Thảo luận về tình hình kinh tế xã hội: Các Bộ trưởng nói gì?

Trong nước - Ngày đăng : 13:13, 26/05/2018

(TN&MT) - Trong 1,5 ngày từ 25 đến hết sáng 26/5, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017). 
2605 PCT Quốc hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều khiển phiên Thảo luận. Ảnh: Quốc Khánh


Xen giữa phần thảo luận và tranh luận của các vị Đại biểu Quốc hội, Đoàn chủ tọa Kỳ họp đã mời 5 Bộ trưởng làm rõ các ý kiến, kiến nghị của các đại biểu gồm: Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Trí Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.

2605 BT bên hành lang
Bộ trưởng Trần Hồng Hà trao đổi với lãnh đạo một số đơn vị trực thộc Bộ Tài nguyên và Môi trường trong giờ giải lao phiên họp sáng 26/5. Ảnh: Việt Hùng

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin lược ghi phát biểu của các Bộ trưởng để bạn đọc tiện theo dõi:

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Thời gian tới, doanh nghiệp trong nước cũng sẽ chiếm thị phần chủ yếu trong nông nghiệp

2505 BT Nguyễn Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường. Ảnh: Quốc Khánh

Có thể nói, hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam dù đang phải đối mặt với những "thách thức lớn nhất" (hiện đại hóa nền nông nghiệp từ nền kinh tế hộ nhỏ lẻ; biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt; cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày lớn...) nhưng được "sự quan tâm cao nhất" của cả hệ thống chính trị ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Vừa qua nông nghiệp đón nhận sự ủng hộ, quan tâm chỉ đạo đồng bộ, thống nhất từ Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành và các thành phần khác trong hệ thống chính trị. Quốc hội Khóa XIV mới hoạt động 2 năm đã thông qua 2 luật về nông nghiệp và sắp tới thông qua 3 luật, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho ngành, ra 3 nghị quyết chuyên đề cho nông nghiệp.

Từ sau khi kiện toàn Chính phủ, thì Thủ tướng Chính phủ đã 17 lần ban hành chỉ đạo với ngành nông nghiệp. Ở các tỉnh, hầu hết Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố và cả hệ thống chính trị đều vào cuộc. 63 tỉnh, thành đều làm xúc tiến thương mại cho các sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp. Những nỗ lực này đã tạo sự lan tỏa. Thực tế, trong hai năm qua, từ sức lan tỏa này của hệ thống chính trị, số doanh nghiệp đã tăng gấp đôi. Số hợp tác xã, trang trại nông hộ tăng đã giúp nông nghiệp đạt kết quả ban đầu quan trọng, có tính chất tiền đề.

Trong 4 tháng đầu năm nay, tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp đạt 4,05% - mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Xuất khẩu nông sản liên tục tăng cả về nhóm nông sản và thị trường xuất khẩu. Hàng hóa nông nghiệp Việt Nam đã đến 180 thị trường trên thế giới, trong đó có một số thị trường rất khó tính. Giá trị tuyệt đối xuất khẩu nông sản rất cao, đến nay có thể dự báo vượt chỉ tiêu xuất khẩu năm 2018. Xuất khẩu tăng cả về lượng và chất. Số thặng dự năm 2018 cũng dự đoán vượt 19 tỷ đồng. Giá trị thặng dư tăng sẽ tác động trở lại cho các đối tượng tham gia chuỗi sản xuất, góp phần cân đối ngoại tệ cho quá trình phát triển kinh tế thời gian tới.

Ba nhóm sản phẩm được xác định tái cơ cấu đang thực hiện theo tổ chức lại thành chuỗi, đưa công nghệ cao. Quá trình tái cơ cấu ba nhóm sản phẩm này đang đi đúng hướng, và trên một số sản phẩm có mô hình có thể trở thành điển hình. Tức là tái cơ cấu trên ba nhóm sản phẩm đang đi đúng hướng, từng bước mang lại kết quả.

Ở khu vực nông nghiệp, doanh nghiệp tham gia chủ yếu là doanh nghiệp tư nhân, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp trong nước, trừ lĩnh vực thức ăn chăn nuôi gia súc, chế tạo giống. Thời gian tới, doanh nghiệp trong nước cũng sẽ chiếm thị phần chủ yếu, thể hiện hướng đi đúng với chủ trương tái cơ cấu nền kinh tế...

