Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn cho đầu tư xây dựng

Trong nước - Ngày đăng : 14:03, 20/04/2018

Nhấn mạnh việc tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà trong đầu tư xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, những thái độ vô...

 

 

 

Sáng 20/4, tại Hà Nội, Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực đầu tư xây dựng được tổ chức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trịnh Đình Dũng chủ trì Hội nghị.
 

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà;  lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, các chuyên gia, nhà khoa học. Lãnh đạo các địa phương tham dự Hội nghị qua hình thức trực tuyến.
 

HIEU6420
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị


Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng để nhận diện thật rõ những khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, từ đó giúp Chính phủ, các bộ, ngành đề ra những giải pháp khắc phục có hiệu quả, phát triển bền vững hoạt động đầu tư xây dựng - một trong những lĩnh vực sản xuất quan trọng nhất của nền kinh tế.
 

Hoạt động đầu tư xây dựng có phạm vi rất rộng, phức tạp, có đặc thù riêng và cần có sự kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm an toàn công trình, tính mạng và tài sản của người dân, bảo đảm hiệu quả quản lý sử dụng vốn, chống lãng phí, thất thoát.
 

Vì vậy, đến thời điểm này, các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành và hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn đầu tư, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.
 

Thời gian qua, hệ thống pháp luật trong đầu tư xây dựng đã ngày càng được hoàn thiện góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, chất lượng công trình được nâng cao. Nhiều khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách có liên quan đến đầu tư xây dựng đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vướng mắc, khó khăn cần được tiếp tục đánh giá và có giải pháp tháo gỡ.
 

HIEU6282
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị


Vướng mắc ở tất cả các giai đoạn
 

Theo Bộ Xây dựng – cơ quan được giao chủ trì tổ chức Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc hiện có ở tất cả các giai đoạn của quá trình đầu tư xây dựng, từ chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, đến kết thúc dự án đưa vào sử dụng.
 

Giai đoạn chuẩn bị đầu tư bắt đầu từ khi xin chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có quyết định đầu tư. Các hoạt động chính trong giai đoạn này gồm lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, quyết định đầu tư.
 

Trong giai đoạn này, ghi nhận rất nhiều khó khăn, vướng mắc, liên quan chủ yếu đến Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Xây dựng.
 

Chẳng hạn, quy định về vốn giữa các luật chưa thống nhất, gây khó khăn cho người thực hiện. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa thống nhất, chưa kế thừa lẫn nhau với kế hoạch tài chính 05 năm và kế hoạch tài chính-ngân sách Nhà nước 03 năm.
 

Quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh ủy quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương cho cơ quan cấp dưới không phù hợp với Luật Tổ chức chính quyền địa phương…
 

Liên quan đến Luật Bảo vệ môi trường, yêu cầu phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường tại giai đoạn đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư hiện cũng đang gây khó cho doanh nghiệp do các dữ liệu liên quan đến dự án tại giai đoạn này không đủ chi tiết, chỉ mang tính chất sơ bộ, chưa đủ điều kiện để lập báo cáo đánh giá tác động môi trường.
 

Giai đoạn thực hiện dự án bắt đầu từ khi có quyết định phê duyệt dự án đến khi kết thúc xây dựng. Trong giai đoạn này, các vướng mắc chủ yếu liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư:
 

Tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng thường bị kéo dài. Thời gian hoàn thành công tác đền bù, giải phóng mặt bằng bình quân mất khoảng 20 tháng, đặc biệt nhiều dự án bị kéo dài từ 5 đến 10 năm do đơn giá đền bù  đất, công trình trên đất chưa theo cơ chế thị trường; công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa theo quy hoạch được duyệt làm tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.
 

Bên cạnh đó, quy định về thời hạn chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đầu tư và Luật Đất đai chưa thống nhất gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước về đầu tư. 
 

Liên quan đến Luật Xây dựng, quy định cá nhân là người nước hoạt động xây dựng tại Việt Nam trên 6 tháng phải thực hiện việc chuyển đổi chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng chưa rõ, khoảng thời gian 6 tháng tính cho một lần huy động hay tổng thời gian huy động chuyên gia thực hiện gói thầu. Điều này gây ra lúng túng cho chủ đầu tư trong quá trình quản lý điều kiện năng lực của tư vấn cá nhân là người nước ngoài.
 

