Đại biểu GEF 6 quan tâm vấn đề bảo vệ rừng và kinh tế xanh
Trong nước - Ngày đăng : 09:03, 28/06/2018
(TN&MT) - Tại kỳ họp Đại hội đồng Quỹ Môi trường toàn cầu lần thứ 6 (GEF 6) đang diễn ra tại TP. Đà Nẵng (Việt Nam), nhiều vấn đề về môi trường hiện nay được các đại biểu rất quan tâm và mang ra thảo luận, trong đó có việc bảo vệ tài nguyên rừng và xây dựng nền kinh tế xanh.
Kỳ họp Đại hội đồng GEF 6 diễn ra từ 23 - 29/6, với sự tham dự của khoảng 1.500 đại biểu, bao gồm các Bộ trưởng phụ trách môi trường và các quan chức cấp cao khác từ 183 quốc gia thành viên, cùng với Lãnh đạo các cơ quan Liên hợp quốc, các ngân hàng phát triển khu vực, các tổ chức chính trị - xã hội và Lãnh đạo doanh nghiệp để cùng chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường toàn cầu.
Việt Nam được lựa chọn là quốc gia đăng cai GEF 6 khẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF, là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.
Bên lề sự kiện quan trọng này, PV Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi nhanh với một số đại biểu đến tham dự GEF6 xung quanh các vấn đề về môi trường.
Bà Joi Danielson - Giám đốc một tổ chức quốc tế tại Mỹ:
Hội nghị lần này quy tụ những người có tầm quan trọng trong việc đưa ra các quyết định, mọi người cùng ngồi với nhau, cùng thảo luận và tìm ra những giải pháp cho những vấn đề cơ bản về môi trường. Một trong trong những vấn đề cơ bản là làm thế nào để quản lý và xử lý rác thải biển...
Ngoài ra, kinh tế tuần hoàn; hướng đến 1 nền kinh tế xanh cũng là vấn đề tôi đặc biệt quan tâm.. Tôi kỳ vọng nhiều vào kỳ họp này sẽ đưa ra những giải pháp cụ thể; đồng thời sẽ dành được nguồn quỹ cần thiết để đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực trên.
Ông Carlos Manuel Rodriguez- Bộ trưởng Bộ Môi trường Costa Rica:
Đến với GEF 6, tôi quan tâm đến vấn đề bảo vệ rừng bởi đây là điều mà Việt Nam và Costa Rica rất quan tâm. Hội nghị có nhiều đại biểu cấp cao nên hi vọng họ sẽ tìm ra những giải pháp để bảo vệ tài nguyên rừng đang cạn kiệt dần; và tôi cũng hy vọng sẽ tận dụng quỹ môi trường toàn cầu để có nhiều phương án bảo vệ rừng hơn.
“Ngoài ra tôi cũng muốn nhiều nước tiến hành hợp tác Nam- Nam (các nước đang phát triển ở Nam bán cầu hợp tác để trao đổi tài nguyên, kỹ thuật, tri thức...), qua đó có một tổ chức nào đó quan tâm hơn về vấn đề bảo vệ rừng hiện nay...”, ông Rodriguez chia sẻ.
Bà Hannah Fatema Rojoa- Bộ Tài chính Mauritius:
Tôi rất thích nước Việt Nam vì đây rất xinh đẹp, sạch và người dân cực kỳ thân thiện, tốt bụng. Đây là lần đầu tiên tôi tham gia sự kiện GEF. Hơn một tuần diễn ra thì sự kiện đã mang đến nhiều thành quả lớn, nhiều quyết định quan trong để bảo vệ môi trường trên thế giới.
Đến với GEF 6 thì tôi muốn gây quỹ về các chương trình biến đổi khí hậu, hệ sinh thái... cho nước tôi.
Bà Natasa Kovacevic- thành viên Tổ chức xã hội dân sự CSO của Montenegro :
Môi trường biển là điều mà tôi rất quan tâm. Sự cố môi trường biển tại miền Trung Việt Nam vừa rồi là một ví dụ điển hình...
Theo tôi, cần đưa ra giải pháp làm thế nào để tăng cường sự tham gia của người dân ngay từ bây giờ để cứu môi trường biển khỏi nguy cơ bị tổn thương. Các hành động phải thực hiện từ cấp Chính phủ đến từng người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia các hành động tăng cường sinh mệnh cho môi trường, giảm áp lực đối với trái đất như ô nhiễm, suy thoái đại dương...; tất cả phải được thực hiện nay từ bây giờ.
Ông Jose’ Pedro De Oliveira Costa- Tổng Thư ký đa dạng sinh học thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường Brazil:
Kỳ họp đã được tổ chức rất tốt. Có nhiều chủ đề đã được thảo luận trước đây và được nhấn mạnh tại kỳ họp lần này. Tôi cũng đã có cơ hội tham gia các sự kiện bên lề và đặc biệt là đã được đi thăm bán đảo Sơn Trà- nơi có các loài linh trưởng quý hiếm đang sống. Tôi cũng đã được tham gia thảo luận một số chủ đề liên quan đến bảo tồn, đặc biệt là bảo tồn linh trưởng, vấn đề mà đất nước tôi đang rất quan tâm.
Tôi cũng đã trao đổi cùng các đồng nghiệp đến từ WB về vấn đề bảo tồn rừng Amazon trong khuôn khổ các dự án GEF, về sự nỗ lực lồng ghép khi các khi các nước cùng tay trong công tác bảo tồn. Chúng tôi cũng đã trao đổi về vấn đề ứng phó với biến đổi khi hậu. Những vấn đề này chúng ta sẽ không bao giờ thành công nếu làm việc đơn lẻ mà không có sự phối hợp nào giữa các quốc gia…”, ông Costa nói.