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung: Công tác an sinh xã hội được bàn bè Quốc tế đánh giá cao”

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung
Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: chinhphu.vn

Trước hết về an sinh xã hội, chăm sóc người có công, công tác thương binh, liệt sĩ; chăm lo cho người nghèo, các đối tượng chính sách... những năm gần đây công tác này được Đảng, Nhà nước và mọi tầng lớp nhân dân đặc biệt quan tâm với tinh thần tương thân, tương ái, bạn bè quốc tế đánh giá đây là một trong những điểm sáng trong bức tranh KT-XH nước ta...

Về chính sách nhà ở, Thủ tướng đã có quyết định phân bổ 8100 tỷ đồng để các địa phương triển khai xây dựng mới, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng trong năm 2018; hiện nay, chúng ta đang quan tâm, có nhiều chính sách hỗ trợ cho hơn 3 triệu người có hoàn cảnh khó khăn...

Nhà nước đã đầu tư 48 nghìn tỷ, thực hiện 21 chương trình mục tiêu để giảm nghèo bền vững, tập trung vào các lõi nghèo (các huyện 30a, các xã 135, xã bãi ngang...)... hiện tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,7%; 8 huyện thoát nghèo theo chương trình 30%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt và vượt chỉ tiêu...

Về lao động, thời gian qua việc chuyển dịch cơ cấu lao động đã diễn biến theo hướng tích cực; tỷ lệ lao động công nghiệp, dịch vụ, lao động làm công ăn lương tăng dần; tỷ lệ lao động thất nghiệp đã giảm so với thời kỳ trước... Tuy nhiên lao động phổ thông vẫn còn chiếm tỷ lệ cao, thiếu lao động giỏi, chuyên gia đầu ngành; việc làm cho thanh niên, sinh viên ra trường vẫn còn khó khăn; năng suất lao động tuy có chuyển biến, nhưng chưa được như kỳ vọng...

Thời gian tới Bộ sẽ tập trung đột phá vào công tác giáo dục nghề nghiệp. Thực hiện quy hoạch lại mạng lưới đào tạo, kiên quyết giảm những cơ sở hoạt động không hiệu quả; đẩy mạnh thực hiện chủ trương chuyển sang đào tạo theo địa chỉ, theo định hướng, theo đặt hàng, theo nhu cầu dự báo của thị trường lao động

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: “Công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, là một trong những động lực tăng trưởng”

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Ảnh: Quốc Khánh

Thứ nhất về phát triển xuất khẩu, thời gian qua xuất khẩu đã phát triển theo đúng định hướng; giảm xuất khẩu hàng thô sơ, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, chế tạo; hàng hóa Việt xuất khẩu sang nhiều thị trường lớn trên thế giới; 28 ngành hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD...

Tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, tồn tại cần tập trung khắc phục trong thời gian tới như: Xuất khẩu chưa bền vững, phụ thuộc một số thị trường trọng yếu, một số thị trường tăng trưởng nóng; khó khăn trong vấn đề tháo dỡ các rào cản quan thuế, hàng rào kỹ thuật, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc; vấn đề gắn kết giữa sản xuất với thị trường, tổ chức theo chuỗi giá trị...

Về phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, đây là một trong những động lực tăng trưởng, tuy nhiên vẫn tồn tại 2 vấn đề lớn cần khắc phụ như: Công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế về năng lực, trình độ nguồn nhân lực, quy mô sản xuất, khả năng tiếp cận thị trường khu vực và thế giới; chính sách chậm đáp ứng yêu cầu; cạnh tranh ngày càng gay gắt...

Về xử lý các dự án tồn tại, yếu kém, Chính phủ đã lập Ban Chỉ đạo xử lý do 1 Phó Thủ tướng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Công Thương làm Phó Trưởng ban, hiện đã hoàn thành đề án xử lý 12 dự án tồn đọng, phấn đấu hết 2018 sẽ xử lý cơ bản, đến 2020 hoàn thành xử lý các dự án này, đồng thời có giải pháp ngăn chặn để không xuất hiện thêm các trường hợp tương tự...

