Thủ tướng yêu cầu làm rõ thông tin báo chí nêu về Nhà máy Sô đa Chu Lai
Trong nước - Ngày đăng : 16:27, 05/01/2018
Trước đó Báo Điện tử TN&MT đã thông tin “Quảng Nam: Nhà máy triệu đô phải ngừng hoạt động do ô nhiễm môi trường”. Sau khi ì ạch thi công (chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra hơn 3 năm), Nhà máy bắt đầu đi vào hoạt động (tháng 6/2015). Tuy nhiên, vừa đưa vào vận hành thử nghiệm, Nhà máy này đã gặp phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương vì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Qua nhiều đợt kiểm tra của các lực lượng chức năng phát hiện, trong quá trình sản xuất, Nhà máy không tuân thủ nghiêm nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Kết quả lấy mẫu xét nghiệm nước xả thải từ nhà máy cho thấy, nồng độ PH vượt cao nhiều lần mức cho phép. Thế nhưng, nhà máy này vẫn không khắc phục.
Việc Nhà máy sản xuất sô đa Chu Lai phải ngừng hoạt động đã kéo theo rất nhiều hệ lụy. Ngoài nợ tiền lương người lao động, doanh nghiệp này còn chưa thanh toán hết tiền cho các đối tác là nhà thầu thi công nhà máy, tiền nguyên liệu sản xuất. Trong đó, doanh nghiệp nợ Trung tâm Phát triển hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai gần 50 tỷ đồng tiền thuê sử dụng đất thời hạn 50 năm.
Đặc biệt, từ khi đầu tư đến nay, Công ty CP Sản xuất sô đa Chu Lai là con nợ của nhiều ngân hàng với tổng số tiền hơn 2.000 tỷ đồng. Với số tiền mà công ty nợ quá lớn trong khi phương án phục hồi sản xuất chưa rõ ràng, nếu Nhà máy đóng cửa, nhiều khả năng các ngân hàng sẽ đối mặt với tình trạng nợ xấu.
Trao đổi với PV Báo TN&MT, ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng Ban quản lý khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) cho biết: Nguyên nhân sâu xa khiến nhà máy này phải dừng hoạt động và rất khó phục hồi sản xuất là do công ty đã sử dụng công nghệ cũ của Trung Quốc. Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy không đáp ứng được yêu cầu. Trong trường hợp nếu thay thế bằng công nghệ mới thì chi phí nắp đặt, chi phí vận hành cao công ty sẽ không có lãi.