Ngân hàng Phát triển châu Á sẽ là cầu nối giúp Việt Nam phát triển bền vững

Trong nước - Ngày đăng : 08:45, 16/01/2018

(TN&MT) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ là cầu nối giúp Việt Nam phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh.
(TN&MT) - Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) sẽ là cầu nối giúp Việt Nam phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và xây dựng nền kinh tế xanh. Đó là sự khẳng định của ông Vijay Padmanbhan, Giám đốc Phát triển đô thị và Tài nguyên nước khu vực Đông Nam Á của ADB trong buổi làm việc với Bộ trưởng Trần Hồng Hà chiều ngày 15/01 tại Trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Botruong
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp và làm việc với lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)

Tham dự buổi tiếp và làm việc giữa Bộ trưởng Trần Hồng Hà và ông Vijay Padmanbhan về phía Bộ tài nguyên và Môi trường có ông Phạm Phú Bình, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế; ông Hoàng Văn Bẩy, Cục trưởng cục Quản lý tài nguyên nước, đại diện Lãnh đạo Tổng cục Môi trường; ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam cùng các lãnh đạo đại diện đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường và ADB.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Trần Hồng Hà chúc mừng ông Vijay Padmanbhan đã được tín nhiệm và bổ nhiệm vị trí Giám đốc Phát triển đô thị và Tài nguyên nước khu vực Đông Nam Á của ADB (từ tháng 10/2017), chào mừng ông sang thăm và làm việc với Bộ TN&MT trong cương vị mới này.

Trao đổi với lãnh đạo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Bộ trưởng Trần Hồng Hà cảm ơn sự phối hợp, hợp tác của ADB với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong các vấn đề chung. Bộ trưởng cho biết trong thời gian vừa qua ADB là một trong những nhà tài trợ đa phương đã ủng hộ và hỗ trợ nhiều cho Bộ TN&MT, đặc biệt cho lĩnh vực môi trường, biến đổi khí hậu và trong các hợp tác kỹ thuật và hợp tác vùng như hợp tác trong khuôn khổ sông Mê Công.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà đánh giá cao sự phối hợp của ADB với Bộ TN&MT trong việc xây dựng đề xuất Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Lồng ghép chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để phát triển các đô thị xanh loại II” do GEF tài trợ thông qua ADB. Theo Bộ trưởng, Dự án này phù hợp với bối cảnh phát triển của Việt Nam nói chung và đặc biệt là sự phát triển của các đô thị Việt Nam hiện nay, nhằm tăng cường năng lực thể chế, lồng ghép khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường trong phát triển các đô thị xanh loại II.
Ông Eric Sidgwick
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB Việt Nam cảm ơn sự tiếp đón của Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường. Giới thiệu với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Eric Sidgwick cho biết, tuy mới được bổ nhiệm vị trí Giám đốc Phát triển đô thị và Tài nguyên nước khu vực Đông Nam Á của ADB nhưng ông Vijay Padmanbhan đã biết đến Việt Nam từ trước đó thông qua những dự án phát triển cùng ADB. Nhân dịp này, ông Vijay Padmanbhan cũng lựa chọn và đánh giá rằng nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng trong năm 2018 của ông là muốn đến thăm và làm việc với phía Việt Nam để có thể thảo luận với các cơ quan đối tác của Việt Nam về những hỗ trợ hiện nay của ADB và tìm ra những cơ hội hợp tác mới giữa ADB với đất nước Việt Nam.

Ông Eric Sidgwick cũng chỉ ra rằng, với những nỗ lực phát triển nền kinh tế đất nước trong năm qua, Việt Nam đã ra khỏi danh sách những quốc gia nhận được sự ưu đãi từ ngân hàng thế giới kể từ năm 2018 đồng thời cũng không nhận được sự tài trợ ưu đãi từ của ADB. Tuy nhiên, với những vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực Biến đổi khí hậu như thiên tai, môi trường đang rất cấp bách thì ông Eric Sidgwick hy vọng chuyến công tác lần này của ông Vijay Padmanbhan hai bên sẽ bàn thảo để đưa ra được những chương trình, sáng kiến kiến dài hạn để ADB có thể song hành phát triển cùng Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt là những dự án phát triển về bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
Ông Vijay Padmanbhan
Ông Vijay Padmanbhan, Giám đốc Phát triển đô thị và Tài nguyên nước khu vực Đông Nam Á của ADB
Trao đổi với Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Vijay Padmanbhan cho biết hiện nay trong chương trình nghị sự của ADB thì phía Ngân hàng Phát triển Châu Á tăng chỉ tiêu hoạt động với mục tiêu đến năm 2020 sẽ giải ngân khoản cho vay 6 tỷ USD cho những dự án thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính... Đặc biệt, theo ông Vijay Padmanbhan thì trong 6 tỷ này sẽ dành ra 1 tỷ cho các dự án thích ứng với biến đổi khí hậu mà cụ thể là đầu tư cho các dự án phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu và tài nguyên nước, trong đó Việt Nam là một đối tác mà ADB ưu tiên hơn cả.

