Dự án VILG: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai

Trong nước - Ngày đăng : 14:37, 04/07/2018

(TN&MT) - Sáng 4/7, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo cấp Quốc gia Dự án tăng cường Quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai. Tham dự có đại diện một số Bộ ngành, địa phương và cơ quan trực thuộc Bộ TN&MT. 
BT4
Bộ trưởng Trần Hồng Hà Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa chủ trì hội nghị Ban chỉ đạo cấp Quốc gia Dự án tăng cường uản lý đất đai và cơ sở dự liệu đất đai


Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi cơ sở dữ liệu đất đai là 1 trong 5 cơ sở dữ liệu được Chính phủ ưu tiên xây dựng. “Hiện nay, nước ta đang thực hiện Cách mạng công nghệ 4.0, do đó việc xây dựng và hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai trên cả nước có ý nghĩa quan trọng để thực hiện mục tiêu này”, Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, cơ sở dữ liệu đất đai có tầm quan trọng không chỉ là công cụ trong việc quản lý dữ liệu mà còn giúp chúng ta vận hành công tác quản lý Nhà nước, đồng thời xây dựng dịch vụ công đáp ứng các nhu cầu của tổ chức, người dân và doanh nghiệp một cách khách quan, minh bạch các thông tin, cơ chế chính sách…

BT1
Hội nghị Ban chỉ đạo Dự án tăng cường Quản lý đất đai và cơ sở dự liệu đất đai cấp Quốc gia

Dự án “Tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai” (Vietnam Improved Land Governance and Database Project), Tên viết tắt: VILG, có mục tiêu phát triển, vận hành một hệ thống thông tin đất đai quốc gia đa mục tiêu nhằm đáp ứng hơn nhu cầu cầu Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả và minh bạch của công tác quản lý đất đai tại địa bàn thực hiện thông qua việc hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai.

Theo đó, sẽ xây dựng một hệ thống thông tin đất đai đa mục tiêu trên cơ sơ kiến trúc hệ thống, hạ tầng đồng bộ, phần mềm thống nhất trên toàn quốc. Hoàn thiện và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia (dữ liệu địa chính, quy hoạch, hế hoạch sử dụng đất, giá đất…). Hỗ trợ tăng cường công tác quản lý đất đai và đảm bảo thực hiện thống nhất Luật đất đai ở các cấp, thiết lập hệ thống theo dõi và đánh giá tình hình quản lý sử dụng đất…

Đặc biệt, hoàn thiện việc cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực đất đai thông qua việc hiện đại hóa các Văn phòng đăng ký đất đai từ việc cải tiến quy trình, tiêu chuẩn dịch vụ tới việc trang bị thiết bị đầu – cuối của các Văn phòng và đào tạo cán bộ.

Dự án được sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới với tổng số vốn đầu tư 180 triệu USD. Dự án được triển khai tại Bộ TN&MT và trên địa bàn 33 tỉnh, thành phố tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai.

BT6
Ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai phát biểu tại hội nghị

Theo ông Đào Trung Chính, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN&MT), đến nay, để triển khai dự án Bộ TN&MT đã thành lập Ban chỉ đạo cấp quốc gia và Ban quản lý dự án cấp TW gồm 26 thành viên trong đó, Bộ trưởng Bộ TN&MT là Trưởng Ban. Đã có 18/33 tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh, thành phố; 19/33 tỉnh thành lập Ban quản lý dự án. Có 6 tỉnh, thành phố chưa thành lập Ban chỉ đạo và Ban quản lý là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Lâm Đồng, Nghệ An, Ninh Bình và Cần Thơ.

Về giao vốn đầu tư công có 32/33 tỉnh đã giao vốn đầu tư công trung hạn; vốn năm 2018 đã có 27/33 tỉnh được giao vốn IDA và 23/33 tỉnh được giao vốn đối ứng. Về thẩm định và ký thỏa thuận vay lại có 25/33 tỉnh gửi hồ sơ thẩm định lên Bộ Tài chính từ quý IV năm 2017 đến nay.

BT7
Ông Lê Phú Hà, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường phát biểu tại hội nghị 

 

Tại Hội nghị, ông Lê Phú Hà, Cục trưởng cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường đã báo cáo về tiến độ triển khai lựa chọn mô hình, phần mềm vận hành Hệ thống thông tin đất đai quốc gia. Trong đó, đã trình bày cụ thể về kỹ thuật để thống nhất về mô hình cơ sở dữ liệu đất đai, xây dựng bộ tiêu chí, yêu cầu kỹ thuật đối với phần mềm hệ thống thông tin đất đai và cập nhật.

Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận về một số vướng mắc và đề nghị một số nội dung tới Ban chỉ đạo. Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, 1 trong 33 địa phương tham gia dự án khẳng định sau Hội nghĩ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện dự án, thành lập Ban chỉ đạo dự án để tiếp tục triển khai thực hiện công việc. Ông Đào Anh Dũng đề nghị Ban chỉ đạo cấp quốc gia thường xuyên họp, chỉ đạo với Ban quản lý 33 tỉnh để đánh giá triển khai, đồng thời hướng dẫn các tỉnh và thực hiện đồng bộ.

Ông Đào Anh Dũng
Ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị 


Đại diện tỉnh An Giang, ông Nguyễn Trọng Thành - Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang đề nghị, lựa chọn mô hình mô hình cơ sở dữ liệu đất đai tập trung ở TW. Bởi, theo  kinh nghiệm ở An Giang đã xây dựng ở hai cấp và cấp huyện và tỉnh xong phân tán, khó khăn sử dụng khai thác.... Qua vận hành ở cấp tỉnh cho thấy, thủ tục hành chính, lưu trữ hồ sơ qua mạng, chia sẻ ngành khác dễ dàng. Chính vì vậy, xu hướng lâu dài nên hệ thống thống nhất ở TW…

Sở TN&MT Hà Nội đề nghị lựa chọn mô hình tập trung 2 cấp TW và địa phương để tăng tính chủ động cho việc vận hành và khai thác sư dụng, trên cở sở này Bộ TN&MT sẽ quản lý chung được dữ liệu cả nước trên cơ sở các địa phương đã thực hiện.

BT3
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị Ban chỉ đạo cấp Quốc gia Dự án tăng cường quản lý đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai.


Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, Ban quản lý dự án cần mời các chuyên gia về công nghệ và các doanh nghiệp cung cấp CNTT để đánh giá 2 tính hiệu quả của phương án (tập trung tại TW, phân tán) để sớm đưa ra kiến nghị.

Bộ trưởng cũng yêu cầu, để thực hiện xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất trên phạm vi cần sử dụng thống nhất 1 phần mềm chung để triển khai thực hiện. Do đó, cần tổ chức mời các chuyên gia, doanh nghiệp  trong và ngoài nước để đề xuất phần mềm nào phù họp nhất trên cơ sở thống nhất, thông minh hơn, được xây dựng từ những nhà cung cấp uy tín, và bản quyền thuộc về Chính phủ.

Về vấn đề tháo gỡ trong vấn đề vay vốn, cho vay lại của các địa phương trong dự án, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị, Vụ Kế hoạch - Tài chính, Ban chỉ đạo rà soát lại các quy định của Nhà nước về  quản lý về đầu tư công, nợ công để đề xuất Bộ báo cáo Chính phủ làm việc với các Nhà tài trợ những thay đổi đó và bố trí thay đổi nguồn lực (ODA, vốn đối ứng)…