Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và bản đồ

Trong nước - Ngày đăng : 17:50, 12/03/2018

(TN&MT) - Sáng 12/3, tại phòng họp Tân Trào, Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã khai mạc Phiên họp thứ 22 dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Trong chương trình phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thảo luận và cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đo đạc và bản đồ. Tham gia phiên họp có các Phó Chủ tịch Quốc hội: Tòng Thị Phóng, Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển cùng các thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.
Chủ tịch QH
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc phiên họp lần thứ 22, Ủy ban thường vụ Quốc hội

 

Tham dự phiên thảo luận về phía Bộ TN&MT có Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cùng một số thành viên của Ban soạn thảo Dự án Luật Đo đạc và bản đồ. 

Trình bày báo cáo một số vấn đề về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đo đạc và bản đồ, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho biết: Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã xem xét cho ý kiến về dự án Luật Đo đạc và bản đồ.

PCT Phùng QHien
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu điều khiển phiên họp


Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 14 và ý kiến thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dự thảo luật lần này đã được tiếp thu, chỉnh lý tương đối hoàn thiện với nhiều nội dung quan trọng: nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đo đạc và bản đồ; cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; Về đo đạc, thành lập bản đồ công trình ngầm; Quản lý nhà nước về hoạt động đo đạc và bản đồ, nhằm thể hiện đầy đủ, rõ ràng, cụ thể hơn phạm vi điều chỉnh của Luật.

Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng, Ban soạn thảo cũng rà soát, đối chiếu các quy định của Dự thảo Luật với quy định liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ trong các Luật khác; chỉnh sửa về văn phong, kỹ thuật văn bản; bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của Luật.

PCT Đỗ Bá Tỵ
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp sáng 12/3

Cho ý kiến về quy định cung cấp miễn phí thông tin, dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, an ninh để bảo đảm việc thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh cấp bách, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cho rằng, cần quy định cụ thể việc miễn lệ phí đối với dữ liệu phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Theo Phó Chủ tịch Đỗ Bá Tỵ, những doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng nhưng sử dụng thông tin không phải để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng thì vẫn phải nộp phí như tất cả các đối tượng khác…

Góp ý với dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần giải thích rõ hơn về Atlas vì tại khoản 1 điều 31 cũng nêu: "Atlas quốc gia là tập hợp các bản đồ, biểu đồ, hình ảnh được thành lập theo nguyên tắc, bố cục thống nhất thể hiện điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của quốc gia; được thành lập, xuất bản theo từng giai đoạn phát triển của đất nước".

Theo ông Nguyễn Văn Giàu, tại dự thảo luật nên thay từ Atlas thành “Tập bản đồ chính thức Quốc gia”. Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng cho rằng, dự thảo luật còn nhiều quy định mang tính quy phạm pháp luật, nhiều điều nên quy định trong luật mà không cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết. Về quản lý nhà nước, phân công cụ thể chi tiết nên giao thẳng cho các bộ có liên quan, tránh trùng lặp và làm gọn nhẹ bộ máy theo đúng tinh thần của Nghị quyết Trung ương VI khoá XII.

Ô Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo về Dự án Luật Đo đạc và bản đồ tại phiên họp sáng 12/3

Cho ý kiến về Cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng: đối với dữ liệu nền Quốc gia cần có phần mềm để quản lý thống nhất, phải có định dạng dữ liệu chung để quy định để các cơ quan có thể sử dụng hiệu quả. Liên quan đến vấn đề quốc phòng an ninh, cần xem lại cơ chế cho phép khai thác sử dụng, vì trong dự thảo luật quy định Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ quản lý, nhưng quốc phòng an ninh là vấn đề rất quan trọng nên cần có cơ chế phối hợp giữa 3 bộ Tài Nguyên và Môi trường, Bộ Quốc phòng và Bộ Công An để đảm bảo tính thống nhất.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 đang phát triển như hiện nay, trong luật cần có định hướng rõ hơn về khoa học công nghệ để tránh sự lạc hậu.

Góp ý vào điểm C, khoản 5, Điều 41, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý xu hướng chuyển từ cơ chế “phí” sang “giá” và đặc điểm của hoạt động này là có những phần việc do tư nhân, thậm chí đơn vị nước ngoài thực hiện, chỉ có thể “miễn phí” đối với những thông tin, dữ liệu được thu thập, xử lý bằng tiền ngân sách. Đại biểu đề nghị quy định là “kinh phí do nhà nước bảo đảm” thì hợp lý hơn.

Bt tại Qhoij
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà giải trình tại phiên họp sáng 12/3

 

Giải trình và làm rõ thêm nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: Thời gian qua, Bộ TN&MT - cơ quan soạn thảo dự án Luật đã nhận được sự quan tâm của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan của Bộ Tư pháp cùng với các địa phương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội cũng như ý kiến của các đồng chí trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Ban soạn thảo cho biết sẽ tiếp tục làm rõ những hoạt động được miễn phí trong hoạt động đo đạc và bản đồ; Đồng thời thiết kế “bộ lọc” theo hướng mở, hoạt động nào Nhà nước không cấm thì tư nhân được làm; Công tác xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, những ý kiến đóng góp của các đại biểu tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là hết sức xác đáng. Ban soạn thảo sẽ nghiêm túc tiếp thu và nghiên cứu thể hiện trong dự án luật để đảm bảo tính bao quát và cụ thể hơn.


Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ: về chính sách miễn giảm phí sử dụng dữ liệu đo đạc và bản đồ cho quốc phòng an ninh, phòng chống bão lũ sẽ có quy định về nguyên tắc. Còn những vấn đề cụ thể về an ninh quốc phòng phải được quy định trong các văn bản pháp luật có liên quan, hoặc giao cho Chính phủ quy định.

1203 Quang cảnh phiên họp
Quang cảnh phiên họp sáng 12/3. 

Về từ ngữ, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị nên dùng “Tập bản đồ chính thức Quốc gia” thay cho từ Atlas. Đồng thời nhấn mạnh, về vấn đề quản lý nhà nước: Thường vụ quyết định cho nguyên tắc, còn trách nhiệm thống nhất quản lý về đo đạc và bản đồ là của Chính phủ. Cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý là bộ Tài nguyên và Môi trường, còn các bộ khác sẽ làm việc theo sự phân công.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, sau phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giao Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường cùng cơ quan soạn thảo phối hợp, chỉnh lý, hoàn thiện nội dung toàn bộ dự án luật để xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.


Dự thảo Luật Đo đạc và Bản đồ gồm 65 điều thể hiện trong 9 chương

Dự thảo Luật đã được Quốc hội khóa XIV đưa ra xem xét, thảo luận tổ và thảo luận tại Hội trường tại Kỳ họp thứ 4 diễn ra tháng 11/2017. Trên cơ sở những quan điểm, nguyên tắc nêu trên, dự thảo Luật đã tập trung thể chế hóa các chính sách như:

Thứ nhất, Xây dựng, phát triển hạ tầng đo đạc, cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý quốc gia tiên tiến, đồng bộ, hội nhập quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; quản lý, giám sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn; tạo nền tảng cơ bản để tăng cường triển khai ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Thứ hai, Ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại, thống nhất và đồng bộ.

Thứ ba, Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động đo đạc và bản đồ, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và đầu tư trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tiếp cận, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao dân trí.

Thứ tư, Xây dựng và phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia. Đây là nội dung hoàn toàn mới phục vụ cho Chính phủ điện tử, quản lý xã hội thông minh, ứng phó biến đổi khí hậu, hội nhập quốc tế và đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0, hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức triển khai và thúc đẩy việc chia sẻ, sử dụng chung thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.