Đưa hợp tác chiến lược Việt - Pháp sang giai đoạn mới

Trong nước - Ngày đăng : 17:55, 24/03/2018

Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là cơ hội mới quan trọng để đưa hợp tác chiến lược Việt Nam - Pháp sang một giai đoạn...

 

 

Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng sẽ dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Pháp, từ ngày 25-27/3. 
 

Tong bi thu
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thăm chính thức Cộng hòa Pháp, từ ngày 25-27/3.


Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Nhân Dân, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Cộng hòa Pháp Nguyễn Thiệp khẳng định: Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ là cơ hội mới quan trọng để đưa hợp tác chiến lược Việt Nam - Pháp sang một giai đoạn mới sâu sắc, toàn diện hơn vì lợi ích của hai nước. Dưới đây là nội dung cuộc phỏng vấn. 
 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ thực hiện chuyến thăm chính thức đến Pháp trong thời gian tới. Đây là chuyến thăm có ý nghĩa to lớn vì đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Xin  Đại sứ cho biết thông điệp chính mà hai nước Việt Nam và Pháp muốn truyền tải qua chuyến thăm này của Tổng Bí thư?
 

Đại sứ Nguyễn Thiệp: Ngày 12/4/1973, hai nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức cấp đại sứ. 
 

Trong gần nửa thế kỷ qua, quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước đã phát triển hết sức tốt đẹp với quy mô hợp tác toàn diện và trong nhiều lĩnh vực có mức độ hợp tác sâu sắc, đặc biệt là văn hóa giáo dục hợp tác phi tập trung. 

Dựa trên nền tảng đó từ năm 2013, hai nước đã quyết định thiết lập đối tác chiến lược. Pháp đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Âu. 
 

Ngược lại, Việt Nam cũng trở thành đối tác chiến lược không thể thiếu của Pháp ở châu Á, nhất là với vai trò và những đóng góp của Việt Nam đối với hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực và trên thế giới. 
 

Việc Việt Nam là thành viên Cộng đồng kinh tế ASEAN, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, mới đây nhất là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cũng như triển vọng rằng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm được ký kết thông qua sẽ mở ra những cơ hội mới giữa Việt Nam với Pháp.
 

Trong bối cảnh có nhiều biến động ở châu Âu, quyết tâm cải cách, thay đổi của nước Pháp cũng như các tiến triển tích cực về vai trò của Việt Nam ở khu vực, thế giới, nhất là hội nhập của Việt Nam vào thương mại quốc tế, chuyến thăm của Tổng Bí thư sẽ là một cơ hội mới quan trọng để đưa hợp tác chiến lược Việt Nam - Pháp sang một giai đoạn mới sâu sắc, toàn diện hơn vì lợi ích của hai nước. 
 

Dự kiến, trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ ký hàng loạt văn bản hợp tác quan trọng về các lĩnh vực quốc phòng, tư pháp, công nghệ vũ trụ, sở hữu trí tuệ, ứng phó với biến đổi khí hậu, du lịch, giáo dục… và một số hợp đồng kinh tế trị lớn, dài hạn. 
 

Hai nhà lãnh đạo cao nhất của hai nước sẽ thảo luận về những đường hướng chiến lược và những khuôn khổ, cơ chế hợp tác mới cho phép đưa quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Đó chính là thông điệp của chuyến thăm chính thức Pháp của Tổng Bí thư.

 

Trong bối cảnh EVFTA sẽ sớm được ký kết thông qua, xin Đại sứ cho biết triển vọng quan hệ thương mại Việt Nam - Pháp?
 

Đại sứ Nguyễn Thiệp: Khi EVFTA được ký kết, thông qua và có hiệu lực, quan hệ thương mại giữa Việt Nam - EU chắc chắn sẽ có những biến chuyển mới cả về chất lượng và số lượng. 
 

Trong khuôn khổ đó, tôi tin rằng quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Pháp cũng sẽ chứng kiến những tăng trưởng mạnh mẽ và đáp ứng lợi ích của các doanh nghiệp nhiều hơn trong thời gian tới.
 

Nếu EVFTA có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng đều được hưởng mức thuế suất nhập khẩu thấp, việc tiếp cận thị trường của nhau thuận lợi hơn. Đặc biệt, do cơ cấu các mặt hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Pháp, EVFTA sẽ là cơ hội cho sự bổ sung lẫn nhau, cho phép doanh nghiệp hai nước phát huy thế cạnh tranh của mình… trong các mặt hàng nông sản, thực phẩm. 
 

