Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các vị ĐBQH Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp xúc cử tri Côn Đảo

Trong nước - Ngày đăng : 10:37, 23/06/2018

(TN&MT) - Sáng 23/6 tại Hội trường Trung tâm Văn hoá huyện Côn Đảo, các vị Đại biểu Quốc hội thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp xúc với hơn 200 cử tri quân và dân huyện Côn Đảo sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV.  
2306 BT viếng nghĩa trang Hàng Dương
Chiều 22/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và đoàn công tác do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà dẫn đầu đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ và đồng bào yêu nước đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương

Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có các vị Đại biểu Quốc hội: Ông Trần Hồng Hà , Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Phạm Đình Cúc, Phó Viện trưởng Việm Kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

2306 BT và cựu tù chính ttrij
Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh BRVT trò chuyện với ông Phan Hoàng Oanh - Cựu tù chính trị Côn Đảo 

Về phía huyện Côn Đảo có ông Lê Minh Nhựt, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND huyện; ông Trần Tấn Đạt, Phó Chủ tịch HĐND huyện; ông Nguyễn Anh Nhựt, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện; ông Võ Văn Việt, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc huyện. Về phía Bộ Tài nguyên và Môi trường có ông Lê Văn Lịch, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai; đại diện Văn phòng Bộ.

2306 ĐBQH tặng quà 1
Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh BRVT trao tặng quà cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng trên địa bàn huyện Côn Đảo

 

2306 Tặng quà 2
Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (bìa phải) và đại biểu Phạm Đình Cúc (bìa trái) tặng quà cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng trên địa bàn huyện Côn Đảo


Trước khi khai mạc hội nghị tiếp xúc cử tri sáng 23/6, các vị Đại biểu Quốc hội đã trao 10 suất quà cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng trên địa bàn huyện Côn Đảo. Trước đó, vào chiều 22/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Trưởng đoàn đã dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng Liệt sỹ và đồng bào yêu nước đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Hàng Dương.

 

Thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Tuyết, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá với cử tri quân và dân huyện Côn Đảo.

2306 Bộ trưởng phát biểu
Bộ trưởng Trần Hồng Hà - Đại biểu Quốc hội tỉnh BRVT báo cáo tại Hội nghị sáng 23/6


Theo báo cáo của ông Nguyễn Văn Tuyết, Kỳ họp tứ 5 vừa qua tuy là kỳ họp có thời gian ngắn (20,5 ngày làm việc) nhưng với tinh thần nghiêm túc, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm (từ ngày 21/5 đến ngày 15/6/2018), kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc với nhiều kết quả quan trọng, thể là Quốc hội đã thông qua 7 luật, 8 nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Trong đó, có nhiều bộ luật và dự thảo luật được cử tri cả nước hết sức quan tâm.
 

2306 ĐB Nguyễn Văn Tuyết báocáo
ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết báo cáo tại Hội nghị
Theo ông Nguyễn Văn Tuyết, Luật An ninh mạng được xây dựng trong điều kiện môi trường an ninh mạng có nhiều bất cập; nhiều vấn đề mới nảy sinh trong phát triển công nghệ thông tin, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghệ 4.0 hiện đã và đang đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cho các cơ quan, đơn vị chức năng trong phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ tác nhân tiến hành các hoạt động gián điệp mạng, chiếm đoạt thông tin, tài liệu bí mật nhà nước trên không gian mạng... “Việc ban hành Luật An ninh mạng là cần thiết để phòng ngừa, sẵn sàng ngăn chặn các nguy cơ đe dọa an ninh mạng và bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân” - Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết nhấn mạnh.
2306 ĐB Phạm Đình Cúc báo cáo
ĐBQH Phạm Đình Cúc báo cáo tại Hội nghị

 

Luật An ninh mạng gồm 7 chương, 43 điều, thể hiện rõ quan điểm, chính sách của nhà nước trong việc quy định về: biện pháp bảo vệ an ninh mạng, không gian mạng quốc gia; các hành vi bị nghiêm cấm nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới.

Để không quy định chồng chéo với pháp luật có liên quan, Luật đã quy định cụ thể về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng không gian mạng; trách nhiệm của chủ thể cung cấp thiết bị số, dịch vụ mạng, ứng dụng mạng, cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet; của chủ quản hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và của các bộ, ngành chức năng trong các hoạt động bảo vệ an ninh mạng.

Cử tri Trần Thanh Tâm
Cử tri Trần Thanh Tâm phát biểu, kiến nghị với các vị ĐBQH

 

Theo Luật An ninh mạng, hoạt động thẩm định, kiểm tra, đánh giá điều kiện và hoạt động giám sát an ninh mạng đối với hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia được quy định theo hướng chỉ rõ phạm vi mà lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng và lực lượng bảo vệ an ninh mạng thuộc cơ quan chức năng thực thi nhiệm vụ bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, không gây khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi thực hiện nghiêm pháp luật về an ninh mạng.
 