Liên quan đến Luật Đấu thầu, những khó khăn vướng mắc ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp và cơ quan quản lý Nhà nước như chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, nội dung phương án thực hiện lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt; Thời gian lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành khá dài, dẫn tới tâm lý ngại nghiên cứu, chuẩn bị dự án bài bản và xu hướng muốn áp dụng hình thức chỉ định nhà đầu tư của một số bộ, ngành, địa phương. Quy định sơ tuyển, đấu thầu quốc tế lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án nhóm B trở lên chưa phù hợp. Dự án nhóm B có tổng vốn đầu tư thấp (từ 45 tỷ  đồng trở lên), việc bắt buộc áp dụng sơ tuyển rộng rãi quốc tế và đấu thầu quốc tế có thể gây kéo dài thời gian và không thu hút nhà đầu tư quốc tế.
 

Trong giai đoạn kết thúc xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác, hiện còn nhiều vướng mắc khiến dự án kết thúc giai đoạn xây dựng nhưng không thể đưa vào vận hành, khai thác; Thời gian quyết toán vốn dự án hoàn thành của nhiều dự án bị kéo dài so với quy định. Theo thống kê, năm 2016, có tới 12.255 dự án vi phạm thời gian quyết toán (chiếm trên 14% dự án hoàn thành), trong đó hơn 5.400 dự án vi phạm thời gian quyết toán trên 2 năm, tăng hơn 1.100 dự án (27%) so với năm 2015.
 

Nguyên nhân là do nhiều dự án thiếu các cơ sở pháp lý, thành phần hồ sơ chất lượng chưa đầy đủ; chủ đầu tư, ban quản lý dự án thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế; quá trình thanh toán, quyết toán hợp đồng xây dựng chưa tuân thủ chặt chẽ các thoả thuận trong hợp đồng, pháp luật về hợp đồng xây dựng.
 

Công tác nghiệm thu, bàn giao, tiếp nhận quản lý, duy tu, bảo dưỡng công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển đô thị giữa nhà đầu tư và cơ quan quản lý Nhà nước còn chậm do quy định về tham gia nghiệm thu công trình hạ tầng kỹ thuật thuộc dự án phát triển khu đô thị của cơ quan quản lý Nhà nước có liên quan chưa đầy đủ, chưa rõ.
 

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất đai, mua bán, cấp giấy chứng nhận một số loại hình bất động sản mới như căn hộ - du lịch (condotel), căn hộ – văn phòng (officetel), shop-house, biệt thự du lịch còn gặp khó khăn.

 

Phát biểu kết luận Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng hôm nay (20/4), Thủ tướng cho rằng, nếu tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm đến 32% GDP mà chúng ta không thúc đẩy khâu này thì gặp khó khăn, đất nước không phát triển được. “Nơi nào, tỉnh nào, thành phố nào có nhiều công trình được khởi công, hoàn thành thì tỉnh đó mới phát triển, đất nước mới phát triển”.
 

Với tinh thần đó, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung tháo gỡ thể chế pháp luật, nhất là những thủ tục rườm rà, những thái độ vô cảm, vô trách nhiệm của một số cơ quan, cá nhân làm chậm trễ quá trình đầu tư xây dựng. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho phát triển đầu tư xây dựng là một yêu cầu, trong đó tháo gỡ, tạo mọi điều kiện cho đầu tư tư nhân, xã hội hóa nguồn lực, với yêu cầu làm theo quy hoạch, bảo đảm an toàn lao động, an toàn công trình. Mặt khác, “đối với chúng ta ngồi trong hội trường này thì phải tăng cường quản lý đầu tư công để chống thất thoát, tham nhũng”.
 

Chấm dứt ngay tình trạng “có 300 lạng việc này mới xong”
 

Thủ tướng nhấn mạnh, quản lý đầu tư công chặt chẽ đồng thời chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân, doanh nghiệp là rất quan trọng, là yêu cầu đối với tất cả cán bộ, công chức.
 

