Quốc hội tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Trong nước - Ngày đăng : 09:14, 26/05/2018
Sau 2 buổi thảo luận đã có 42 đại biểu phát biểu và có 8 đại biểu tranh luận. Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, không khí thảo luận khá thẳng thắn, có chiều sâu, có tính tranh luận và phản biện cao, ít nội dung trùng lắp. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp tích cực để phát triển kinh tế-xã hội nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2018.
Cũng trong ngày 24/5 sau phát biểu của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã phát biểu giải trình các vấn đề mà các đại biểu Quốc hội quan tâm.
Mở đầu phiên thảo luận sáng nay 26/5, các đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre), Nguyễn Như So (ĐBQH tỉnh Bắc Ninh), Bùi Sĩ Lợi (ĐBQH tỉnh Thanh Hóa), Nguyễn Thanh Hải (ĐBQH tỉnh Tiền Giang), Đỗ Văn Sinh (ĐBQH tỉnh Quảng Trị), Giàng Thị Bình (ĐBQH tỉnh Lào Cai),.... phát biểu về các vấn đề: Cải cách hành chính, thực thi nghiêm công vụ; phát triển kinh tế tư nhân; nông nghiệp công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao năng suất, chất lượng lao động; chính sách người có công với cách mạng; thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội...
Bày tỏ tán thành với phương châm 10 chữ của Chính phủ trong năm 2018 là: "Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả', Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre) đề nghị Chính phủ tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; phát triển thương hiệu Việt; quan tâm chỉ đạo rà soát việc thực hiện các kết luận của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại các bộ ngành, địa phương, ngăn chặn tình trạng trên nóng, dưới nóng, giữa lạnh như hiện nay;
Ông Lưu Bình Nhưỡng cũng đề nghị Chính phủ kiên quyết xử lý những cán bộ hành dân, hành doanh nghiệp, thiếu trách nhiệm trong thực thi công việc; xử lý cát tặc, lâm tặc; xử lý nghiêm tình trạng nâng đỡ không trọng sáng... Đồng thời cần tiếp tục triển khai giải quyết chính sách cho người di cư tự do trong nước và biên giới Việt Nam, Lào, Campuchia.
Đối với tình hình di cư trong nước, Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết, bà con dân tộc thiểu số vì kế sinh nhai nên từ miền bắc di cư vào Tây Nguyên, phá rừng làm nương rẫy, bà con không phải lâm tặc. Hiện tại, bà con không có giấy tờ tùy thân, chế độ chính sách, không được học hành.... đề nghị Quốc hội, Nhà nước có chính sách để "đồng bào đỡ tủi thân"…
Còn Đại biểu Bùi Sĩ Lợi (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ tập trung các giải pháp quyết liệt nâng cao năng suất lao động, theo hướng đào tạo nâng cao trình độ cho người chuẩn bị bước vào thị trường lao động và người đang lao động trực tiếp; chuyển dịch cơ cấu lao động từ những ngành có năng suất thấp sang ngành có năng suất cao; phát triển giáo dục dạy nghề...
Ông Bùi Sĩ Lợi đề nghị Chính phủ quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả Quỹ bảo hiểm xã hội, có giải pháp nâng cao tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội; thay đổi cơ cấu hỗ trợ của nhà nước theo hướng nâng cao mức hỗ trợ để khuyến khích người lao động tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội... Đồng thời, có giải pháp thực hiện hiệu quả để nhà ở cho người dân thực sự trở thành một trụ cột của chính sách an sinh xã hội...
Giải trình vấn đề các Đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: về an sinh xã hội, chăm sóc người có công, công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách,... Bộ trưởng cho biết công tác này được Đảng, Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm với tinh thần tương thân, tương ái, bạn bè quốc tế đánh giá đây là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội.
Đối với ý kiến của các Đại biểu về vấn đề nhà ở, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phân bổ 8100 tỷ đồng để các địa phương triển khai xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng trong năm 2018; hiện nay, chúng ta đang quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ cho hơn 3 triệu người có hoàn cảnh khó khăn;... Nhà nước đã đầu tư 48 nghìn tỷ, thực hiện 21 chương trình mục tiêu để giảm nghèo bền vững, tập trung vào các lõi nghèo (các huyện 30a, các xã 135, xã bãi ngang...)... hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,7%; 8 huyện thoát nghèo theo chương trình 30%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt và vượt chỉ tiêu...
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian tới Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ tập trung đột phá vào công tác giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, kiên quyết giảm những cơ sở hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển sang đào tạo theo địa chỉ, theo định hướng, theo đặt hàng, theo nhu cầu dự báo của thị trường lao động...
Phiên thảo luận đang diễn ra, Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ tiếp tục cập nhật trong các bản tin tiếp theo.