Hiện 2 dự án đã khắc phục được tồn tại đi vào hoạt động thương mại trở lại, bước đầu có lãi,... 4 dự án bước đầu giảm lỗ, từng bước đi vào hoạt động ổn định theo đúng lộ trình... Các cá nhân, tổ chức sai phạm liên quan đến các dự án sẽ được các cơ quan chức năng xử lý theo đúng quy định…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: “Loại bỏ ngay tâm lý sớm hài lòng thỏa mãn với kết quả tăng trưởng kinh tế trong quý I/2018”

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Quốc Khánh

Trước tiên về diễn biến tăng trưởng kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng GDP theo quý của năm 2018 sẽ không duy trì mô hình truyền thống đó là quý sau cao hơn quý trước mà có xu hướng giảm dần. Quý I tăng cao một phần do được so sánh với mức thấp của quý I/2017, trong đó các quý còn lại của 2018 chưa định hình yếu tố bứt phá rõ ràng như năm 2017 lại phải so sánh với mức khá cao của các quý cuối năm 2017. Điều này dẫn tới tâm lý sớm hài lòng thỏa mãn và đang làm mất đi động lực và niềm tin, thiếu kiên trì quyết liệt trong triển khai nhiệm vụ giải pháp đề ra, hoặc kỳ vọng quá cao về mức tăng trưởng cao ở các quý cuối năm nếu theo mô hình truyền thống.

Để khắc phục điều này Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành kiên định thực hiện nhiệm vụ giải pháp đề ra tại Nghị quyết 01. Đồng thời yêu cầu ngành, cấp tăng cường giải pháp bổ sung, đáp ứng diễn biến tình hình thực tế và chủ động xây dựng quyết tâm thực hiện mục tiêu, kịch bản tăng trưởng của từng ngành, lĩnh vực, địa phương. Phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2018 ở mức cao là 6,7%.

Về vấn đề giải ngân vốn đầu tư công và tốc độ giải ngân kế hoạch đầu tư vốn, Bộ trưởng cho biết, đầu tư ngân sách nhà nước của 4 tháng đầu năm 2018 đã có những bước cải thiện, trong đó riêng tháng 4 năm 2018 đã giải ngân bằng khoảng 45% tổng vốn giải ngân của cả 4 tháng đầu năm. Tuy nhiên, vẫn đang còn ở mức thấp, mặc dù Thủ tướng đã thực hiện giao kế hoạch vốn ngay từ đầu năm, đến nay 4 tháng thì giải ngân mới đạt 16,3%, thấp hơn so với cùng kỳ là 22,3%.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan về những quy định pháp lý, quy trình thủ tục, yếu tố thời vụ thấp vào đầu năm, cao vào cuối năm thì nguyên nhân chủ quan rất lớn, nhiều đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong công tác triển khai, từ khâu giao kế hoạch chi tiết hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, giải phóng mặt bằng đến khâu thanh toán giải ngân vốn đầu tư công.

Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt đối với việc đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và trong đó thì tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt có hiệu quả các nhiệm vụ giải pháp của Nghị quyết số 70 của Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo và đã trực tiếp kiểm tra, rà soát tình hình giải ngân tại các đơn vị Trung ương, địa phương và có kế hoạch vốn đầu tư công lớn nhưng tỷ lệ giải ngân còn chậm, để tìm ra những nguyên nhân cốt lõi tháo gỡ những khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Sẽ tiếp tục cải cách công tác quản lý thuế đảm bảo công khai, minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp”

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: Quốc Khánh

Chính sách thu tiếp tục được hoàn thiện theo hướng giảm nghĩa vụ nộp thuế, trong đó thuế TNDN đã giảm từ 23% xuống 20% năm 2016. Thực tế trong 2 năm, do thực hiện nhiều ưu đãi, miễn, giảm, nên thuế suất thực tế chỉ thu được khoảng 15%, riêng khu vực có vốn đầu tư nước ngoài khoảng trên 10%, các DN vừa và nhỏ được hưởng mức thuế ưu đãi thấp hơn. Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết hội nhập...

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa trong lĩnh vực thuế, hải quan. Đến nay, cơ bản tất cả các DN đã thực hiện tự khai, tự nộp thuế, thực hiện thủ tục hoàn thuế qua hệ thống điện tử. Đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử tại tất cả các đơn vị hải quan, triển khai cổng thanh toán điện tử, hệ thống VNACCS/VCIS tại các Cục Hải quan, triển khai Cơ chế một cửa quốc gia. Mở rộng kết nối thu thuế điện tử giữa cơ quan thuế, hải quan, ngân hàng thương mại với KBNN... góp phần nâng chỉ số xếp hạng cạnh tranh quốc gia...

