Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời phỏng vấn Financial Times và Nikkei
Trong nước - Ngày đăng : 23:51, 29/03/2018
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có cuộc trả lời phỏng vấn Thời báo Tài chính (Financial Times) và Thời báo Kinh tế Nikkei. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu nội dung trả lời phỏng vấn của Thủ tướng.
Chúng tôi được biết cuối tuần này Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng lần thứ 6 sẽ được tổ chức tại Việt Nam. Xin Thủ tướng cho biết Việt Nam mong đợi gì từ Hội nghị này?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Cuối tuần này, Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Tiểu vùng Mekong Mở rộng lần thứ 6 (GMS 6) sẽ diễn ra với sự tham dự của lãnh đạo 5 nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị.
Việt Nam đang tích cực cùng các nước GMS chuẩn bị để lãnh đạo các nước sẽ thống nhất được những quyết định chiến lược như Kế hoạch Hành động Hà Nội 2018-2022, Khung đầu tư khu vực đến năm 2022 với hơn 200 dự án, chương trình đầu tư trị giá 65 tỉ đô la. Bên cạnh đó, hợp tác GMS sẽ kết nối hài hòa với các cơ chế hợp tác khu vực như ASEAN, hợp tác Mekong – Lan Thương, hợp tác khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam, ACMECS, CLMV… Tại Hội nghị lần này, vấn đề kết nối các nền kinh tế, cũng như phát huy thế mạnh của khu vực, xóa đói giảm nghèo sẽ được đề cập.
Nhân dịp này Việt Nam đã đưa ra sáng kiến tổ chức Diễn đàn Thượng đỉnh kinh doanh GMS với sự tham gia của lãnh đạo các nước GMS, Chủ tịch ADB, Giám đốc Điều hành Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổng Thư ký ASEAN cùng hơn 2000 đại biểu tham dự tới từ các đối tác phát triển, tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện ngoại giao, các doanh nghiệp lớn trong và ngoài khu vực sẽ thảo luận về các vấn đề như mục tiêu, cơ hội đầu tư, hỗ trợ kết nối các doanh nghiệp ở khu vực.
Ngay sau Hội nghị GMS 6, chúng tôi cũng đặt kỳ vọng vào Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam lần thứ 10 sẽ thông qua những kế hoạch hành động, định hướng hợp tác giữa ba quốc gia, với sự hỗ của các đối tác phát triển như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), WB, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Đặc biệt, chúng tôi coi trọng vai trò của Nhật Bản và vai trò của ADB đối với khu vực GMS 6 và các nước Campuchia, Lào, Việt Nam. Chúng tôi mong muốn Chính phủ Nhật Bản, các nhà đầu tư Nhật Bản sẽ quan tâm đến Hội nghị lần này.
Các nỗ lực hội nhập của Việt Nam trong thời gian qua tác động thế nào đến triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn? Liệu Việt Nam có duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức 7% hoặc thậm chí là hơn?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam đã ký 12 hiệp định thương mại tự do, hiệp định mới nhất là Hiệp định CP-TPP. Chúng tôi hy vọng rằng hiệp định này cùng với hiệp định RCEP trong tương lai sẽ là động lực quan trọng để kinh tế Việt Nam tăng trưởng tốt hơn trong thời gian tới. Trong điều kiện thời tiết không thuận lợi như năm 2017, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức 6,81% và quý I năm nay chúng tôi đã tăng trưởng ở mức 7,41%. Hy vọng năm nay mức tăng trưởng sẽ cao hơn năm ngoái và giữ vững tốc độ này liên tục cho đến ít nhất năm 2020. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi nhất, hội nhập quốc tế sâu rộng, đổi mới sáng tạo, đặc biệt đối với kinh tế tư nhân để kinh tế Việt Nam có điều kiện tăng trưởng và giải quyết vấn đề phát triển tốt hơn.
