Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Hà Tĩnh làm tốt công tác bồi thường sự cố môi trường biển, cần tiếp tục chủ động kiểm soát môi trường!

Trong nước - Ngày đăng : 18:12, 16/05/2018

(TN&MT) - Sáng 16/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã về thăm bà con một số huyện ở vùng ven biển Hà Tĩnh, nhằm đánh giá kết quả...
(TN&MT) - Sáng 16/5, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác Chính phủ đã về thăm bà con một số huyện ở vùng ven biển Hà Tĩnh, nhằm đánh giá kết quả thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường biển. Đi cùng Phó Thủ tướng có các lãnh đạo Bộ, ngành và tỉnh Hà Tĩnh.
 
Phó Thủ tướng cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi đời sống người dân khu vực chịu ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển, trao quà cho một số hộ gia đình chịu nhiều thiệt hại, hiện có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở thôn Trung Tân, xã Kỳ Khang, huyện Kỳ Anh(Hà Tĩnh) và đến kiểm tra thực tế tại Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên).
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân xã Kỳ Khang
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân xã Kỳ Khang
Báo cáo với Phó Thủ tướng, lãnh đạo Tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Sự cố môi trường biển đã gây ảnh hưởng trên 400 thôn/xóm thuộc 67 xã/phường/thị trấn của 7 huyện/thành/thị trên địa bàn Hà Tĩnh; UBND tĩnh đã thẩm tra, phê duyệt bồi thường, hỗ trợ cho hơn 60.800 đối tượng với số tiền 1.748 tỷ đồng; đến nay, việc chi trả tiền cho người dân trong số đã phê duyệt đã cơ bản hoàn thành (với 1.734/1.748 tỷ đồng, đạt 99,1%), số kinh phí còn lại chưa chi trả do đối tượng đi lao động nước ngoài hoặc dừng chi trả để giải quyết đơn thư phản ánh sau công khai.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm hỏi người dân xã Kỳ Khang
Phó Thủ tướng ân cần động viên người dân vượt qua khó khăn
Đến kiểm tra thực tế tại Khu du lịch Thiên Cầm (Cẩm Xuyên), Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và đoàn nghe báo cáo tình hình hoạt động chung của khu du lịch cũng như hệ thống cơ sở kinh doanh dịch vụ. Nhờ làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền nên đến nay, lượng khách đến với Thiên Cầm đã tăng trưởng nhanh. Từ đầu năm đến nay, Thiên Cầm đã đón trên 120.000 khách về nghỉ dưỡng, tắm biển. Hoạt động buôn bán, kinh doanh diễn ra thuận lợi, mang lại thu nhập lớn cho các hộ dân.
 
Tiếp đến, thăm người dân thôn Trung Tân, xã Kỳ Khang, thị xã Kỳ Anh, nắm bắt kết quả bồi thường, hỗ trợ thiệt hại do sự cố môi trường, Phó Thủ tướng đã lắng nghe những chia sẽ, tâm tư nguyện vọng của người dân, đồng thời yêu cầu Bộ TN&MT cùng các bộ, ngành chức năng và tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ mọi diễn biến, hoạt động tác động tiêu cực đến môi trường, quan tâm đến chính sách, động viên người dân ra khơi, bám biển.
Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Hà Tĩnh đã đạt được trong công tác triển khai bồi thường sự cố môi trường biển
Phó Thủ tướng đánh giá cao những kết quả mà Hà Tĩnh đã đạt được trong công tác triển khai bồi thường sự cố môi trường biển
Phó Thủ tướng vui mừng khi biết tình hình sản xuất được phục hồi, bà con phấn khởi, an ninh trật tự được đảm bảo. Ông Lê Văn Đức, người dân thôn Trung Tân, xã Kỳ Khang chia sẽ trước sự thăm hỏi ân cần của Phó thủ tướng:  Hai vợ chồng có gần 30 năm bám biển, sau sự cố môi trường gia đình được bồi thường gần 80 triệu đồng. Sự cố môi trường biển là điều không ai mong muốn, làm ảnh hưởng đến rất nhiều đến cuộc sống người dân, tuy nhiên, nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, người dân chúng tôi gần như đã trở lại cuộc sống bình thường vốn có, dung số tiền bồi thường mua sắm thêm thiết bị, đầu tư phương tiện ra khơi.
 
“Thôn Trung Tân, xã Kỳ Khang có 410 hộ, 1230 khẩu. Sau sự cố môi trường biển, số lao động bị thiệt hại của địa phương là 686 người, tổng số tiền bồi thường là  gần 16 tỷ đồng. Nhờ quá trình triển khai thực hiện bồi thường được thực hiện minh bạch nên đến nay đã hoàn thành việc chi trả cho người dân, người dân dân vui vẻ , phấn khơi và không xẩy ra bất kỳ vướng mắc nào” , ông Nguyễn Viết Xuân - Trưởng thôn Trung Tân chia sẻ.
Người dân phấn khởi khi được nhận tiền bồi thường, sắm sửa ngư cụ tiếp tục vươn khơi
Người dân phấn khởi khi được nhận tiền bồi thường, sắm sửa ngư cụ tiếp tục vươn khơi
Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ân cần thăm hỏi, động viên bà con tiếp tục nỗ lực để vượt qua khó khăn, nhanh chóng ổn định sản xuất.  Phó Thủ tướng đánh giá cao Đảng bộ, Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh về tinh thần trách nhiệm, vượt qua khó khăn, đưa ra những giải pháp hợp lý cùng Chính phủ giải quyết sự việc và yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chủ động, ưu tiên kiểm soát vấn đề môi trường một cách minh bạch. Chính quyền địa phương cũng cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ cụ thể, phù hợp với những hộ dân bị thiệt hại trong sự cố môi trường biển.
 
