Phương thức thanh toán hợp đồng chuyển nhượng đất đai

29/12/2015 00:00

(TN&MT)- Hỏi: Công ty tôi mua lại một lô đất để làm trụ sở công ty. Số tiền trong hợp đồng mua bán là 15 tỷ. Cho tôi hỏi, với số tiền lớn như vậy, chúng tôi phải làm những thủ tục gì và phương thức thanh toán ra sao cho đảm bảo quyền lợi.

Trả lời

Trường hợp của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

 Để đảm bảo việc mua bán đất tránh rủi ro, bạn có thể thực hiện việc mua bán đất theo quy trình sau:

Bước 1: Làm hợp đồng đặt cọc. Khi hai bên đã đạt được sự thống nhất ý chí trong giao dịch chuyển nhượng nhà đất, bước đầu tiên, người được chuyển nhượng đặt cọc một khoản tiền cho người chuyển nhượng ( trường hợp hai bên đã chắc chắn về giao dịch này có thể tiến hành luôn bước 2). Theo đó hai bên sẽ thực hiện việc làm hợp đồng đặt cọc. Hợp đồng này hoàn toàn có giá trị pháp lý khi có chữ ký của hai bên mà không cần phải công chứng, tuy nhiên nếu bạn muốn đảm bảo độ an toàn của giao dịch này  thì bạn có thể mang hợp đồng đặt cọc này đến văn phòng công chứng. Điều này hoàn toàn mang tính tự nguyện và tùy thuộc vào mức độ tin tưởng lẫn nhau của hai bên. Hoặc bạn có thể yêu cầu một người thứ 3 làm chứng và có chữ ký của người này trong hợp đồng đặt cọc, đối với người thứ 3 thì tốt nhất bạn nên tìm người không có quan hệ họ hàng, huyết thống với bất kỳ bên nào.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bước 2: Làm hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Theo thỏa thuận trong hợp đồng đặt cọc, đúng lịch hẹn hai bên sẽ làm hợp đồng chuyển nhượng đất. Hợp đồng này bắt buộc phải công chứng theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, Điều 450 Bộ luật dân sự 2005.

Chúng tôi sẽ chỉ đề cập đến vấn đề bạn quan tâm ở đây là phương thức thanh toán và thời điểm bàn giao đất theo hợp đồng. Về phương thức thanh toán, hai bên hoàn toàn tự do thỏa thuận việc thanh toán bằng tiền mặt hay bằng tài khoản ngân hàng; thanh toán một lần hay chia ra nhiều lần. Cũng tương tự,  thời điểm bàn giao nhà diễn ra khi nào phụ thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng chuyển nhượng. Một khi hợp đồng này được công chứng, nó hoàn toàn có hiệu lực pháp lý. Theo đó các bên trong hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng. Như vậy, kể từ thời điểm hợp đồng được công chứng, quyền sở hữu đối với bất động sản được chuyển  từ người chuyển nhượng sang người được chuyển nhượng. Người được chuyển nhượng có nghĩa vụ thanh toán theo đúng hợp đồng hai bên đã ký kết.

Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ thuế. Đối với giao dịch chuyển nhượng nhà đất, các bên có nghĩa vụ phải thực hiện việc nộp thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ chậm nhất là ngày thứ 10 kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế theo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 10 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Bước 4: Làm thủ tục sang tên chuyển nhượng. Để hợp thức hóa quyền sở hữu quyền sử dụng đất đối với người được chuyển nhượng, một trong hai bên theo thỏa thuận trong hợp đồng sẽ nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng kí đất đai hoặc Phòng tài nguyên môi trường làm thủ tục sang tên chuyển nhượng.

Như vậy, nếu thực hiện theo quy trình này thì giao dịch của bạn diễn ra theo quy trình chuyển nhượng bất động sản theo quy định của pháp luật.

Báo TN&MT

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương thức thanh toán hợp đồng chuyển nhượng đất đai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO