Công bố lệnh của Chủ tịch nước về Luật Đo đạc và Bản đồ
Trong nước - Ngày đăng : 11:38, 28/06/2018
Ngày 14 tháng 6 năm 2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019.
Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 61 điều, 9 chương
Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã trình bày một số nội dung nổi bật của Luật Đo đạc và Bản đồ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nêu rõ sự cần phải xây dựng Luật trong đó nhấn mạnh, hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt quan trọng, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu khoa học về trái đất, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần nâng cao dân trí. Các sản phẩm đo đạc, bản đồ và dữ liệu thông tin địa lý được sử dụng rộng rãi trong hoạt động hàng ngày của đời sông xã hội.
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hiện nay, ở đó mọi sự thay đổi diễn ra nhanh chóng và năng động dựa trên ứng dụng các công nghệ nền tảng về dữ liệu lớn, điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, robot thông minh, internet kết nối vạn vật… việc xây dựng một đạo luật để quản lý thống nhất, có hiệu quả hoạt động đo đạc và bản đồ, thúc đẩy phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia là yêu cầu cấp bách và xuất phát từ thực tiễn khách quan.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 61 điều thể hiện trong 9 chương với các nội dung chính như sau:
Chương I. Những quy định chung (gồm 9 điều). Chương này quy định về phạm vi điều chỉnh; đối tượng áp dụng; nguyên tắc cơ bản và chính sách của Nhà nước đối với đo đạc và bản đồ; các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động đo đạc và bản đồ; hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ; tài chính cho hoạt động đo đạc và bản đồ.
Chương II. Hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản (gồm 12). Chương này quy định về nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; Hệ thống số liệu gốc đo đạc quốc gia, hệ tọa độ quốc gia, hệ độ cao quốc gia và hệ trọng lực quốc gia; hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc quốc gia; dữ liệu ảnh hàng không; dữ liệu ảnh viễn thám; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; xây dựng, vận hành, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và thành lập, cập nhật hệ thống bản đồ địa hình quốc gia; đo đạc và bản đồ về biên giới quốc gia; thể hiện biên giới quốc gia, chủ quyền lãnh thổ; đo đạc và bản đồ về địa giới hành chính; yêu cầu, nguyên tắc và các trường hợp chuẩn hóa địa danh; trách nhiệm chuẩn hóa địa danh, sử dụng địa danh đã được chuẩn hóa.
Chương III. Hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành (gồm 10 điều). Chương này quy định về nội dung hoạt động đo đạc và bản đồ chuyên ngành; hệ thống số liệu các mạng lưới đo đạc cơ sở chuyên ngành; đo đạc và bản đồ quốc phòng; đo đạc, thành lập bản đồ địa chính; thành lập bản đồ hành chính; đo đạc, thành lập hải đồ; đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; đo đạc, thành lập bản đồ hàng không dân dụng; đo đạc, thành lập bản đồ phục vụ phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thành lập tập bản đồ; đo đạc, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành khác.
Chương IV. Chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ (gồm 03 điều). Chương này quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong hoạt động đo đạc và bản đồ; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo sử dụng trong hoạt động đo đạc và bản đồ; quản lý chất lượng sản phẩm đo đạc và bản đồ.
Chương V. Công trình hạ tầng đo đạc (gồm 04 điều). Chương này quy định về các loại công trình hạ tầng đo đạc; xây dựng, vận hành, bảo trì công trình hạ tầng đo đạc; sử dụng mốc đo đạc; bảo vệ công trình hạ tầng đo đạc.
Chương VI. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia (gồm 12 điều). Chương này quy định về: Hệ thống thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; Cơ sở dữ liệu đo đạc và bản đồ; lưu trữ, bảo mật, cung cấp, trao đổi, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quyền sở hữu trí tuệ đối với thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; quy định chung về hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; dữ liệu không gian địa lý quốc gia; dịch vụ về dữ liệu không gian địa lý quốc gia; sử dụng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; yêu cầu đối với xuất bản bản đồ; hoạt động xuất bản bản đồ.
Chương VII. Điều kiện kinh doanh dịch vụ ; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo đạc và bản đồ (gồm 05 điều). Chương này quy định về giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; điều kiện cấp giấy phép hoạt động đo đạc và bản đồ; chứng chỉ hành nghề đo đạc và bản đồ; thông tin về tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động đo đạc và bản đồ; Quyền và nghĩa vụ của cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ.
Chương VIII. Quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ (gồm 06 điều). Chương này quy định về nội dung và trách nhiệm quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ bao gồm trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các cấp; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo đạc và bản đồ.
Chương IX. Điều khoản thi hành (gồm 02 điều).
Những điểm mới được quy định trong Luật Đo đạc và bản đồ
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cũng cho biết, Luật Đo đạc và Bản đồ đã được xây dựng với nhiều điểm mới, mang tính đột phá về thể chế chính sách trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ, cụ thể như sau:
Một là, đảm bảo thống nhất về đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, tránh chồng chéo trong công tác quản lý và triển khai thực hiện các nhiệm vụ về đo đạc và bản đồ từ Trung ương đến địa phương và giữa các bộ, ngành;
Hai là, lần đầu tiên việc xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia được luậtđịnh;
Ba là, tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý và tổ chức triển khai hoạt động đo đạc và bản đồ cho UBND cấp tỉnh, tạo tính chủ động và phát huy nguồn lực của địa phương;
Bốn là, đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực của xã hội tham gia vào các hoạt động đo đạc và bản đồ;
Năm là, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiến tiến, hiện đại trong thu nhận và xử lý thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, góp phần thúc đẩy việc sử dụng trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật dựa trên cơ sở dữ liệu không gian địa lý;
Sáu là, xác lập tính hợp pháp của các cá nhân hành nghề độc lập về đo đạc và bản đồ, đảm bảo quyền và trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ;
Bảy là, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận, sử dụng rộng rãi thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ;
Tám là, làm rõ và chuẩn hóa một số khái niệm chuyên môn cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ, đảm bảo chính xác, phù hợp với chuyên môn và dễ hiểu, đảm bảo sự thống nhất giữa các thuật ngữ, khái niệm, làm cơ sở để chuẩn hóa lại các thuật ngữ, khái niệm trong các văn bản quy phạm pháp luật đã và sẽ ban hành.
Luật Đo đạc và Bản đồ là khung pháp lý quan trọng thúc đẩy ngành đo đạc và bản đồ phát triển lên một tầm cao mới, đáp ứng các yêu cầu được kỳ vọng trong việc ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tại Việt Nam.