Cho rằng cần lo việc gỡ vướng về thể chế, Thủ tướng nêu thực trạng, hệ thống thể chế chính sách, pháp luật còn chồng chéo với nhiều luật, hơn 100 nghị định, hàng trăm thông tư hướng dẫn, hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức. Hay là sự phức tạp với hơn 45 thủ tục khác nhau trong khâu chuẩn bị đầu mục dự án đưa vào sử dụng, rồi sự không thống nhất giữa các bộ luật. Thực trạng nữa là tính kỷ luật hành chính còn lỏng lẻo như không thực hiện đúng quy chế làm việc của Chính phủ, không thực hiện đúng chức năng thẩm định, đùn đẩy, tránh né trách nhiệm, người dân, doanh nghiệp vướng mắc không được bộ, ngành, địa phương tháo gỡ, hướng dẫn thực hiện. Thậm chí, còn tình trạng “ngâm” hồ sơ rất lâu, nhất là đối với dự án đô thị, dự án xây dựng, dự án bất động sản.
 

Trước tình trạng này, Thủ tướng nêu rõ 2 phần trong việc tháo gỡ. Đối với các thể chế pháp luật thuộc thẩm quyền Quốc hội thì nghiên cứu, sớm trình Quốc hội. Đối với các nghị định, thông tư, những quy định do Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương ban hành thì cần sửa ngay, để tạo điều kiện cho phát triển, “nhất là sửa tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp của tất cả cán bộ, công chức”.
 

“Ai ngâm lâu hồ sơ, đúng quy chế kỷ luật thì phải xử lý”, Thủ tướng nhấn mạnh. “Ta chống cái làm chậm, ngâm lâu, phải yêu cầu làm nhanh nhưng không được làm ẩu, trái pháp luật”.
 

Thủ tướng còn nhắc đến các tồn tại nổi cộm khác như hiện tượng lãng phí trong đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước còn lớn. Lãng phí trong khâu phê duyệt dự án như chuẩn bị dự án chưa tốt, phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư không sát thực tế, thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, điều chỉnh dự án đầu tư; lãng phí trong bố trí vốn và thực hiện dự án; lãng phí ngay từ khâu thiết kế, xây dựng chính sách, chương trình.
 

Nhiều trường hợp, do yêu cầu của các cơ quan thực hiện thủ tục hành chính, chủ đầu tư phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ nhiều lần, phải liên hệ giao dịch với nhiều cơ quan khác nhau, nên mất nhiều thời gian và tốn kém chi phí của chủ đầu tư.
 

Tình trạng tham nhũng, bôi trơn, chi phí không chính thức còn nặng nề, diễn ra ở nhiều khâu, phức tạp, khó kiểm soát, từ khâu quy hoạch, chủ trương dự  án, nghiên cứu dự án, quyết định phê duyệt dự  án, giải ngân, đấu thầu, thuế, kho bạc, nghiệm thu... đều có hình bóng của tiêu cực. “Chúng ta phải chống cái này cho bằng được”, Thủ tướng nói, không để tình trạng “có 300 lạng việc này mới xong”. Do đó, vấn đề công khai minh bạch trong đầu tư xây dựng rất quan trọng.

 

Dẹp bỏ ngay tình trạng “quân xanh, quân đỏ”
 

Chỉ ra tình trạng chọn nhà thầu tùy tiện, “đất mà tự giao nhà đầu tư làm thì thất thoát lớn”, Thủ tướng yêu cầu, không được bán chỉ định. Tài sản đất đai phải đấu giá công khai để thu lợi cho Nhà nước là một yêu cầu hiện nay. “Chúng ta bị thất thoát trong vấn đề này rất lớn, cần phải chấn chỉnh. Không được quân xanh, quân đỏ, phải dẹp ngay tình trạng này”.
 

Tình trạng ôm đồm, không phân cấp triệt để, tình trạng thiếu quy hoạch chi tiết dẫn tới xin-cho còn diễn ra trong các dự án đầu tư xây dựng mà chúng ta cần khắc phục.
 

Trước tồn tại, bất cập nêu trên, Thủ tướng nêu hàng loạt định hướng tháo gỡ, khắc phục. Đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án đầu tư triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao.
 

Đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư kinh doanh theo hướng: Các điều kiện đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính không cần thiết thì kiên quyết loại bỏ hoặc lồng ghép trong các thủ tục khác.
 

Hoan nghênh nhiều bộ đã công bố cắt giảm trên 50% điều kiện kinh doanh, Thủ tướng mong Bộ Xây dựng cần sớm công bố việc cắt giảm này. Bộ Xây dựng cũng như các bộ, ngành, địa phương cần tiếp thu các ý kiến, khẩn trương giải quyết các kiến nghị, tháo gỡ những vướng mắc khó khăn của các hiệp hội, chủ đầu tư, các doanh nghiệp để có văn bản chỉ đạo cắt giảm ngay các thủ tục không cần thiết.
 

Hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, hệ thống định mức và giá xây dựng… để tăng cường quản lý đầu tư xây dựng.
 

Không thanh tra, kiểm tra chồng chéo kéo dài đối với các công trình xây dựng nhưng thanh tra một lần và kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm.
 

Phải tăng cường đối thoại tháo gỡ khó khăn vướng mắc vì nhiều vấn đề không thể tháo gỡ ngay được.
 

Giao nhiệm vụ sửa đổi hàng loạt thể chế, chính sách
 

Tại Hội nghị, Thủ tướng giao hàng loạt nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương, tập trung nhiều vào việc sửa đổi thể chế, chính sách pháp luật.
 

Trước hết, đối với Bộ Xây dựng, cần hoàn thiện, trình Quốc hội dự án Luật Quản lý phát triển đô thị trong đó làm rõ các nội dung còn vướng mắc hiện nay.
 

Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật sửa 4 Luật: Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản và Quy hoạch đô thị trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6.
 

Khẩn trương xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 32 về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, Nghị định số 37 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự  án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công theo hướng sửa đổi tiêu chí phân loại dự án; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư... Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp theo hướng: Sửa đổi đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư; tiêu chí xác định các dự án đầu tư thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng...
 

Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu và Nghị định số 30/2015/NĐ-CP về lựa chọn nhà đầu tư theo hướng mở rộng phạm vi chỉ định thầu đối với một số loại quy hoạch xây dựng thuộc đối tượng phải thi tuyển ý tưởng quy hoạch; sửa đổi quy trình, hình thức lựa chọn nhà đầu tư... nhằm khắc phục những bất cập trong lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch vốn đầu tư; quyết định chủ trương đầu tư; công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư...
 

Bộ Tài chính nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng thống nhất về thẩm quyền quyết định đầu tư với pháp luật về xây dựng...
 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan soạn thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai theo hướng thống nhất về thời gian chậm triển khai thực hiện dự án bị thu hồi đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư; mở rộng các hình thức bảo đảm thực hiện dự án; đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
 

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm nghiên cứu, trả lời đúng trọng tâm, nội dung kiến nghị và kịp thời đối với các vướng mắc, kiến nghị thuộc phạm vi quản lý của mìnht theo hướng các vướng mắc, kiến nghị đã được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng do cách hiểu và vận dụng chưa thống nhất thì cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất. Các vướng mắc, kiến nghị chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật hoặc đã được quy định nhưng còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa phù hợp thì cần nghiêm túc nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, xử lý hoặc đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý kịp thời. Các vướng mắc, kiến nghị phát sinh do hạn chế trong công tác tổ chức thực hiện thì cần kịp thời chấn chỉnh, nâng cao chất lượng tổ chức thực hiện.
 

Các văn bản trả lời vướng mắc, kiến nghị phải được gửi đến cá nhân, tổ chức có kiến nghị; đồng thời, gửi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiệp hội, đăng tải trên Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị.
 

Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ  tổng hợp, gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các vướng mắc, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp gửi đến qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị; đăng tải các nội dung trả lời vướng mắc, kiến nghị ngay sau khi nhận được văn bản trả lời của các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
 

Sau hội nghị này, Văn phòng Chính phủ chủ trì xây dựng, hoàn thiện Nghị quyết về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong đầu tư xây dựng.