Họp báo lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột 2017
Trong nước - Ngày đăng : 00:00, 06/03/2017
Ông Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk; ông Nguyễn Tấn Phòng – Uỷ viên chuyên trách Ban chỉ đạo Tây Nguyên đồng chủ trì. Tham gia buổi họp báo có người đẹp Phùng Bảo Ngọc Vân – đại sứ truyền thông về Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và các nhà báo, phóng viên cơ quan thông tấn, báo chí trung ương và địa phương.
Buổi họp báo đã thông tin cho các đại biểu, các nhà báo, phóng viên về nội dung và các chương trình trong khuôn khổ lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột sẽ diễn ra từ ngày 8/3 đến 13/3/2017 tại Đắk Lắk với chủ đề “Hội tụ tinh hoa – phát huy bản sắc – liên kết phát triển” và sẽ kết thức bằng lễ bế mạc với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Hẹn ngày gặp lại”.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Trong khuôn khổ lễ hội có nhiều hoạt động được tổ chức như: Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê với chủ đề “Cà phê chất lượng vì sức khỏe cộng đồng” diễn ra trong suốt lễ hội. Lễ hội đường phố, Chung kết Hội thi “Nhà nông đua tài”, “Đêm hội vào mùa” Lễ hội đua Voi và thuyền độc mộc…
Về chương trình Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên năm 2017 với chủ đề “ Bản sắc trong thế giới hội nhập” với 5 nội dung: “Đêm hội diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên”, “Phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng”, Hội thi “Tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên”, Triển lãm và trao giải Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Cà phê Buôn Ma Thuột và không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” và “Hành trình di sản”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông và UBND tỉnh Đắk Lắk đồng chủ trì Hội thảo về cà phê.
Phóng viên báo TN&MT phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hải Ninh, Trưởng ban tổ chức lễ Hội cà phê Buôn Ma Thuột 2017 về công tác chuẩn bị cho lễ hội. |
Hội nghị Xúc tiến đầu tư khu vực Tây Nguyên do Ban chỉ đạo Tây nguyên cùng UBND tỉnh Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức sẽ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tại hội nghị Đắk Lắk dự kiến sẽ có 10 dự án được cấp chứng nhận đầu tư và ký cam kết đầu tư với số vốn đầu tư 98.647 tỷ đồng.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, du khách còn được uống cà phê miễn phí tại 32 quán cà phê với 20.000 phiếu được phát hành. Các quá cà phê còn cam kết giảm 50% giá.
Tại lễ hội các phóng viên, nhà báo đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức lễ hội sao cho an toàn tiết kiện, mang lại giá trị cao về văn hóa, thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, nâng cao giá trị cà phê Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, người nông dân sẽ được hưởng lợi từ việc xây dựng những giá trị cà phê sau Lễ hội.
Các nhà báo quan tâm đến công tác chuẩn bị hậu cần, khánh tiết; chuẩn bị nơi lưu trú, ẩm thực phục vụ du khách; đảm bảo an ninh trật tự trong dịp lễ hội... |
Nhiều phóng viên quan tâm về việc: Trong lễ hội khách du lịch sẽ ăn ở như thế nào, được đảm bảo an ninh và không bị tình trạng nâng giá, chặt chém về nơi ăn nghỉ và đi lại. Về vấn đề này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã huy động tối đa các nhà hàng khách sạn để lấy nơi ăn, nghỉ đối với khách nằm trong kế hoạch. Riêng khách tự do nếu phát hiện cơ sở lưu trú tăng giá phòng, cơ sở ăn uống tăng giá ẩm thực, chặt chém thì báo về cho Ban tổ chức Lễ hội để có phương án xử lý chấn chỉnh.
Báo Tài nguyên & Môi trường đặt câu hỏi: Đắk Lắk sẽ làm gì để sau Lễ hội sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột tăng giá trị trên trường quốc tế. Bởi hiện nay cà phê Việt Nam nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng khi xuất khẩu ra thị trường thế giới còn thu kém nhiều về giá trị so với các sản phẩm cùng loại của các nước trên thế giới. Người nông dân vẫn khổ, thu nhập bấp bênh trên sản phẩm cà phê mà mình đã vất vả làm ra?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Hải Ninh – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk chi sẻ: Vấn đề Báo nêu là rất chính xác và và tỉnh Đắk Lắk nói riêng và ngành cà phê cả nước nói chung đang rất trăn trở. Hiện nay việc chế biến sâu cũng không phải là vấn đề khó, song việc kêu gọi đầu tư cũng còn rất hạn chế, hơn nữa việc chế biến cà phê cũng phải theo sở thích của người sử dụng. Chúng ta xác định sẽ tham gia vào khâu nào ở chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến cung cấp cho người tiêu dùng là vấn đề then chốt. Song, để có thể chế biến sâu tránh lãng phí “tài nguyên nhân cà phê sô”, Đắk Lắk đã kiến nghị lên Chính phủ cho phép xây dựng khu công nghiệp tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar dọc theo QL14 để kêu gọi đầu tư chế biến sâu về các sản phẩm nông sản nói chung và cà phê nói riêng.
Tại buổi họp báo, các phóng viên, nhà báo còn quan tâm đến tính khả thi của các dự án đăng ký đầu tư cũng như ký cam kết đầu tư; đảm bào về sự an toàn, sức khỏe cho đàn voi phục vụ lễ hội; chương trình tái canh cà phê; nguồn vốn đầu tư từ các tổ chức tiến dụng… Những nội dung báo chí quan tâm đã được Ban tổ chức buổi họp báo trả lời thỏa đáng đám ứng được yêu cầu về thông tin của các cơ quan thông tấn báo chí.
Phóng viên Báo TN&MT phỏng vấn về chính sách đầu tư phát triển cà phê trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên. |
Phát biểu kết thúc buổi họp báo, ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Đắk Lắk không sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để tổ chức lễ hội mà thực hiện xã hội hóa 100%; không bắn pháo hoa trong dịp tổ chức lễ hội; Đắk Lắk thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm, nhưng tổ chức vẫn đảm bảo lễ hội hoành tráng theo đúng tiêu chí, mục đính mà Ban tổ chức đã đề ra. Mục tiêu tổ chức Lễ hội cà phê sẽ là để quảng bá về tiềm năng, thế mạnh về thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Xây dựng thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột ngày càng lớn mạnh trên trường quốc tế. Đồng thời, tạo được sự hài lòng của du khách đến với lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột và các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Cũng trong sáng 6/3, UBND tỉnh Đắk Lắk và Công ty CP Cà phê Biên Hoà; Công ty CP Phân bón Bình điền ký biên bản chương trình hợp tác hỗ trợ nông dân phát triển cà phê bền vững./.
Đình Thắng – Xuân Vũ