Thủ tướng Chính phủ đối thoại nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân

Trong nước - Ngày đăng : 17:19, 09/04/2018

(TN&MT) - Ngày 9/4) tại Hải Dương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc đối thoại trực triếp với gần 500 nông dân trên cả nước nhằm tháo gỡ vướng mắc, cho nông dân tạo đà cho việc phát triển trong tương lai.
1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc đối thoại trực triếp với gần 500 nông dân trên cả nước nhằm tháo gỡ vướng mắc.

Tham dự buổi đối thoại có các thành viên Chính phủ, gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ NN - PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Nguyễn Thị Phương Hoa… cùng lãnh đạo các bộ ngành tham dự đối thoại.

Hội nghị có sự hiện diện của gần 500 nông dân đến từ mọi miền Tổ quốc và tỉnh Hải Dương. Đây là lần đầu tiên, sau rất nhiều năm, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đối thoại với nông dân cho thấy Chính phủ rất quan tâm tới nông dân, nông nghiệp, nông thôn... Bởi vấn đề hiện nay, vì sao 70% người dân sống ở nông thôn, nhưng sản xuất nông nghiệp chỉ đóng 15-16% GDP?

2
Hơn 500 nông dân đến từ mọi miền tổ quốc mong muốn sẽ tháo gỡ được khó khăn và đưa Nông nghiệp ngày càng phát triển


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh các cơ quan khối Đảng, Quốc hội, các bộ, ngành và 500 nông dân có mặt tại hội nghị để cùng trao đổi, cùng giải quyết những vướng mắc, khó khăn đang đặt ra trong sản xuất nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay. Qua đó, Thủ tướng bày tỏ trăn trở: Tại sao với 70% người dân sống ở nông thôn như hiện nay nhưng sản xuất nông nghiệp chỉ đóng góp cho GDP của đất nước 15-16%? Điều này đặt ra cho sản xuất nông nghiệp nhiều vấn đề về: thị trường, đất đai, công nghệ, đầu ra cho nông nghiệp, nông thôn mới…

Thủ tướng nhất mạnh xây dựng nông thôn mới phải bao gồm cả hạ tầng và đời sống tinh thần của nhân dân. Lợi thế nông nghiệp Việt Nam rất lớn, nhưng vẫn có một bộ phận nông dân khó khăn, nghèo túng. Do đó, Chính phủ luôn sẵn sàng trao đổi, tạo điều kiện về pháp lý, cơ chế chính sách tốt nhất để nâng cao đời sống nhân dân. Thủ tướng cũng thừa nhận, hiện nay vẫn có tình trạng được mùa rớt giá trong sản xuất nông sản. Thủ tướng yêu cầu phải tìm thị trường cho nông sản. Việc tìm thị trường là vai trò và trách nhiệm của Nhà nước, nhưng doanh nghiệp và người nông dân cũng phải tích cực chủ động. Vấn đề khắc phục bất cập thị trường tiêu thụ, Thủ tướng yêu cầu phải đẩy mạnh quy hoạch, không thể sản xuất ào ào… việc phát triển các nhà máy chế biến và kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, bộ, ngành phải thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và xây dựng HTX để giúp nông dân tiêu thụ nông sản. Cần hình thành 6 nhà liên kết với nhau, sẽ giúp tiêu thụ nông sản thành công gồm nhà nước, nhà khoa học, nhà băng, nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà phân phối. Thủ tướng nhấn mạnh 8 nội dung lớn cần triển, để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân, nông thôn mới. Theo đó, trước hết về tầm nhìn phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia cả trước mắt và lâu dài. Hướng tới nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ. Tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn; xây dựng lực lượng nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực.

Thủ tướng cho rằng: các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Theo Thủ tướng, cần tập trung quyết liệt triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đẩy mạnh phát triển chế biến sâu, sản phẩm mới, nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn. Đồng thời, có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua. Tăng cường dân chủ cơ sở, thường xuyên đối thoại với nông dân, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội nông dân các cấp để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, nắm bắt khó khăn, vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, hỗ trợ bà con, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, các Bộ, ngành, địa phương tăng cường cải cách hành chính, cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư trong nông nghiệp, phải sát cơ sở hơn. Khuyến khích các doanh nghiệp có chiến lược kinh doanh rõ nét, tập trung xây dựng các chuỗi giá trị nông nghiệp, thực tâm thiết lập quan hệ đối tác với nông dân.