Phó Thủ tướng họp triển khai giải pháp ổn định đời sống người dân tái định cư Thủy điện Sơn La

16/03/2018 17:55

Sáng 16/3 tại TP. Sơn La, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị với các bộ, ngành, địa phương để tìm giải pháp ổn định hơn nữa đời sống người...

 

 

Sáng 16/3 tại TP. Sơn La, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị với các bộ, ngành, địa phương để tìm giải pháp ổn định hơn nữa đời sống người dân tái định cư Thủy điện Sơn La.

 

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Tài chính, Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam… cùng lãnh đạo các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.
 

NXT 0307
Toàn cảnh cuộc họp 


Để đáp ứng được mục tiêu và chủ trương của Đảng và Nhà nước là: “Bảo đảm cuộc sống của người dân tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La phải tốt hơn hoặc ít nhất bằng nơi ở cũ”, trong những năm qua Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng và ban hành đồng bộ nhiều văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù để thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La. Trên cơ sở đó, các tỉnh đã ban hành kịp thời nhiều văn bản cụ thể hoá các cơ chế, chính sách để tổ chức triển khai thực hiện dự án. 

 

Sau hơn 15 năm thực hiện Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu đã hoàn thành di chuyển toàn bộ 20.340 hộ dân ra khỏi vùng ngập lòng hồ, đáp ứng được tiến độ tích nước hồ chứa và xây dựng hoàn thành Nhà máy thủy điện Sơn La vượt tiến độ 2 năm so với Nghị quyết số 13/2002/QH11 ngày 16/12/2002 của Quốc hội.
 

Hầu hết các hộ tái định cư về nơi ở mới đã tự xây dựng nhà ở tốt hơn nơi ở cũ; các công trình cơ sở hạ tầng tại các khu, điểm tái định cư đã được đầu tư xây dựng đồng bộ theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân tái định cư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng vùng Tây Bắc nói chung và 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu nói riêng.
 

Đời sống của người dân tại các khu, điểm tái định cư được cải thiện và nâng lên đáng kể so với trước khi di chuyển; việc tổ chức sản xuất, giải quyết công ăn việc làm cho người tái định cư đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác kiểm tra, kiểm soát quá trình thực hiện dự án được thực hiện kịp thời, bám sát các chủ trương, chính sách, quy định của Nhà nước trong quá trình thực hiện dự án. 
 

NXT 0190
Một căn nhà tại bản tái định cư Tú Quỳnh, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. 

 

Tuy nhiên, qua kết quả điều tra, khảo sát thực tế tại các khu, điểm tái định cự Dự án thủy điện Sơn La cho thấy thực trạng phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. 
 

Đời sống của người dân tuy đã được cải thiện rõ rệt, nhưng còn gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm dần qua từng năm, nhưng vẫn còn cao, thu nhập bình quân đầu người tuy tăng so với thời điểm trước khi di chuyển nhưng vẫn còn ở mức thấp, tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo trong thời gian tới là cao.
 

Lực lượng lao động trong vùng tái định cư chủ yếu là lao động nông nghiệp và chưa qua đào tạo (chiếm 71,52% tổng số lao động tái định cư); tỷ lệ lao động nông nghiệp chuyển dịch sang các ngành nghề khác (như: Dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp, du lịch) còn thấp (khoảng 10,2% tổng số lao động tái định cư). 
 

Việc xây dựng các phương án chuyển đổi sản xuất, nghề nghiệp và việc làm cho người dân thuộc dự án di dân, tái định cư còn chậm; các công trình cơ sở hạ tầng tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. 
 

Từ những thực tiễn nêu trên và để khắc phục những mặt còn tồn tại, hạn chế nhằm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư Dự án thuỷ điện Sơn La, đáp ứng được mục tiêu của Đảng và Nhà nước đặt ra thì việc sớm tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La” là rất cần thiết.
 

NXT 0299
Phó Thủ tướng trò chuyện với đồng bào tại bản tái định cư Tú Quỳnh, xã Tú Nang, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.

 

Tạo chuyển biến căn bản
 

Mục tiêu của Đề án nhằm tạo sự chuyển biến nhanh về trình độ sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất nông nghiệp hàng hoá có thu nhập cao; tăng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề ở nông thôn; cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân sau tái định cư Dự án thủy điện Sơn La trên địa bàn các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu một cách bền vững, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân sau tái định cư Dự án thủy điện Sơn La, không còn hộ có nguy cơ tái nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường sinh thái.
 

Cụ thể, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2 lần năm 2014 và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10%; đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 3 lần năm 2014 và không còn hộ nghèo.
 

Đề án áp dụng thực hiện cho 82 xã, phường, thị trấn có điểm tái định cư tập trung, xen ghép của 99 khu trên địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu thuộc Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La. 
 

Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư dự án thủy điện Sơn La trên địa bàn các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu được thực hiện từ năm 2018 đến năm 2025 và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2018 - 2020; giai đoạn 2 từ năm 2021 - 2025.
 

Tại hội nghị, các đại biểu sẽ thảo luận kỹ về các nội dung của đề án nhằm bảo đảm ngay khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề án có thể triển khai một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân tại các khu vực tái định cư thủy điện Sơn La.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phó Thủ tướng họp triển khai giải pháp ổn định đời sống người dân tái định cư Thủy điện Sơn La
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO