Ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội: Nước đã có dấu hiệu rút
Trong nước - Ngày đăng : 00:08, 02/08/2018
Những ngày qua, do thời tiết liên tục có mưa lớn trên diện rộng nên mực nước sông Bùi đoạn qua huyện Chương Mỹ liên tục dâng cao. Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt là 7,5m ngày 30/7, trên báo động III 0,5m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008 là 0,05m. Nước dâng cao đã làm tràn nhiều đoạn đê hữu sông Bùi, làm ngập đê Bùi 2 thuộc các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến, Nam Phương Tiến, đê Ao Đòng (xã Thanh Bình), đê Bối Bạt (xã Tốt Động) gây úng ngập cho diện tích canh tác ở vùng hữu sông Bùi (trừ các đồi cao) và các khu trũng thấp vùng tả sông Bùi và vùng hữu sông Đáy.
Vào đêm 30 – 31/7, mực nước sông Bùi lên đỉnh điểm và đe dọa nhiều đoạn đê yếu. Lãnh đạo thành phố Hà Nội đã đôn đốc lực lượng của huyện Chương Mỹ triển khai khẩn trương đắp bờ đê cao thêm 50cm ngay trong đêm 30/7 để giữ cho mực nước sông Bùi không tràn vào bên tả (tránh gây ngập úng quốc lộ 6 và làm ảnh hưởng tới các quận nội thành Hà Nội) . Lực lượng chuyện trách cũng được yêu cầu phải túc trực 24/24h để ứng trực với mọi nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Bằng sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ, đê Bùi vẫn đứng vững trước cơn lũ dữ. Tuy nhiên, nhiều khu vực của huyện Chương Mỹ và một số huyện nằm trong vùng phân lũ đã bị ngập lụt, nhiều khu vực dân cư bị chia cắt. Báo cáo nhanh của huyện Chương Mỹ cho biết, huyện này thiệt hại hơn 1.812 ha diện tích lúa và hoa màu, hơn 596 ha nuôi trồng thủy sản, 339 con gia súc bị chết, chuồng trại bị sập đổ khoảng 4.855m2; Diện tích nhà ở bị đổ sập 170m2, đường giao thông nông thôn bị sạt lở, kênh mương bị hư hỏng, 34 cầu cống đập bị hư hỏng.
Huyện Quốc Oai cũng là một trong những huyện bị ảnh hưởng nặng với 3 vùng dân cư bị cô lập do ngập nước với tổng số 622 hộ và 2.550 nhân khẩu; trên 1.225 ha lúa bị ngập trắng, ngành chăn nuôi thiệt hại 163 con lợn, 53.254 con gia cầm, gần 408 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập trắng ...
Tuy nhiên, ghi nhận của PV vào chiều ngày 1/8, nước sông Bùi đã có dấu hiệu rút. Tại đoạn đê sông Bùi khu vực cầu Cốc - lối vào vùng “rốn lũ” xã Nam Phương Tiến, xã Tân Tiến của huyện Chương Mỹ, mực nước đã rút xuống khá sâu, dưới hẳn mặt đê. Mặc dù vẫn còn những khu vực làng, xóm đang bị chia cắt bởi nước lũ nhưng tuyến đường nối Quốc lộ 6 vào các xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến đã thông suốt. Đời sống sinh hoạt của người dân đã dần ổn định trở lại.
Dọc tuyến đê dài khoảng 2km ở khu vực cầu Cốc (mấy ngày trước vẫn là đoạn đê xung yếu, được gia cố bằng nhiều lớp bao tải cát để chống tràn – PV) thì nay nước đã rút sâu, người dân đổ nhau ra ngồi … câu cá. Chia sẻ với PV, bác Đỗ Kế Duệ (thôn Trung Hoàng, xã Thanh Bình, huyện Chương Mỹ) cho biết: “Có thời điểm, nước dâng cao mấp mé mố cầu Cốc. Dọc tuyến đê, người ta gia cố bằng 4-5 lượt bao tải nhưng nước cứ chực chờ tràn qua. Thế nhưng đến chiều nay, thấy nước đã rút sâu xuống dưới mặt đê thì chúng tôi rất phấn khởi. Có lẽ tình hình đã ổn định trở lại. Chúng tôi hi vọng nước sẽ nhanh rút hơn nữa đề nhân dân sớm ổn định lại đời sống, sinh hoạt, sản xuất”.
Mặc dù vùng “rốn lũ” ở các xã Nam Phương Tiến, xã Tân Tiến nước đã rút khá sâu nhưng theo quan sát của PV, quốc lộ 421B (đoạn qua xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) vẫn ngập sâu trong nước. Chính quyền nơi đây vẫn cắm biển cảnh báo đường ngập sâu từ 40 – 70cm và không có phương tiện nào lưu thông qua đây. Thay vào đó, rất đông người dân tụ tập tại đây để tập bơi ngay trên đường quốc lộ. Xã Cấn Hữu cũng là một xã của huyện Quốc Oai bị ngập nặng nhất. Thời điểm phóng viên có mặt, một số khu vực vẫn bị nước chia cắt.
Trong những ngày qua, công tác cứu trợ cho người dân vũng lũ cũng được triển khai quyết liệt. UBND huyện Quốc Oai đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, ban ngành đoàn thể tập trung tiếp tế các nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân như mì tôm, nước uống, các loại thuốc trị bệnh ngoài da, bệnh tiêu chảy… Trung tâm Y tế huyện Quốc Oai bố trí lực lượng ứng trực khám và phát thuốc miễn phí cho người dân. Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quốc Oai bố trí một ca nô chạy liên tục từ 5-20 giờ hằng ngày, phục vụ việc đi lại của người dân từ vùng ngập đến đến chỗ cao ráo.
Riêng chuyện Chương Mỹ, các lực lượng đã liên tục vận chuyển các nhu yếu phẩm cần thiết như: nước sạch, gạo, mì tôm, thuốc men … đến các hộ dân, hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống. Ban chỉ huy quân sự huyện Chương Mỹ cũng cử lực lượng thường trực đưa các đoàn lãnh đạo thành phố, huyện, các đoàn thiện nguyện đi thăm, tặng quà, động viên nhân dân vùng lũ. Sở Công thương Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 3818/SCT-QLTM ngày 31/7 đề xuất UBND TP. Hà Nội về công tác cứu trợ, đảm bảo đời sống nhân vùng bị thiên tai. Hiện Sở Công thương đã kêu gọi được 3 doanh nghiệp nước uống và 6 doanh nghiệp kinh doanh đăng ký dự trữ hàng hóa sẵn sang chung tay giúp bà con vũng lũ huyện Chương Mỹ vượt qua khó khăn.
Sau khi lũ rút, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân trở nên rất quan trọng. Hiện tại, Sở Y tế Hà Nội cũng đã cử đoàn công tác kết hợp với trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện Da liễu, bệnh viện Mắt Hà Đông tổ chức kiểm tra, sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh cho bà con vùng lũ với mục tiêu “Nước rút đến đâu, triển khai phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường đến đó”.