Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Bộ Xây dựng phải nắm chắc ‘cây gậy’ quy hoạch
Trong nước - Ngày đăng : 19:48, 16/01/2018
Chiều nay, 16/1, tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai kế hoạch năm 2018 ngành xây dựng, Thủ tướng yêu cầu khắc phục ngay tình trạng quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch một cách tùy tiện, dễ dãi, không tuân thủ trình tự theo quy định... Đừng để quyết định một đường thực hiện một nẻo.
“Ngành xây dựng là ngành quan trọng của đất nước vì đất nước muốn đàng hoàng hơn, to đẹp hơn cần có khối óc và bàn tay của những người làm xây dựng, chắc chắn là như thế”, Thủ tướng mở đầu bài phát biểu tại Hội nghị.
Cho rằng ngành xây dựng đã đóng góp quan trọng vào các thành tựu của đất nước thời gian qua, Thủ tướng bày tỏ ấn tượng về một Bộ đoàn kết, thống nhất, dân chủ, có nhiều chủ trương, biện pháp mới, nhiều tư tưởng đổi mới. Năm qua, ngành xây dựng tăng trưởng khá, đạt 8,7%. Các chỉ tiêu chủ yếu về phát triển đô thị, hạ tầng kỹ thuật, nhà ở đều tăng. Ngành công nghiệp vật liệu xây dựng phát triển mạnh. Sản xuất xi măng đứng đầu ASEAN và tốp 10 thế giới về sản lượng.
Công tác quản lý quy hoạch và phát triển đô thị nề nếp hơn. Công tác xây dựng thể chế thu được kết quả tích cực. Giảm 75% số lượng hồ sơ phải thẩm định tại Bộ Xây dựng.
“Bộ Xây dựng là một trong những cơ quan đi đầu trong rà soát, cắt giảm ngành nghề, điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ tục hành chính”, Thủ tướng nêu rõ.
Công tác thanh tra xây dựng được tăng cường. Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường bất động sản. Chủ động, kịp thời đề xuất các phương án, giải pháp phù hợp phát triển ổn định thị trường này, đã thu hút 3,3 triệu tỷ đồng vốn các loại để triển khai các dự án bất động sản. Dư nợ tín dụng khoảng 447.000 tỷ đồng, chiếm 6-8% tổng dư nợ tín dụng ngân hàng và trong ngưỡng an toàn. Đã hoàn thành bán cổ phần lần đầu 2 tổng công ty lớn. Tư vấn quy hoạch, tư vấn giám sát, thiết kế có nhiều tiến bộ, có nhiều công trình đẹp xuất hiện ở đất nước chúng ta.
Thủ tướng đánh giá cao Bộ Xây dựng có kế hoạch cụ thể với 84 nhiệm vụ sát thực để thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ và là một trong hai Bộ có kế hoạch thực hiện Nghị quyết ngay sau khi được ban hành.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng chỉ ra một số mặt tồn tại, bất cập cần tập trung khắc phục như: Mức tăng trưởng ngành xây dựng đạt khá, nhưng thấp hơn mức 10% của năm 2016, cần mổ xẻ, phân tích thấu đáo, tìm ra nguyên nhân, bài học kinh nghiệm cho vấn đề này. Tốc độ xây dựng lớn như thế mà tại sao tăng trưởng đạt thấp.
Chất lượng một số đồ án quy hoạch thấp, chưa bảo đảm về tầm nhìn và chưa phù hợp các điều kiện thực tiễn. Có đồ án phải điều chỉnh quy hoạch ngay sau khi mới được phê duyệt.
Cơ cấu hàng hóa bất động sản tuy đã được điều chỉnh nhưng còn chưa hợp lý, dư thừa sản phẩm nhà ở phân khúc cao cấp, thiếu nhà ở phân khúc giá rẻ và trung bình.
Đừng để quyết định một đường thực hiện một nẻo
Năm nay và những năm tới phải tạo chuyển biến thực chất hơn nữa, rõ nét hơn nữa trong cơ cấu lại ngành xây dựng, Thủ tướng nói và đặt yêu cầu, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khu vực xây dựng năm 2018 là 9,2%.
Đến năm 2020, xây dựng được hầu hết các công trình xây dựng thiết yếu, bảo đảm chất lượng, thẩm mỹ, có giá thành cạnh tranh; khắc phục cơ bản tình trạng đầu tư dàn trải, thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả, tham nhũng, lợi ích nhóm trong đầu tư xây dựng, nhất là các dự án sử dụng vốn Nhà nước; hạn chế tối đa việc điều chỉnh tổng mức đầu tư, tiến độ xây dựng.