Trong hoàn cảnh đó, sự kết hợp những lợi thế về công nghệ tiên tiến và nguồn vốn của Pháp với nguồn tài nguyên phong phú của Việt Nam, chính sách kinh tế cởi mở, sự ổn định về chính trị, nguồn lao động với khả năng sáng tạo, sự thông minh, khéo tay và chi phí thấp và triển vọng phát triển năng động của nền kinh tế Việt Nam chắc chắn sẽ là động lực cho sự phát triển hợp tác kinh doanh, góp phần tăng trưởng kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần tạo công ăn việc làm cho cả Việt Nam và Pháp.
 

Với EVFTA, các doanh nghiệp Pháp đứng trước cơ hội có thể thâm nhập và đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Việt Nam, đặc biệt là những mặt hàng nông sản, dược phẩm, mỹ phẩm, hàng thời trang, hàng nội thất cao cấp, máy móc thiết bị công nghệ cao, phương tiện giao thông, hóa chất … 
 

Cao hơn nữa, Pháp có cơ hội hợp tác với Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất hàng hóa của Pháp, tiếp cận và nâng cao những công nghệ mới, tiên tiến thuộc cách mạng công nghiệp 4.0. 
 

Bên cạnh đó, doanh nghiệp hai bên có thể cùng đầu tư, liên doanh, liên kết sản xuất sản phẩm để xuất khẩu không chỉ sang các nước ASEAN mà cả châu Âu và các nước khác trên thế giới.
 

Dai su Nguyen Thiep
Đại sứ Nguyễn Thiệp 


Văn hóa và giáo dục - đào tạo nằm trong số những lĩnh vực ưu tiên hợp tác trong Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp (năm 2013). Xin Đại sứ cho biết những thành tựu đã ghi nhận được và những kế hoạch trong thời gian tới nhằm tăng cường hợp tác văn hóa và giáo dục - đào tạo giữa hai nước? 
 

Đại sứ Nguyễn Thiệp: Như tôi đã nhấn mạnh, từ lâu hai nước Việt Nam - Pháp đã có nhiều giao lưu và chia sẻ trong lĩnh vực văn hóa, tạo nên những gắn bó và gần gũi giữa nhân dân hai nước. Giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển. 
 

Hằng năm, Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam, cụ thể là hỗ trợ hoạt động của các trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace), thành phố Hồ Chí Minh (Viện trao đổi văn hóa Pháp - IDECAF), Thừa Thiên - Huế và Đà Nẵng. Hiệp định giữa hai Chính phủ về các Trung tâm Văn hóa được ký kết (tháng 11-2009) đã tạo điều kiện cho hoạt động của Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp. 
 

Pháp là nước châu Âu duy nhất nước ta đặt trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài.
 

Ngoài ra cũng cần nhắc lại là: Liên hoan nghệ thuật Festival Huế được tổ chức lần đầu vào tháng 4/2000, với sự tài trợ và tham gia tích cực của Pháp (là đối tác đầu tiên của Festival Huế) đã trở thành một hoạt động văn hóa quốc tế, diễn ra hai năm một lần.
 

Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án tổng trị giá 188 triệu USD. Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm. Năm 2017, chúng ta đón 255.369 lượt du khách Pháp, tăng 6% so với năm 2016. Cũng trong năm 2017, hơn 50 nghìn du khách Việt Nam đã tới thăm Pháp (theo con số thị thực được cấp cho các công dân Việt Nam tới Pháp).
 

Hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm chéo Việt Nam - Pháp (2013-2014) tại hai nước nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao song phương.
 

Trong thời gian tới, hai bên sẽ cùng nhau trao đổi để thúc đẩy các hoạt động hợp tác hiện có và thiết lập các khuôn khổ mới trong hợp tác về văn hóa. 
 

Trước mắt, hai bên sẽ tập trung triển khai chuỗi các hoạt động hưởng ứng, chào mừng kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Hai bên sẽ phối hợp trong công tác tổ chức Festival Huế từ ngày 27/4 đến 2/5. 
 

Trung tâm Văn hóa Việt Nam tại Pháp sẽ tổ chức các đoàn nghệ thuật dân gian Việt Nam sang trình diễn tại Pháp, Tuần Việt Nam tại Pháp, Tuần phim Việt Nam tại Pháp và các hoạt động khác nhằm giới thiệu điểm đến Việt Nam như tổ chức các hội chợ, cung cấp ấn phẩm du lịch. 
 

Ngoài ra, Trung tâm cũng sẽ tăng cường tổ chức dạy tiếng Việt, dạy võ thuật, giới thiệu về ẩm thực Việt Nam cho con em kiều bào tại Pháp và giới trẻ Pháp. 
 

