Hoàn thiện Đề án ổn định dân cư, phát triển KTXH vùng tái định cư thủy điện Sơn La
Trong nước - Ngày đăng : 17:10, 05/04/2018
Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về công tác ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La.
Khu vực Tây Bắc là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò rất lớn đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Những năm qua, kinh tế xã hội toàn vùng và tỉnh Sơn La đã có những bước phát triển rất quan trọng, theo báo cáo của tỉnh Sơn La, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Sơn La năm 2017 đạt 7,32%, khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,11%, công nghiệp - xây dựng tăng 18,02%, dịch vụ tăng 6,47%; thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.500 tỷ đồng, bằng 118,5% dự toán nhà nước giao; chính trị - xã hội được ổn định, quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường.
Từ năm 2003 đến nay, sau hơn 15 năm thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, đã hoàn thành di chuyển toàn bộ 20.340 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ, đáp ứng được tiến độ tích nước hồ chứa và hoàn thành xây dựng nhà máy thủy điện Sơn La vượt tiến độ 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội. Hầu hết các hộ tái định cư về nơi ở mới đã tự xây dựng nhà ở tốt hơn nơi ở cũ; các công trình cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư đã được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch; đời sống của người dân tại các khu, điểm tái định cư được cải thiện và nâng lên đáng kể so với trước khi di chuyển; việc tổ chức sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người tái định cư đạt nhiều kết quả tích cực; công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện Dự án được thực hiện kịp thời, bám sát các chủ trương, chính sách, quy định của nhà nước trong quá trình thực hiện.
Tuy nhiên, công tác di dân, tái định cư dự án thủy điện Sơn La vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục có hiệu quả, cụ thể: Đời sống của người dân tuy đã được cải thiện, nhưng còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm nhưng vẫn còn cao, thu nhập bình quân đầu người tuy tăng so với thời điểm trước khi di chuyển nhưng vẫn còn ở mức thấp, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo trong thời gian tới; lực lượng lao động trong vùng tái định cư chủ yếu là lao động nông nghiệp và chưa qua đào tạo (chiếm 71,52% tổng số lao động tái định cư); tỷ lệ lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nghề khác (dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch) còn thấp (khoảng 10,2% tổng số lao động tái định cư); việc xây dựng các phương án chuyển đổi sản xuất, nghề nghiệp và việc làm cho người dân thuộc dự án di dân, tái định cư còn chậm; các công trình cơ sở hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng còn chưa đáp ứng yêu cầu.
Để triển khai chủ trương của Đảng, Nhà nước và từ thực tiễn nêu trên, việc xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La là cần thiết và cấp bách.
Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hoàn thiện Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 4/2018.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ, cơ quan liên quan, cân đối bố trí nguồn vốn thực hiện Đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho Đề án; hướng dẫn Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất phương án sử dụng nguồn trích khấu hao để hỗ trợ vốn thực hiện Đề án theo đúng quy định; báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
UBND các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện Đề án; cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.