Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Mong muốn chức sắc, chức việc tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ
Trong nước - Ngày đăng : 14:11, 09/08/2019
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân và 126 vị chức sắc, chức việc tôn giáo tiêu biểu, đại diện lãnh đạo của 43 tổ chức tôn giáo.
Đóng góp lớn vào thành tựu chung
Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo với 43 tổ chức tôn giáo được công nhận, hơn 26 triệu tín đồ, gần 56.000 chức sắc, trên 145.000 chức việc...
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, mỗi tôn giáo ở nước ta tuy có lịch sử hình thành và đặc điểm khác nhau nhưng mọi tôn giáo đều tồn tại trong lòng dân tộc; lợi ích của từng tôn giáo cũng gắn liền với lợi ích của quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và không tín ngưỡng, tôn giáo là những chủ trương cơ bản của Đảng, Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo.
Trong những thành tựu chung của đất nước có sự đóng góp quan trọng của trên 26 triệu tín đồ các tôn giáo, chiếm hơn 1/4 dân số cả nước. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng trân trọng ghi nhận, đánh giá cao những đóng góp to lớn của các tôn giáo và đồng bào có đạo trong sự nghiệp phát triển KT-XH của đất nước. Thủ tướng biểu dương những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo trong việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; phát huy các nguồn lực tôn giáo, góp phần nâng cao sức mạnh tổng hợp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thủ tướng cho biết, cuộc gặp trang trọng hôm nay là minh chứng sinh động cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với tôn giáo, khẳng định chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nước ta. “Tôi tin rằng, tinh thần chia sẻ, thấu hiểu của cuộc gặp hôm nay sẽ càng tác động tích cực đến đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo, thúc đẩy các hoạt động tôn giáo phù hợp với chính sách, pháp luật của Nhà nước, với thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa của dân tộc và nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của nhân dân chúng ta” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Phát huy nguồn lực trong giai đoạn mới
Sau khi nghe những đề xuất, kế sách của đại diện các tổ chức tôn giáo trong thực hiện chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, phát huy có hiệu quả các nguồn lực và nâng cao vai trò của các tôn giáo, Thủ tướng đánh giá cao tâm huyết của các đại biểu. Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận hoạt động tôn giáo, công tác tôn giáo cũng đang đối diện nhiều khó khăn thách thức cần phải giải quyết trong tình hình khu vực và thế giới có những chuyển biến khó lường.
Thủ tướng chia sẻ, đất nước ta đang tập trung bứt phá hoàn thành kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2015-2020), nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển 10 năm (2021-2030) và kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021 -2030). Các cấp, ngành đang tích cực chuẩn bị đại hội đại biểu các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Bối cảnh này đòi hỏi sự chung tay của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò quan trọng của các chức sách, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo.
Do đó, Thủ tướng đề nghị các chức sắc, chức việc, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ và chính quyền các cấp, gương mẫu, trách nhiệm tận tụy, hướng dẫn, động viên tín đồ tôn giáo thực hiện đúng phương châm: đường hướng hành đạo gắn bó đồng hành với dân tộc. Nhìn nhận và giải quyết các vấn đề liên quan đến tôn giáo trên tinh thần thượng tôn pháp luật và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tôn giáo của mọi người dân.
Mỗi quý vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành và lãnh đạo các tổ chức tôn giáo là một tấm gương để để các quần chúng tín đồ noi theo, nêu gương giá trị văn hóa hóa từ bi, bác ái, xây dựng mối quan hệ đạo đời hòa hợp. Phát huy nguồn lực tham gia tích cực hiệu quả các hoạt động xã hội nhất là các lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, không để các hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mê tín dị doan trục lợi gây bức xúc trong xã hội, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Nêu cao tinh thần cảnh giác các thế lực lợi dụng chống phá ta về “dân chủ nhân quyền và tự do tôn giáo", cản trở Việt Nam trong hội nhập và hợp tác quốc tế.
Về phía các cơ quan chức năng, các bộ ngành cần tập trung cho công tác hoàn thiện thể chế, chinh sách pháp luật về công tác tôn giáo để phát huy vai trò tích cực của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Có thể nói không một quốc gia đa tôn giáo nào trên thế giới mà các tôn giáo, tín đồ tôn giáo lại sống bình đẳng như ở Việt Nam chúng ta, một đất nước không có xung đột sắc tộc, tôn giáo. Với tinh thần ấy, tôi mong rằng, quý vị chức sắc tôn giáo và đồng bào tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục thúc đẩy đoàn kết, phát huy vai trò của tôn giáo với đất nước, dân tộc, đặc biệt là những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp trong xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh. Các chức sắc, tín đồ tôn giáo tiếp tục đóng góp thế mạnh của tôn giáo mình trong sự nghiệp giáo dục, xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường, xóa đói giảm nghèo và xây dựng đất nước ngày càng hiệu quả, thiết thực hơn”- Thủ tướng đề nghị.