Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch

Trong nước - Ngày đăng : 11:40, 15/06/2018

(TN&MT) - Sáng 15/6, tại phiên họp bế mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch với 96,71% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV gồm 12 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2019.
 

1506 biểu quyết Luật Quy hoạch
Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch

Trước khi các đại biểu tham gia biểu quyết, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.

Báo cáo nêu rõ: ngày 23/5/2018 và ngày 01/6/2018, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại Luật An toàn thực phẩm, Luật Công chứng, Luật Dược, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Điện lực, Luật Hóa chất, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Trẻ em, Luật Xây dựng (gọi tắt là dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về quy hoạch tại 13 luật).

Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật.

Về một số nội dung cụ thể, báo cáo nêu rõ: về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, theo quy định của Luật Đầu tư (khoản 3 Điều 7) thì Bộ, Cơ quan ngang bộ không được ban hành về điều kiện đầu tư, kinh doanh. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và chỉnh lý theo hướng Bộ Công thương trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quy định điều kiện kinh doanh thực phẩm tại các chợ, siêu thị để bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, việc bỏ quy định về lập quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng là phù hợp với Luật Quy hoạch, bảo đảm đúng với chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng. Việc giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện thành lập và hoạt động của Văn phòng công chứng, Luật Công chứng hiện hành đã quy định cụ thể về điều kiện hành nghề của công chứng viên; điều kiện thành lập và hoạt động của Văn phòng công chứng. Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về điều kiện trụ sở của Văn phòng công chứng (khoản 4 Điều 22).

Mặt khác, việc bổ sung quy định này là vấn đề nội dung, chưa đúng tinh thần là chỉ sửa đổi các quy định liên quan đến quy hoạch. Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không giao Chính phủ quy định thêm các điều kiện về nội dung này.

Liên quan đến Luật Hóa chất, có ý kiến đề nghị không bãi bỏ toàn bộ Điều 9 của Luật Hóa chất mà giữ lại nội dung: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương lập, phê duyệt kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất” để có cơ sở điều tiết công nghiệp hóa chất. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, theo Luật hiện hành thì căn cứ quy hoạch công nghiệp hóa chất quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập, phê duyệt kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất.

Tuy nhiên, do không còn quy hoạch công nghiệp hóa chất quốc gia nên Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không phải lập kế hoạch phát triển công nghiệp hóa chất của tỉnh. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ như dự thảo Luật.

Ngoài ra, một số ý kiến góp ý cụ thể từ ngữ, kỹ thuật văn bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý, sắp xếp lại các nội dung của dự thảo Luật cho phù hợp...