ĐB Nguyễn Thị Ngọc Ngân
Cử tri Đỗ Thị Ngọc Ngân đóng góp ý kiến, kiến nghị với các vị Đại biểu Quốc hội

 

Ông Nguyễn Văn Tuyết cho biết: Các dự án luật được Quốc hội thảo luận, cho ý kiến nhằm đáp ứng yêu cầu tạo lập mô hình phát triển mới mang tính đột phá cho các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chăn nuôi, trồng trọt phát triển; đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

 

Một ví dụ cụ thể như dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định về quy hoạch, cơ chế, chính sách đặc biệt về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương và cơ quan khác của Nhà nước tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

2306 PCT huyện Nguyễn Văn Dũng
Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Côn Đảo giải trình kiến nghị của cử tri 

 

Việc xây dựng Luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, thể chế hóa chủ trương của Đảng về “xây dựng một số đơn vị HCKTĐB với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị” Dự án Luật trình Quốc hội đã được tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017), hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, địa phương có liên quan.

 

Đa số ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tán thành sự cần thiết ban hành, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm vào các nội dung cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.

Tuy nhiên, đây là dự án Luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp; ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án Luật còn khác nhau. Một số quy định của dự thảo Luật được giải thích chưa đúng, chưa đầy đủ...

2306 Quang cảnh
Quang cảnh Hội nghị sáng 23/6 tại Hội trường Trung tâm Văn hóa huyện Côn Đảo

 

Trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thận trọng, cân nhắc nhiều mặt và thống nhất với Chính phủ chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về thời hạn sử dụng đất để sản xuất kinh doanh áp dụng theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, không quy định trường hợp đặc biệt kéo dài đến 99 năm. Đồng thời, theo đề nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, Quốc hội đã quyết định chưa thông qua dự án Luật này tại kỳ họp thứ 5 và chuyển sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng của các vị đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân, hoàn thiện dự thảo Luật; hoàn chỉnh các dự thảo nghị quyết, đề án về thành lập từng đơn vị hành chính- kinh tế đặc biệt.

 

Tại buổi tiếp xúc sáng 23/6, các cử tri huyện Côn Đảo đã phát biểu ý kiến về những vấn đề nổi bật trên địa bàn như: lấn chiếm đất Nhà nước quản lý; tình trạng xây dựng không phép, sai phép; tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; ô nhiễm môi trường; nguồn hải sản gần bờ có dấu hiệu ngày càng cạn kiệt; lượng rác thải tăng cao ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường đô thị; nguy cơ thiếu điện do lượng khách du lịch và nhu cầu sản xuất kinh doanh tăng quá nhanh; nguồn nước ngọt trên đảo có nguy cơ cạn kiệt và thiếu hụt trong tương lai gần…

Phát biểu với cử tri huyện Côn Đảo, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết hiện nay tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Côn Đảo khá nhanh, đặc biệt là quá trình đô thị hoá, trong bối cảnh năng lực tổ chức bộ máy của huyện còn mang tính chất đặc thù của một địa phương biển đảo xa xôi, đầy gian khó của đất nước, chưa bắt kịp được tốc độ phát triển khá nhanh. Thực tế quá trình phát triển của Côn Đảo trong thời gian vừa qua đã đặt ra nhiều vấn đề thách thức mà Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ phải phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo huyện Côn Đảo cùng giải quyết để bảo đảm sự phát triển bền vững cho Côn Đảo. Đó là những vấn đề quy hoạch xây dựng, đô thị làm sao phải bảo tồn được không gian văn hoá, lịch sử, tâm linh của một vùng đất thiêng liêng của Tổ quốc trong tốc độ phát triển kinh tế nhanh, mạnh như hiện nay. Vấn đề bảo đảm nguồn nước trong khi nhu cầu ngày càng tăng cao vì du lịch phát triển; lượng rác thải ngày càng lớn trong khi công nghệ hiện nay chỉ là chôn lấp....

Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn cử tri, bà con nhân dân huyện Côn Đảo có nhiều ý kiến đóng góp, hiến kế cho lãnh đạo tỉnh, huyện ban hành những chính sách phát triển kinh tế biển vừa bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền quốc gia, vừa bảo tồn được hệ sinh thái môi trường biển đa dạng, phong phú, vừa khai thác hiệu quả tài nguyên biển để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội huyện Côn Đảo và nâng cao đời sống cho bà con nhân dân địa phương. 

Ngoài những vấn đề dân sinh bức xúc mà bà con, cử tri phản ánh với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để xem xét, giải quyết, bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của công dân, các vị Đại biểu Quốc hội luôn sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến đóng góp của cử tri về giải pháp phát triển kinh tế - xã hội cho huyện Côn Đảo bền vững, hiệu quả, để Đoàn Đại biểu Quốc hội xem xét, đưa lên diễn đàn và các chương trình nghị sự của Quốc hội với mục tiêu cùng thảo luận, bàn bạc, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi, tìm ra những giải pháp phát triển tốt nhất cho Côn Đảo, bởi sự nghiệp phát triển Côn Đảo cũng là  một trong những vấn đề quan trọng mà cử tri, nhân dân cả nước cùng quan tâm - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.