Yêu cầu đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ mới, hiện đại để nâng cao năng suất lao động, chất lượng, hiệu quả, tiến độ xây dựng trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng nêu: Câu hỏi lớn là cuộc cách mạng 4.0 ở ngành xây dựng phải cụ thể làm sao? Do đó, ngành phải có tầm nhìn, chiến lược cụ thể, rõ ràng, hướng đến tiêu chuẩn khu vực, quốc tế, có chất lượng, sức cạnh tranh.
Quy hoạch, phát triển ngành vật liệu xây dựng, một thế mạnh của Việt Nam, đừng để chỗ nào sản xuất vật liệu xây dựng thì môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng. Dự báo đến năm 2020, khối lượng tro xỉ nhiệt điện phát sinh vào khoảng hơn 25 triệu tấn/năm và nếu không được tái sử dụng thì tổng lượng tro xỉ vào khoảng 109 triệu tấn. Bộ Xây dựng phải có bài toán xử lý vấn đề này.
Kiểm soát tốt hơn nữa tiến trình đô thị hóa phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển hệ thống đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch. Thực tiễn cho thấy hiệu quả sử dụng đất và các nguồn thu từ đất là rất thấp. Vì vậy, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm của các nước, đề xuất các cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để huy động được nguồn lực quan trọng này.
Bộ cần nâng cao chất lượng công tác quy hoạch xây dựng và bảo đảm quá trình thực hiện quy hoạch theo đúng quy định pháp luật.
Thủ tướng cho rằng, các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng, tầm nhìn của quy hoạch cũng như các điều kiện thực hiện cần thiết để bảo đảm tính khả thi rất quan trọng. Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra để bảo đảm việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt. Khắc phục ngay tình trạng quy hoạch treo, điều chỉnh quy hoạch một cách tuỳ tiện, dễ dãi, không tuân thủ trình tự theo quy định... Đừng để quyết định một đường thực hiện một nẻo.
Do đó, Thủ tướng đồng ý đề xuất của Bộ về việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, chấn chỉnh công tác quy hoạch xây dựng theo hướng tăng cường công tác quản lý phát triển đô thị theo quy hoạch được duyệt, nhất là các đô thị lớn, đô thị ven biển.
“Cây gậy của Bộ Xây dựng là công cụ quy hoạch, ta phải nắm chắc, nắm vững và không ủy quyền lung tung”, Thủ tướng nêu rõ.
Phải đóng góp đưa Việt Nam thành con hổ kinh tế
Bộ cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng trụ sở làm việc của cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 để làm cơ sở việc di dời, xây dựng trụ sở làm việc của các cơ quan Trung ương.
Tiếp tục đổi mới, chấn chỉnh các hoạt động xây dựng, bảo đảm nâng cao chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Quan tâm kiểm soát thị trường bất động sản, không để xảy ra biến động bất thường, bong bóng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô.
Sớm hoàn thành Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh”, trước mắt tham mưu ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực này. Phải tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và làm tốt công tác tổ chức, cán bộ theo phương châm hành động của Chính phủ.
“Bộ trưởng Phạm Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo rà soát cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, chống nhũng nhiễu trong hệ thống, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh. Ngành xây dựng phải đi đầu trong việc chống lại tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. Thường xuyên rà soát, thanh tra, kiểm tra, nhất là công tác cán bộ toàn ngành; xử lý nghiêm các vi phạm, nâng cao hơn nữa uy tín của ngành và niềm tin của doanh nghiệp, người dân.
“Phải tạo ra môi trường phát triển lĩnh vực xây dựng thông thoáng, thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế phát triển bền vững. Tôi đề nghị lãnh đạo Bộ cần gần gũi, hỗ trợ địa phương, sát doanh nghiệp để có hơi thở cùng họ. Ngành xây dựng Việt Nam phải đóng góp vào việc Việt Nam trở thành con hổ kinh tế trong tương lai gần. Tại sao lại không? Chúng ta khuyến khích, động viên, tạo điều kiện cho những khát vọng cháy bỏng vì đất nước của ngành xây dựng”, Thủ tướng bày tỏ.
Nhân dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Thủ tướng yêu cầu ngành xây dựng phải lo tết cho công nhân thi công ở công trường.