Xin đừng “núp bóng” môi trường
Trong nước - Ngày đăng : 12:29, 28/02/2018
(TN&MT) - Mặc dù mỗi lít xăng đã gánh tới 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng Bộ Tài chính vẫn tiếp tục lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Ủy ban...
(TN&MT) - Mặc dù mỗi lít xăng đã gánh tới 3.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường nhưng Bộ Tài chính vẫn tiếp tục lấy ý kiến dự thảo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tăng thuế mặt hàng này. Nếu dự thảo này được thông qua thì từ ngày 1/7 tới đây thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dự kiến tăng thêm 1.000 đồng/lít, dầu diesel tăng lên 500 đồng/lít .
Lý do tăng
Trong dự thảo nghị quyết về biểu thuế BVMT, Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh biểu thuế BVMT đối với một số hàng hóa có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 như sau: Mức thuế BVMT của xăng tăng từ 3.000 đồng/lít lên kịch khung là 4.000 đồng/lít, dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên kịch khung 2.000 đồng/lít, dầu nhờn tăng từ 900 đồng/lít lên kịch khung là 2.000 đồng/lít, mỡ nhờn tăng từ 900 đồng/kg lên kịch khung là 2.000 đồng/kg... Theo tính toán của Bộ Tài chính, với phương án đề xuất điều chỉnh này thu ngân sách sẽ tăng khoảng gần 15,6 nghìn tỷ đồng, trong đó riêng xăng là gần 8 nghìn tỷ đồng.
Lý giải cho việc tăng giá thuế này, Bộ Tài chính cho rằng, mức thuế nhập khẩu xăng dầu từ các nước đang được cắt giảm mạnh nên đã ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách. Hiện Việt Nam đang áp dụng mức thuế đối với xăng là 20% và đối với dầu các loại là 7%. Tuy nhiên, thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu thì mức thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng chỉ là 10% và đối với dầu các loại là 0%. Với việc áp dụng mức thuế nhập khẩu ưu đãi trên, số thu từ hoạt động nhập khẩu xăng dầu liên tục giảm qua các năm khi các nhà nhập khẩu chuyển sang nhập các thị trường có mức thuế ưu đãi đặc biệt.
Mặt khác, giá bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam cơ bản đang thấp hơn so với các nước có chung đường biên giới nói riêng và nhiều nước khác trong khu vực ASEAN. Theo xếp hạng 167 nước thì Việt Nam đứng thứ 45 từ thấp đến cao. Như vậy, giá bán lẻ của chúng ta thấp hơn 122 nước. Cùng với đó, xăng dầu là sản phẩm có chứa nhiều chất gây ô nhiễm môi trường như chì, lưu huỳnh, benzen... Do vậy cần nâng mức thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm và nhận thức của tổ chức, cá nhân đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, sử dụng sản phẩm thay thế, thân thiện với môi trường…
... Chưa thuyết phục
Nhiều ý kiến của người dân lẫn doanh nghiệp, chuyên gia đều cho rằng những lý do mà Bộ Tài chính đưa ra là không hợp lý. Bởi lẽ, hiện nay chi phí vận chuyển tại Việt Nam cao nhất khu vực ASEAN, thậm chí cao hơn nhiều nước trên thế giới. Thế nên nếu tiếp tục tăng thuế BVMT sẽ khiến giá xăng tăng, đồng nghĩa với chi phí của DN tiếp tục bị đội lên. Mặc dù người nghèo không phải là đối tượng chính sách bị thu thuế nhưng lại là đối tượng chịu ảnh hưởng lớn.
Chúng ta không thể vì thất thu thuế từ thực hiện các hiệp định thương mại mà tìm cách tăng thu thuế nội địa, tăng mọi loại thuế trong nước vốn đã phải chịu quá nhiều thuế, phí. Hiện một lít xăng đang phải gánh trên mình hàng chục loại thuế, phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng, thuế BVMT, chi phí định mức, lợi nhuận định mức, chi quỹ bình ổn. So với các mặt hàng khác, thuế BVMT với xăng, dầu vẫn chiếm đa số trong tổng thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường (khoảng 93%).
Bên cạnh đó, việc so sánh giá xăng với các nước khác là cách so sánh không đúng và khập khiễng. Theo GS.TS. Ngô Trí Long - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): Không thể mang giá xăng ở Mỹ so với Việt Nam bởi mức thu nhập của họ khác, chi phí tiêu dùng cũng khác. Ngoài ra, trong khi Nhà nước đang khuyến khích sử dụng xăng sinh học E5 - một loại xăng được giới thiệu là bảo vệ môi trường, thì Bộ Tài chính lại đề xuất tăng thuế môi trường kịch trần loại xăng này bằng với các loại xăng hiện tại như RON 92, RON 95 thì quả là mâu thuẫn.
Liệu có đúng thu để thuế để bảo vệ môi trường?
Liệu có đúng thu để thuế để bảo vệ môi trường?
Theo số liệu được Bộ Tài chính công bố giai đoạn 2012-2016, thu ngân sách từ thuế bảo vệ môi trường đã tăng gấp 4 lần, từ 11.160 tỷ đồng lên 41.924 tỷ đồng. Có nghĩa, trong 4 năm, số thu đã tăng thêm 30.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi ngân sách cho bảo vệ môi trường năm 2012 là 9.000 tỷ, thì năm 2016 cũng chỉ dừng ở mức 12.290 tỷ, tăng hơn 3.000 tỷ. Điều này cho thấy thuế bảo vệ môi trường thu nhiều nhưng không phải dành cho mục đích môi trường.
Đại diện của Bộ Tài chính đã từng thừa nhận việc thu thuế bảo vệ môi trường là cho vào ngân sách nói chung, không phải thu đồng nào là chi trực tiếp đồng ấy cho môi trường. Sau đó, ngân sách sẽ đảm bảo bố trí 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ chi ngân sách nhà nước. Số tiền này bao gồm cả các khoản vay, viện trợ đã đưa vào ngân sách nhà nước để chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường hoặc chi đầu tư phát triển bảo vệ môi trường; chưa tính chi các hoạt động kinh tế, chi đầu tư phát triển, chi dự phòng của ngân sách địa phương cho các nhiệm vụ bảo vệ môi trường…
Từ đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng thuế thời điểm này sẽ làm người dân hiểu rằng ngân sách khó khăn, do chi tiêu không hiệu quả nên tăng thuế chứ không phải vì bảo vệ môi trường. Hãy dùng thuế làm công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng, dịch chuyển mọi người sang sử dụng những hàng hóa ít tác động tới môi trường hơn. Chúng ta có thể tăng thu với những sản phẩm, hàng hóa như túi nilon, dung dịch HCFC để người dân hạn chế tiêu dùng những hàng hóa này. Đó là một cách giúp bảo vệ môi trường.
Nếu thu thuế môi trường để bù đắp ngân sách chứ không phải tái tạo môi trường, tăng biện pháp kiểm soát ô nhiễm thì khó hợp lòng dân.