Về tình hình chấp hành kỷ luật, kỷ cương tài chính, vừa qua, Quốc hội đã ban hành Luật NSNN, Luật KTNN, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Quản lý tài sản công… và nhiều luật khác, trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp và các đơn vị trong quản lý ngân sách. Cùng với việc đẩy mạnh phòng chống tham nhũng và xử lý nghiêm các sai phạm, về cơ bản, tình hình đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, đúng như Đại biểu Quốc hội nêu, tình trạng chấp hành kỷ luật NSNN ở nhiều nơi, nhiều chỗ còn chưa nghiêm, kể cả ở Trung ương và các địa phương, kể cả ở các cơ quan nhà nước lẫn các doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Trong đó:

Trong lĩnh vực thu NSNN, tình trạng kê khai thiếu số thuế phải nộp; gian lận thương mại, chuyển giá, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế còn xảy ra ở nhiều nơi, một phần trong số này đã được các cơ quan thanh tra, kiểm toán phát hiện và truy thu.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do công tác tuyên truyền, hỗ trợ pháp luật của cơ quan quản lý thu ngân sách chưa tốt và ý thức chấp hành pháp luật của DN, người nộp thuế chưa cao. Cùng với đó, vừa qua chúng ta thay đổi cơ chế quản lý về thuế, từ tiền kiểm sang hậu kiểm và quản lý rủi ro. Theo đó, các DN tự khai, tự nộp thuế, làm thủ tục hoàn thuế qua mạng điện tử, hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế, hải quan với DN và người nộp thuế. Việc chuyển đổi cơ chế quản lý này là phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi cho DN, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh. Tuy nhiên, cơ chế này cũng còn kẽ hở để cho các đối tượng nộp thuế lợi dụng, chiếm đoạt tiền thuế.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng đây là hướng đi đúng, cần kiên trì thực hiện. Vấn đề là phải có những giải pháp để khắc phục điểm yếu của cơ chế này. Theo đó là:

Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp lý về quản lý thuế, đảm bảo chặt chẽ; có các tiêu chí phân nhóm phân loại rủi ro để có phương thức quản lý phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch. Gần đây nhất, chúng tôi trình Chính phủ Nghị định về hoá đơn điện tử, làm được hoá đơn điện tử nữa thì chắc chắn việc quản lý thuế, cơ sở thuế sẽ tốt hơn.

Cùng với đó, để triển khai NQ 07 của Bộ Chính trị, NQ 25 của QH, chúng tôi tiếp tục hoàn thiện thể chế về thu NS và định hướng một số luật như sau:

Về Luật thuế GTGT, tiếp thu ý kiến DN, người dân, chuyên gia, các cơ quan, chúng ta giữ mức thuế phổ thông ở mức 10%, không thuế GTGT nâng lên 11 – 12% như dự thảo ban đầu, kết cấu lại các hàng hoá, dịch vụ chịu thuế 0%, 5%, đảm bảo công bằng, hạn chế các chính sách an sinh xã hội được lồng ghép trong chính sách thuế làm mất tính trung lập của thuế.

Về thuế BVMT, thuế TTĐB, nghiên cứu theo hướng mở rộng đối tượng, mở rộng cơ sở thu thuế, điều chỉnh mức thuế hợp lý, phù hợp với nhu cầu bảo vệ môi trường và định hướng tiêu dùng trong tình hình mới.

Về Thuế Tài sản, nghiên cứu theo hướng tạo công bằng xã hội, trên cơ sở quản lý xã hội, định hướng thị trường, đảm bảo công khai, minh bạch tài sản, dảm bảo công tác phòng chống tham nhũng. Mục tiêu tăng thu ngân sách là mục tiêu thứ yếu. Phương án ban đầu nghiên cứu đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để hoàn chỉnh trong thời gian tới.

Thứ hai, cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của doanh nghiệp, người nộp thuế thông qua công tác tuyên truyền pháp luật về thuế và các biện pháp cưỡng chế thuế; đẩy mạnh hoạt động của các trung gian tư vấn thuế.

Thứ ba, tăng cường hoạt động của các cơ quan thanh tra, kiểm toán, kế toán, xác định đúng trọng tâm, đối tượng, địa bàn, lĩnh vực có rủi ro cao, để xử lý nghiêm các sai phạm theo quy định pháp luật…