng cục được giao thực hiện 19 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn với cơ cấu tổ chức gồm 04 Vụ, 03 Cục, 05 Trung tâm, 01 Viện nghiên cứu và Văn phòng Tổng cục.

 

Qua chặng đường 10 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, Tổng cục đã không ngừng phát triển, khẳng định được vị thế, uy tín là tổ chức thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ TN&MT thực hiện QLTH TN,BVMT B&HĐ. Nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực xây dựng và triển khai chính sách, pháp luật của Tổng cục đã góp phần to lớn vào sự phát triển của Ngành TN&MT.

 

Ngay sau khi ra đời, Tổng cục đã chủ động nghiên cứu, tham mưu xây dựng và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng về QLTH TN,BVMT B&HĐ. Đó là, đã xây dựng hệ thống chính sách, pháp luật phục vụ công tác QLTH TN,BVMT B&HĐ; trong đó sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là ngày 25/6/2015, Quốc hội đã thông qua Luật Tài nguyên, Môi trường Biển và Hải đảo, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016 với nhiều nguyên tắc, chế định quan trọng lần đầu tiên được ghi nhận, quy định trong pháp luật Việt Nam. Để triển khai thi hành Luật, Tổng cục đã tham mưu xây dựng để Bộ trình Chính phủ ban hành 02 Nghị định; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 02 Quyết định và Bộ TN&MT ban hành 08 Thông tư hướng dẫn thi hành. Bộ máy quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương từng bước được kiện toàn để thực hiện nhiệm vụ QLTH TN,BVMT B&HĐ. Tổng cục cũng đã phát huy tốt nguồn lực trong nước, tranh thủ nguồn lực quốc tế phục vụ công tác QLTH TN,BVMT B&HĐ; đã tổ chức thành công Đại hội Biển Đông Á lần thứ 5 năm 2015 tại thành phố Đà Nẵng… Tổng cục đã tích cực tuyên truyền về quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững biển, hải đảo, hằng năm tổ chức Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam, góp phần nâng cao ý thức vươn ra biển, làm giàu từ biển trong cộng đồng người Việt Nam; khẳng định việc thực hiện chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trên các vùng biển, hải đảo. Thông qua nhận thức và hành động chung của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong xã hội, từng bước khẳng định vị thế Việt Nam là một quốc gia mạnh về biển.

 

Những kết quả đạt được qua 10 năm hoạt động của Tổng cục từ việc xây dựng hệ thống pháp luật về QLTH TN,BVMT B&HĐ, triển khai thực hiện hiệu quả công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học; quản lý khai thác biển và hải đảo; kiểm soát tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã góp phần quan trọng vào việc sử dụng hợp lý, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái biển, hải đảo, phục vụ phát triển bền vững biển và hải đảo; tạo bước tiến trong quản lý nhà nước về biển và hải đảo ở nước ta, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển.

 

Phóng viênĐể tăng cường quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, có những đóng góp tích cực vào thắng lợi chung của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ chính mà Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phải tập trung triển khai thực hiện trong thời gian tới?

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tình hình thế giới, khu vực thay đổi rất nhanh chóng tác động không nhỏ tới Biển Đông. Bước vào giai đoạn phát triển mới, đất nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng nhưng cũng đặt ra nhiều yêu cầu và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có các vấn đề về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Vì vậy, trong thời gian tới, tôi đề nghị Tổng cục tập trung thực hiện tốt một số trọng tâm công tác sau:

 

Thứ nhất, tổ chức tốt việc tổng kết Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; đánh giá thật đúng những kết quả đạt được, chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân, trên cơ sở đó đề xuất định hướng chiến lược, tham mưu cho Đảng, Nhà nước và tổ chức xây dựng Chiến lược biển Việt Nam giai đoạn sau năm 2020.

 

Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về QLTH TN,BVMT B&HĐ nhằm khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển, góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên biển, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời các cơ chế, chính sách, quy định không còn phù hợp để bảo đảm tính thực tiễn, khả thi trong tổ chức, thực hiện. Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của biển và hải đảo đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

 

Thứ ba, xây dựng và tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được đề ra trong chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Sớm hoàn thiện, trình Quốc hội thông qua Quy hoạch không gian biển quốc gia; khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

 

Thứ tư, đầu tư nguồn lực, tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ QLTH TN,BVMT B&HĐ; tăng cường điều tra cơ bản, nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ về biển và hải đảo; nghiên cứu, xây dựng cơ chế tạo nguồn thu từ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ưu tiên cho chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

 

Thứ năm, triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, tránh, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn đối với các vùng ven biển; khắc phục sạt lở bờ biển; nhanh chóng thiết lập và quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ bờ biển; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động lấn biển.

 

Thứ sáu, tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, đặc biệt là vùng biển ven bờ; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nguồn thải từ đất liền ra biển, quản lý rác thải biển; quản lý chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển; chú trọng công tác phòng ngừa, kịp thời, chủ động ứng phó hiệu quả với các sự cố môi trường biển. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

 

Thứ bảy, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện mô hình cơ quan QLTH TN,BVMT B&HĐ có vị trí pháp lý đủ tầm, đủ mạnh, có chức năng, nhiệm vụ tương xứng để hoạch định, thực thi các cơ chế, chính sách, công cụ điều phối liên ngành, liên vùng, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả vận hành thông suốt phương thức quản lý tổng hợp.

 

Thứ tám, mở rộng và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển. Tích cực tham gia các tổ chức quốc tế, các diễn đàn khu vực và thế giới, các thể chế hợp tác về tài nguyên, môi trường biển, đóng góp vào nỗ lực chung trong quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển; phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; phòng ngừa và ứng phó các sự cố trên biển, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển xuyên biên giới, góp phần xây dựng lòng tin trong cộng đồng các quốc gia có bờ biển và lợi ích liên quan đến biển vì một Biển Đông hòa bình, ổn định và phát triển bền vững.

 

Phóng viênBộ trưởng có nhắn nhủ và gửi gắm gì đối với công chức, viên chức và người lao động đang làm việc trong lĩnh vực biển và hải đảo Việt Nam?

 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Tôi ghi nhận và đánh giá cao những cống hiến, nỗ lực và tâm huyết của các thế hệ cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục. Tôi tin tưởng rằng, với việc bám sát phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, thấm nhuần thực hiện di huấn của Bác Hồ kính yêu “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ kế thừa những thành tựu đạt được, đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước tin tưởng giao phó.

 

Tôi chúc mừng những thành tựu mà Tổng cục đã đạt được trong suốt 10 năm qua. Chúc Tổng cục không ngừng phát triển, giữ vững vai trò là cơ quan tham mưu, QLTH TN,BVMT B&HĐ của đất nước, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp quản lý biển và hải đảo của chúng ta.

 

Chúc toàn thể lãnh đạo, công chức, viên chức, người lao động của Tổng cục sức khỏe, hạnh phúc và thành công./.

 

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!