GEF6 thể hiện sự trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững
Trong nước - Ngày đăng : 20:14, 28/06/2018
Tham dự buổi họp báo có đại diện Ban Tổ chức GEF6, một số thành viên Ban Thư ký GEF, đại diện một số đơn vị trực thuộc Bộ TN&MT cùng nhiều phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước.
Chia sẻ với báo giới, bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành GEF đã gửi lời cám ơn tất cả những người đã giúp cho cuộc họp này được thành công, đặc biệt là cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tất cả những thông điệp mà Việt Nam gửi đến rất rõ ràng, đó là đất nước Việt Nam không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Bà Naoko Ishii cũng cảm ơn TP. Đà Nẵng: “Tôi đã đến Đà Nẵng cách đây 20 năm cho một dự án về nước sạch và giờ đây quay lại mọi sự đã thay đổi, chuyển mình rất kì diệu”.
Bà Naoko Ishii cũng nhấn mạnh rằng, kỳ họp này mở ra thời kỳ mới cho GEF 7, tất cả những cuộc thảo luận rất chi tiết và sôi nổi, giúp chúng ta có nhiều ý tưởng tốt cho kỳ đại hội tới. Để bắt đầu cho chu kì mới, chúng ta nhận ra rằng sự đa dạng hóa các quan hệ đối tác, không chỉ đến từ chính phủ mà còn là các tổ chức chính trị, khối tư nhân cũng như các nhà nghiên cứu. Chính phủ Việt Nam đã cam kết dẫn đầu trong việc đối phó với rác thải nhựa- vấn đề rất nóng hiện nay và vấn đề này được các bên đánh giá rất cao.
“Việc đăng cai tổ chức Kỳ họp GEF6 đã thể hiện sự trưởng thành mạnh mẽ của Việt Nam trong hội nhập toàn cầu về môi trường và phát triển bền vững. Qua Kỳ họp này, Việt Nam đã khẳng định là một quốc gia có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, cam kết chung tay cùng các tổ chức quốc tế và các quốc gia trên toàn thế giới trong việc giải quyết các thách thức về môi trường toàn cầu” - bà Naoko Ishii nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên các cơ quan báo chí, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã khẳng định sự thành công của kỳ họp và dấu ấn Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Theo đó, tại Hội nghị này, các Nhà lãnh đạo cấp cao, các Lãnh đạo cơ quan môi trường của hơn 180 quốc gia; các tổ chức, định chế tài chính quốc tế, các chuyên gia, diễn giả đã thảo luận về những vấn đề môi trường của thế giới cho nhiệm kỳ hoạt động 4 năm tiếp theo.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, với vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng và các sự kiện liên quan, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào thành công chung của Kỳ họp.
Tham dự và phát biểu khai mạc tại Phiên toàn thể GEF6, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã truyền đi thông điệp, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam ‘‘Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, làm ảnh hưởng tới phát triển bền vững’’, nhấn mạnh tương lai phát triển bền vững của nhân loại phụ thuộc vào hành động hôm nay.
“Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học... Thủ tướng kêu gọi các tổ chức, các quốc gia cùng đoàn kết hiện thực hóa ước vọng của biết bao thế hệ người dân không phân biệt màu da, dân tộc về một “Hành tinh có sức chống chịu tốt, bền vững và tràn đầy sức sống” - Thứ trưởng Lê Công Thành thông tin.
Ngoài ra, tại Phiên khai mạc toàn thể, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã được bầu làm Chủ tịch Kỳ họp Đại Hội đồng GEF lần thứ 6. Bộ trưởng cùng với 02 Phó Chủ tịch là các Bộ trưởng Môi trường, Vệ sinh và Phát triển bền vững Mali và Quốc vụ khanh Bộ Khí hậu và Môi trường Na Uy đã điều hành Đại hội đồng thảo luận nhiều vấn đề quan trọng đối với GEF, cũng như các định hướng lớn trong công tác bảo vệ môi trường toàn cầu.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, tại phiên khai mạc, Chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành GEF, bà Naoko Ishii cho rằng thông điệp của Thủ tướng Chính phủ đã truyền cảm hứng cho tất cả các đại biểu tham dự Kỳ họp. Giám đốc Điều hành kiêm Chủ tịch GEF cũng đồng thời nhấn mạnh, Đại hội đồng lần này ở vào một thời điểm quan trọng, quyết định cho tương lai của trái đất và nhân loại. Đây là thời điểm cần phải chuyển đổi các kịch bản phát triển kinh thế thông thường sang kinh tế tuần hoàn.