Tăng trưởng tốt, giải quyết việc làm, thu ngân sách, tăng thu nhập bình quân đầu người, nợ công, chuyển dịch cơ cấu kinh tế là những nội dung rất lớn mà Chính phủ Việt Nam đang quan tâm. Đặc biệt, trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, khi tỷ trọng của khu vực này trong GDP thấp nhưng lao động còn rất đông. Đây là hướng mà chúng tôi sẽ chỉ đạo để có sự phát triển toàn diện, bảo đảm mọi người dân đều hưởng lợi từ tăng trưởng ở Việt Nam, một tăng trưởng bao trùm sẽ được thúc đẩy ở Việt Nam một cách tốt nhất trong bối cảnh triển khai những hiệp định thương mại.
Anh và Việt Nam là đối tác chiến lược của nhau, chúng tôi hy vọng các nhà đầu tư Anh sẽ vào Việt Nam nhiều hơn, các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam sẽ được phát huy bởi kinh nghiệm, khoa học công nghệ của Anh. Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Anh vào Việt Nam.
Xin Ngài cho biết lĩnh vực tư nhân ở Việt Nam có phát triển đủ nhanh hay không? Hay lĩnh vực này cần thêm lực đẩy? Nếu vậy thì chính xác kế hoạch của Việt Nam là gì?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Kinh tế tư nhân ở Việt Nam là 1 động lực phát triển quan trọng của đất nước, đến nay chiếm trên 43% GDP của Việt Nam. Chúng tôi sẽ thúc đẩy bằng thể chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi nhất để đến năm 2020 có trên 1 triệu doanh nghiệp và đóng góp trên 50% GDP cho Việt Nam.
Phải đưa quy mô kinh tế tư nhân lên cao hơn đặc biệt về số lượng và chất lượng. Chúng tôi khuyến khích xây dựng một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đang hình thành ở Việt Nam và tiếp tục có chính sách hỗ trợ thông qua cạnh tranh bình đẳng hơn, công khai minh bạch hơn, nguồn lực được phân bổ hợp lý hơn bảo đảm theo cơ chế thị trường để doanh nghiệp tư nhân, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có điều kiện phát triển tốt nhất trong thời gian tới.
Khoa học và công nghệ là những yếu tố rất quan trọng của kinh doanh, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân áp dụng khoa học và công nghệ thuận lợi nhất để đưa năng suất lao động của kinh tế tư nhân cao hơn. Chúng tôi có tham vọng đưa chỉ số này lên cao hơn 4-5% so với hiện nay trong thời gian tới.
Đổi mới sáng tạo khởi nghiệp đặc biệt ở nông thôn là vấn đề cũng đặt ra để các doanh nghiệp tư nhân, nhất là lớp trẻ có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn.
Việt Nam đã ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương CP-TPP, nhưng Hiệp định này lại thiếu vắng Hoa Kỳ. Làm thế nào Việt Nam có thể hưởng lợi từ Hiệp định CP-TPP. Xin Thủ tướng đánh giá về triển vọng Hoa Kỳ quay lại thỏa thuận này?
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Trước hết, Nhật Bản và Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Tuyên bố Bộ trưởng tại Hội nghị Cấp cao APEC ở Việt Nam vừa qua và xử lý các vấn đề đặt ra để ký được CP-TPP. Trong đó, tôi đánh giá cao vai trò của ông Shinzo Abe, đã phối hợp rất tốt với Việt Nam và các nước để chúng ta ký kết được CP-TPP ngày 8/3/2018 vừa qua.
Ở CP-TPP có 11 nước, chúng ta rất tiếc là không có Hoa Kỳ. Nếu có Hoa Kỳ thì rất tốt vì Hoa Kỳ có thị trường lớn, còn không có thì 11 nước còn lại vẫn ký kết và thực thi. Việc CP-TPP được ký kết sẽ mang lại lợi ích cho cả 11 nước. Việc tăng trưởng của mỗi nước từ CP-TPP là bao nhiêu còn phụ thuộc vào nội lực, tổ chức kinh doanh của nền kinh tế đó và xử lý các mối quan hệ khác. Việt Nam sẽ làm các thủ tục nội bộ để sớm thông qua Hiệp định CP-TPP.