ĐBQH Nguyễn Thị Yến: Cần chuyển một phần nguồn vốn khi cổ phần hóa về địa phương
Trong nước - Ngày đăng : 14:29, 28/05/2018
Cơ bản tán thành các nội nội dung của báo cáo về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016, Đại biểu Nguyễn thị Yến đánh giá cao Chính phủ, các bộ, ngành trung ương đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện thể chế quản lý, sử dụng vốn, tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp khá đầy đủ, kịp thời, đáp ứng cho công tác quản lý tài chính doanh nghiệp nhà nước.
Việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước ngày càng được chặt chẽ và hiệu quả. Công tác cổ phần hóa doanh nghiệp cũng như việc thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp được đẩy mạnh, nhất là phần vốn đầu tư ngoài ngành của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước.
Để việc quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ngày một chặt chẽ và hiệu quả hơn, Đại biểu Nguyễn Thị Yến phát biểu góp ý vào các nội dung cụ thể.
Về thẩm quyền quyết định đầu tư mua bán tài sản, theo Điều 6 Thông tư 21 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy chế hoạt động của người đại diện theo ủy quyền đối với phần vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Theo đó, người đại diện tại doanh nghiệp mà nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì phải xin ý kiến chủ sở hữu phần vốn nhà nước bằng văn bản để tham gia ý kiến, biểu quyết, quyết định tại cuộc họp hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, đại hội đồng cổ đông và các cuộc họp khác.
Đối với chủ trương mua bán tài sản và hợp đồng vay, cho vay có giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại điều lệ của doanh nghiệp. Như vậy, đối với chủ trương mua, bán tài sản và hợp đồng vay, cho vay có giá trị nhỏ hơn 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp thì người đại diện không phải xin ý kiến chủ sở hữu. Đối với công ty cổ phần nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ thì Thông tư 21 cũng không quy định người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu về chủ trương nêu trên.
“Theo tôi, thực tế quy định này sẽ là lỗ hổng trong quản lý đối với những doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn hàng trăm tỉ đồng nhưng tự quyết định không xin ý kiến sẽ là nguy cơ thất thoát vốn và tài sản của nhà nước, đề nghị Chính phủ cần có quy định cụ thể mức giá trị đối với các trường hợp mua bán tài sản và hợp đồng vay, cho vay, cho dù dưới 50% với doanh nghiệp có vốn điều lệ lớn thì người đại diện phải xin ý kiến chủ sở hữu” - bà Nguyễn Thị Yến nói.
Về quản lý đất đai giao cho doanh nghiệp, bày tỏ sự thống nhất với một số ý kiến của các đại biểu trước, Đại biểu Nguyễn Thị Yến cho rằng: nếu các doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa nhà nước hoặc cho thuê, thì đất đai có vị thế, tiềm năng, là đất vàng thì cũng phải xem xét để quản lý, nếu doanh nghiệp đó mà không thực hiện đúng quy hoạch, kinh doanh không đúng theo quy định đã cam kết... hoặc là chuyển nhượng mua bán cũng phải xem lại. Và như vậy, bà Nguyễn Thị Yến cho rằng chúng ta cũng phải kiên quyết thu hồi.
Theo điểm k khoản 1 Điều 37 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% bao gồm các khoản thu hồi vốn của ngân sách địa phương đầu tư cho các tổ chức kinh tế... Bà Nguyễn Thị Yến cho biết: Trong những năm qua, các địa phương luôn quan tâm, hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp khi thực hiện chủ trương cổ phần hóa đã tích cực, cố gắng xúc tiến các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy nhanh tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên thực tế hiện nay, khoản thu cổ phần hóa đã nộp về Trung ương nhưng không để lại cho địa phương, Đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm hướng dẫn chuyển nguồn vốn thu hồi khi cổ phần hóa doanh nghiệp do ngân sách địa phương đầu tư về địa phương để động viên và phát triển kinh tế như quy định của Luật Ngân sách.
“Tất cả việc đầu tư cho các doanh nghiệp ở địa phương, các tỉnh, thành phố cũng đã chắt chiu, góp nhiều phần vốn để đầu tư, nhưng khi cổ phần hóa thì lại nộp về Trung ương hết, không còn giữ lại để đầu tư phát triển cho kinh tế địa phương. Rất mong Chính phủ quan tâm, chuyển về cho địa phương, thực hiện đúng Luật Ngân sách 2015” - Đại biểu Nguyễn Thị Yến kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Yến cho biết thêm, qua báo cáo, hiện nay số tiền mà các doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra nước ngoài đã vượt 7 tỷ đôla, nhưng dòng tiền thu về rất khó khăn trong khi gần 50 dự án không có báo cáo doanh thu lợi nhuận… Vì vậy, bà Nguyễn Thị Yến đề nghị Chính phủ cần có báo cáo rõ hơn vấn đề này và việc quản lý, sử dụng tiền thu được khi cổ phần hóa, thoái vốn trong các năm qua và tình hình cổ đông là người lao động trong các công ty cổ phần hiện nay như thế nào.
Giai đoạn 2011-2016 cơ chế, chính sách pháp luật về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa đã bám sát định hướng chủ trương của Đảng, nhà nước được ban hành đầy đủ, kịp thời tạo môi trường pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng GDP cho đất nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn một số vướng mắc khó khăn bất cập… Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ sớm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách tháo gỡ kịp thời vướng mắc, khó khăn trong quá trình tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và sau cổ phần hóa để công tác quản lý nhà nước và doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.