"Những hộ gia đình bị thiệt hại trong sự cố môi trường biển vừa qua đến nay đã nhận được bồi thường nhưng chắc chắc sẽ vần còn nhiều dư âm, cần phải tiếp tục quan tâm để người dân tái cấu trúc sản xuất, đảm bảo an ninh trật tự. Hơn lúc nào hết, chính quyền cơ sở phải phát huy lợi thế của mình hỗ trợ người dân một cách cụ thể nhất, hữu hiệu nhất để bà con ổn định phát triển sản xuất - Phó Thủ tướng căn dặn.
Phó Tướng vui mừng khi khi biết tình hình sản xuất được phục hồi, bà con phấn khởi, an ninh trật tự được đảm bảo
Phó Tướng vui mừng khi khi biết tình hình sản xuất được phục hồi, bà con phấn khởi, an ninh trật tự được đảm bảo
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu địa phương tiếp tục quan tâm, hỗ trợ bà con đổi mới thiết bị đánh bắt, nâng cao hiệu quả đánh bắt bảo đảm sinh kế ổn định, lâu dài, tạo ra giá trị sản xuất mới, năng suất cao; tiếp tục giải quyết những trường hợp chưa nhận tiền đền bù. 
 
Cũng trong chuyến công tác, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đến thị sát khu vực Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Phó Thủ tướng đã đến kiểm tra tình hình hoạt động của nhà máy cũng như các công trình bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nắm bắt công tác chuẩn bị cho việc vận hành lò cao số 2.
 
Theo báo cáo từ phía Formosa, đến nay, lò cao số 1 đang hoạt động ổn định với 100% công suất, mỗi ngày sản xuất hơn 9.000 tấn gang lỏng để chuyển sang luyện, cán thép. Đối với hạng mục lò cao số 2, đã hoàn thành việc xây dựng, sẵn sàng cho việc vận hành thử nghiệm trong tháng 5.
 
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đánh giá cao những nỗ lực của Formosa Hà Tĩnh trong khắc phục sự cố môi trường biển, nhất là đầu tư khắc phục các khiếm khuyết trong công nghệ sản xuất; công khai, minh bạch các thông số về môi trường để người dân giám sát.
 
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, sự cố môi trường biển là bài học không chỉ cho Formosa mà còn cả các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác. Việc phát triển kinh tế phải gắn liền với bảo vệ môi trường, đây là điều kiện tiên quyết cho phát triển bền vững. Chính vì vậy, doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường công tác kiểm soát các nguồn thải, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, đảm bảo an toàn trong sản xuất, nhất là môi trường, lao động, cháy nổ.
 
Formosa Hà Tĩnh phải đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thiện và đưa vào sử dụng hệ thống dập cốc ướt sang dập cốc khô theo cam kết. Các bộ, ngành liên quan, chính quyền Hà Tĩnh cần tăng cường công tác quản lý nhà nước, đảm bảo ANTT và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư phát triển.
 
Box: Theo báo cáo mới nhất của tỉnh Hà Tĩnh, sự cố môi trường biển đã gây ảnh hưởng trên 400 thôn/xóm thuộc 67 xã/phường/thị trấn của 7 huyện/thành/thị trên địa bàn Hà Tĩnh. Đối tượng bị ảnh hưởng thuộc diện bồi thường, hỗ trợ theo quy định của trung ương rất lớn.
 
Trong đó gồm: hơn 6.000 tàu cá; 2.259 ao, hồ, bãi triều nuôi trồng thủy sản mặn lợ; 31.692m3 nuôi lồng bè mặn lợ; 127 ha sản xuất muối, nhiều cơ sở kinh doanh, buôn bán, chế biến thủy hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, nhiều cửa hàng ăn uống phục vụ khách du lịch, với hơn 60.000 lao động và các đối tượng khác theo quy định...
 
Đến nay, việc chi trả tiền cho người dân trong số đã phê duyệt đã cơ bản hoàn thành (với 1.734/1.748 tỷ đồng, đạt 99,1%), số kinh phí còn lại chưa chi trả do đối tượng đi lao động nước ngoài hoặc dừng chi trả để giải quyết đơn thư phản ánh sau công khai.
 
Trong đó: bồi thường, hỗ trợ theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg và Quyết định số 309/QĐ-TTg là 1.638,2 tỷ đồng; theo Văn bản 1826/TTg-NN là 109,8 tỷ đồng; giá trị còn tồn đọng chưa phê duyệt khoảng hơn 10 tỷ đồng (số liệu này đang tiếp tục soát xét hồ sơ, trường hợp đủ điều kiện sẽ được thẩm định, bồi thường theo quy định).