Việt Nam nỗ lực tham gia mạng lưới đô thị phát triển bền vững
Trong nước - Ngày đăng : 18:35, 29/06/2018
(TN&MT)- Phát triển bền vững là xu hướng của nhiều đô thị trên thế giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng nhanh và phức tạp. Tại Việt Nam, thành phố Đà Nẵng đang tận dụng những lợi thế sẵn có để gia nhập Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững do WB và GEF tài trợ.
Sự phát triển của hệ thống đô thị đã góp phần duy trì tăng trưởng kinh tế chung thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), mô hình tăng trưởng của nhiều đô thị chưa đa dạng, phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên, năng lực dự trữ và tầm nhìn dài hạn còn hạn chế. Bên cạnh đó, thực trạng sử dụng tài nguyên đất đai chưa hiệu quả, hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng nhu cầu, kết nối giao thông giữa các khu vực đô thị còn yếu làm gia tăng chi phí vận chuyển, tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, khói, bụi phổ biến ở các đô thị lớn.
Tại Diễn đàn toàn cầu các thành phố phát triển bền vững (GPSC) do Ngân hàng Thế giới (WB) và GEF tài trợ trong khuôn khổ GEF6, các đại biểu đã chia sẻ kiến thức, giúp các đô thị giải quyết bài toán làm sao để nâng cao chất lượng phục vụ người dân, trong khi vẫn khai thác các tiềm năng kinh tế, hướng đến sự phát triển bền vững lâu dài. Đồng thời, WB cam kết các thành phố tham gia vào GPSC sẽ được cung cấp kiến thức và các công cụ liên quan đến 3 trụ cột: quy hoạch, hỗ trợ tài chính và kết nối các thành phố.
Bà Anna Wellenstein, Giám đốc lĩnh vực Đất đai và Không gian địa lý thuộc WB cho biết, trong nhiệm kỳ 4 năm của GEF 6, GPSC đã xây dựng được các mối quan hệ đối tác nền tảng, tạo cơ sở để tiếp tục mở rộng mạng lưới thành phố thành viên trong nhiệm kỳ mới của GEF 7.
Trong khi đó, theo bà Xuemeng Wang, Điều phối viên chương trình GPSC (WB), 3 tiêu chí lựa chọn các thành phố tham gia vào mạng lưới GPSC gồm: chính quyền thể hiện rõ cam kết về phát triển bền vững; thành phố có tầm nhìn và định hướng lâu dài trong phát triển bền vững; có kế hoạch tài chính cụ thể để triển khai các chương trình phát triển bền vững. Dựa trên 3 tiêu chí này, GPSC đang kêu gọi các quốc gia tham gia vào mạng lưới đô thị phát triển bền vững toàn cầu.
Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế cho rằng thành phố Đà Nẵng (Việt Nam) đã định hướng phát triển bền vững theo hướng thành phố môi trường. 7 năm qua, WB cũng đã tài trợ, xây dựng tại Đà Nẵng nhiều dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng, thoát nước, giao thông, vệ sinh môi trường…
“Để một thành phố phát triển theo hướng bền vững thì phải phối hợp tất cả các thành tố như: giao thông, năng lượng, môi trường… Vì thế, đề nghị GEF hỗ trợ Đà Nẵng tham gia chương trình GPSC để học tập kinh nghiệm cũng như có các hỗ trợ để Đà Nẵng phát triển bền vững theo hướng thành phố môi trường”, Tiến sĩ Phạm Phú Bình đề nghị.
Ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) cho hay: Sự chuyển đổi mạnh mẽ của Việt Nam từ một trong những nước nghèo thành một nước thu nhập trung bình trong vòng ba thập kỷ, là cảm hứng cho nhiều quốc gia trên thế giới. Một cách tổng quát, các dự án đã triển khai ở Việt Nam rất tốt. WB làm việc chặt chẽ với chính quyền trung ương, cũng như chính quyền của các tỉnh, thành phố để triển khai các dự án. Đó là lý do tại sao WB có những dự án quan trọng ở Việt Nam.
Tại Đà Nẵng, chính quyền đã phối hợp hiệu quả với WB triển khai nhiều dự án cải thiện cơ sở hạ tầng, quản lý nước thải trong Chiến lược Phát triển bền vững thành phố như: dự án cải tạo thoát nước mưa và nước thải có vốn đầu tư 144,6 triệu USD; phát triển các tuyến đường giao thông chiến lược có vốn đầu tư 94,7 triệu USD, tuyến đường Nguyễn Tất Thành nối dài; phát triển xe buýt nhanh (BRT) có chi phí đầu tư 70,2 triệu USD; dự án tuyến đường DH2 đoạn xã Hòa Nhơn - Hòa Sơn, huyện Hòa Vang….
7 năm qua, WB đã triển khai nhiều dự án ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Trong thời gian tới, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ triển khai dự án đường cao tốc, và sẽ có những tiềm năng lớn cho hợp tác các dự án khác.
“Tôi nghĩ việc các thành phố nỗ lực để tham gia vào mạng lưới GPSC là rất tốt, Trong diễn đàn này, các thành phố sẽ quyết định và đưa ra những khái niệm chung. Chúng tôi nhìn vấn đề theo cách toàn cầu. Quan trọng không kém là hãy xây dựng 1 forum địa phương, nơi các thành phố có thể bản địa hoá vấn đề của mình để có giải pháp hợp lý nhất. Đề xuất Đà Nẵng tham gia vào mạng lưới GPSC sẽ được GEF và WB xem xét, nghiên cứu” - ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khẳng định.