Chính vì vậy, Chủ tịch kiêm Giám đốc GEF rất hoan nghênh cam kết của Việt Nam trong việc muốn trở thành quốc gia đi đầu về tiến tới mục tiêu tăng trưởng xanh và giải quyết các vấn đề về rác thải nhựa đại dương. Bà cũng cho rằng, để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam cần chuyển đổi về mô hình phát triển, cần sự tham gia của các lĩnh vực kinh tế và khai thác thế mạnh của các nhóm cộng đồng.
Việt Nam đã tổ chức thành công 3 Hội nghị bên lề và tham gia sâu vào các Phiên họp Bàn tròn cấp cao tại Kỳ họp. Liên quan đến vấn đề đang được quan tâm hiện nay về rác thải nhựa đại dương, tại các Hội nghị bàn tròn cao cấp về chủ đề này, Việt Nam đã khẳng định cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đề xuất của Việt Nam về xây dựng và thực hiện sáng kiến quản lý rác thải nhựa trên biển Đông Á đã được nhiều tổ chức, đối tác quốc tế quan tâm và ủng hộ. Hội nghị bên lề về Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững đã đề cập đến giải pháp nhằm khai thác thế mạnh về đa dạng sinh học của Việt Nam cho phát triển du lịch bền vững. Để hưởng ứng Kỳ họp Đại hội đồng GEF, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức sự kiện “Chung tay bảo vệ đại dương” thu hút sự tham gia của gần 1 nghìn người để cùng với nhau thể hiện cam kết và hành động loại bỏ nhựa dùng một lần, từ chối những thứ không thể tái sử dụng - Cùng nhau tạo ra một thế giới xanh hơn, sạch hơn.
Bên cạnh đó, tại các phiên bên lề Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc hội kiến với Tổng thống Nauru, Tổng thống Marshalls và Tổng thống Guyana; đã có các cuộc tiếp Lãnh đạo của UNDP, ADB, UNIDO, WB và tập đoàn Unilever; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng cũng có buổi tiếp và làm việc với Lãnh đạo nhiều tổ chức quốc tế về môi trường như UN, WB, UNIDO, FAO, WWF, IUCN,… góp phần tăng cường, thúc đẩy hợp tác với các đối tác song phương và đa phương đồng thời tìm kiếm các cơ hội tiếp nhận hỗ trợ tài chính, công nghệ, tăng cường năng lực trong các lĩnh vực: ứng phó với biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học, hóa chất, suy thoái đất, vùng nước quốc tế, quản lý rừng bền vững.
“Kỳ họp Đại hội đồng GEF6 được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; với sự chuẩn bị, vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND TP. Đà Nẵng; tạo dấu ấn về khả năng Việt Nam tổ chức một sự kiện lớn tầm quốc tế thông qua sự mến khách, chu đáo, chuyên nghiệp trên tất cả các mặt: nội dung, tuyên truyền, văn hóa, lễ tân, an ninh và an toàn; đồng thời, quảng bá du lịch, văn hóa, danh lam, thắng cảnh và con người Việt Nam” – Thứ trưởng Lê Công Thành cho hay.
Về những cam kết của Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết: với vai trò chủ nhà đăng cai tổ chức Kỳ họp Đại hội đồng và các sự kiện liên quan, Việt Nam đã có đóng góp quan trọng vào thành công chung của Kỳ họp. Việt Nam là địa điểm thuận lợi để GEF thực hiện các dự án mới về bảo vệ môi trường và sẵn sàng tham gia các dự án toàn cầu, liên vùng, liên lĩnh vực nhằm chia sẻ và học hỏi kinh nghiệm xử lý các vấn đề môi trường toàn cầu như rác thải nhựa đại dương, bảo tồn đa dạng sinh học...
Tại GEF6, Việt Nam đã khẳng định cam kết chung tay cùng cộng đồng quốc tế trong việc quản lý rác thải nhựa, giảm thiểu và tiến đến loại bỏ việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần. Đề xuất của Việt Nam về xây dựng và thực hiện sáng kiến quản lý rác thải nhựa trên biển Đông Á đã được nhiều tổ chức, đối tác quốc tế quan tâm và ủng hộ. Hội nghị bên lề về Bảo tồn đa dạng sinh học gắn với du lịch bền vững đã đề cập đến giải pháp nhằm khai thác thế mạnh về đa dạng sinh học của Việt Nam cho phát triển du lịch bền vững…
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành và bà Naoko Ishii - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Qũy Môi trường toàn cầu đã trả lời các câu hỏi của phóng viên trong nước và quốc tế liên quan đến những vấn đề như nền kinh tế tuần hoàn; kinh phí cho nhiệm kỳ GEF7; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ đa dạng sinh học; giải pháp bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam và an ninh lương thực trong bối cảnh BĐKH đang gia tăng…