Ghi nhận sự đánh giá và ưu tiên của ADB cho Việt Nam, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết những mục tiêu mà ABD dành cho các dự án về phát triển hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu cho các đô thị là ưu tiến số một tại Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, vấn đề khai thác, quản lý, phát triền tài nguyên nước đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng là một nhiệm vụ quan trọng mà chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. 

Đặc biệt, theo Bộ trưởng sông Mê Công là một trong những hệ thống sông lớn nhất thế giới và có sự đa dạng sinh học rất lớn và cực kỳ phong phú. Bộ trưởng mong muốn trong quá trình hoạt động, ADB có thể tạo ra được cơ chế tài chính thuận tiện, có nhiều ưu đãi để chia sẻ lợi ích khai thác từ thượng nguồn đến hạ nguồn một cách bền vững... Đây là những vấn đề ưu tiên cấp bách và phía Bộ Tài nguyên và Môi trường rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ phía ADB để cùng nhau thảo luận và đưa ra những phương án tối ưu nhất trình lên Chính phủ.

Ngoài ra, vấn đề phát triển các khu đô thị theo hướng đô thị xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề mà các vùng ven biển miền Trung đang rất quan tâm. Theo đó, những dự án này khi phát triển cần phải có một sự quy hoạch tính toàn chi tiết về hạ tầng, cấp thoát nước, cây xanh, bảo tồn, thích ứng biến đổi khí hậu... để sau đó có thể tính toán được sự hiệu quả của nguồn vốn vay để có thể mang lại được sự phát triển về kinh tế, xã hội, vừa hoàn lại được nguồn vốn và mang lại được động lực để phát triển.
Botruong1
Toàn cảnh buổi làm việc

Một vấn đề cũng được Bộ trưởng Trần Hồng Hà quan tâm và đề nghị phía ADB hỗ trợ đó là chuyển đổi các nguồn năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời. Ở Việt Nam có nhiều khu vực có tiềm năng phát triển những nguồn năng lượng tái tạo này và đang cần sự đầu tư để phát triển được những lợi thế có sẵn.

Đối với vấn đề xử lý nước thải, chất thải rắn ở Việt Nam, Bộ trưởng trao đổi với phía ADB rằng hiện nay Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn, tuy nhiên cái khó khăn hiện nay là lựa chọn được một công nghệ xử lý đồng bộ, thân thiện với môi trường và phía Việt Nam đang rất quan tâm và muốn thực hiện triển khai một cách hiệu quả nhất.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng đề nghị ADB tiếp tục phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng các ý tưởng dự án mới để trình phê duyệt trong chu kỳ GEF 7 sắp tới. Trong đó ADB có thể tạo ra được những chương trình, dự án huy động được nhiều sáng kiến của các tri thức trẻ trong khắp khu vực và cả thế giới để mang lại được các lợi ích về kinh tế, xã hội cho Châu Á thông qua cơ chế tài chính của mình.

Ghi nhận những ý kiến của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Châu Á cho biết phía ADB luôn sát cánh cùng sự phát triển của Việt Nam. Đối với những vấn đề quan trọng của Việt Nam phía ADB sẵn sàng và vui mừng được làm việc với Chính phủ Việt Nam và đóng vai trò là chất xúc tác không chỉ là thu hút hay cung cấp những nguồn tài trợ mà quan trọn hơn là có thể làm cầu nối đưa đến với Việt Nam những kỹ năng, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, công nghệ của mình, tất cả vì sự phát triển chung của Việt Nam và khu vực.