Đại sứ quán luôn ủng hộ các sáng kiến quảng bá văn hóa Việt Nam tại Pháp, trong đó có dự án Ngôi nhà Việt của Đại sứ Du lịch của Việt Nam tại Pháp.
 

Hợp tác giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và Pháp đã hình thành và phát triển từ đầu những năm 1980. Pháp luôn coi giáo dục và đào tạo là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác của mình tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp, đào tạo nguồn nhân lực ở bậc đại học, sau đại học trong nhiều lĩnh vực: Quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới…
 

Hiện, hai bên đã triển khai một số dự án trọng điểm trong lĩnh vực đào tạo như: Chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Việt Nam (PFIEV, Trung tâm đào tạo về quản lý Việt - Pháp (CFVG), dự án thành lập hai Trung tâm Đại học Pháp (PUF) tại Đại học Quốc gia Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, Viện tin học Pháp ngữ (IFI). Tháng 10/2010, trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, do Pháp tài trợ 100 triệu euro, đã khai giảng khóa học đầu tiên. Đây là một trong bốn trường đại học tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.
 

Hằng năm, Chính phủ Pháp đều dành nhiều học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, tập trung chủ yếu cho các chương trình đào tạo ở bậc học thạc sĩ và tiến sĩ. Số lượng sinh viên Việt Nam du học tại Pháp tăng khoảng 40% trong vòng 10 năm qua và hiện có khoảng bảy nghìn sinh viên.
 

Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác về giáo dục - đào tạo. Dự kiến, hai bên sẽ ký kết lại Hiệp định về Trường đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội sau khi thời hạn đầu tiên của Hiệp định kết thúc vào năm 2019, trao đổi dự án nâng cấp CFVG thành Trường đại học quản trị châu Âu. Hai bên cũng sẽ tăng cường hợp tác về giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp.
 

Hợp tác đào tạo trong lĩnh vực tư pháp, pháp lý và y tế của ta với Pháp cũng là mảng hợp tác hình thành từ những năm 90 và tiếp tục có những tiến triển mới.
 

Xin Đại sứ cho biết, cộng đồng người Việt tại Pháp đã đóng góp ra sao vào sự phát triển quan hệ hai nước cũng như góp phần nâng cao hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tại Pháp ?
 

Đại sứ Nguyễn Thiệp: Ngay từ đầu thế kỷ 20, trong cộng đồng người Việt tại Pháp đã xuất hiện các tổ chức tập hợp người Việt mà nổi bật là “Hội những người An Nam yêu nước”, sau đổi tên thành “Nhóm người An Nam yêu nước” và đã có những đóng góp không nhỏ vào việc hình thành các trào lưu tư tưởng tiến bộ, tiền thân của phong trào cách mạng Việt Nam. 
 

Những năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của nhân dân Việt Nam, cộng đồng người Việt tại Pháp đã có nhiều hoạt động mít-tinh, biểu tình, quyên góp ủng hộ, vận động nhân dân Pháp và nhân dân thế giới phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, giúp đỡ và hỗ trợ các phái đoàn của ta tiến hành đàm phán Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình cho Việt Nam.
 

Trong giai đoạn tái thiết và phát triển đất nước, cộng đồng người Việt tại Pháp tiếp tục có những đóng góp tích cực, tổ chức các phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào gặp khó khăn, cấp học bổng cho sinh viên, tham gia thúc đẩy các dự án phát triển khoa học, kỹ thuật, cung cấp trang thiết bị, đầu tư, đóng góp kiều hối... 
 

Cộng đồng người Việt tại Pháp hiện có khoảng 300 nghìn người và luôn được đánh giá hội nhập rất thành công vào sở tại. Nhiều hội đoàn đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau, làm cầu nối trong việc vun đắp và phát triển mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Việc ngày càng có nhiều người gốc Việt đảm nhận các cương vị quan trọng trong bộ máy kinh tế, chính trị và khoa học kỹ thuật của Pháp tiếp tục khẳng định củng cố vị trí và tín nhiệm của cộng đồng trong đời sống xã hội Pháp.
 

Chuyến thăm của Tổng Bí thư đến Pháp là dịp khẳng định lại chính sách của Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến bà con Việt kiều tại Pháp - một bộ phận máu thịt của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, những kiến nghị, đóng góp của bà con, kể cả những trí thức trẻ tài năng, đối với Đảng và Nhà nước, thông tin cho bà con về tình hình đất nước, thể hiện mong muốn bà con Việt kiều tiếp tục đóng góp thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam - Pháp và tiếp tục là cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai nước.
 

Cảm ơn Đại sứ!